Giáo viên có còn là “mẹ hiền”?
VOV.VN - Việc tự tử của nữ học sinh ở An Giang tiếp tục xới xáo lên câu chuyện phương pháp dạy và học vốn dĩ đã cũ mèm.
Để trả lời câu hỏi này chúng ta gõ từ khóa “Những câu nói bất hủ của giáo viên” vào công cụ tìm kiếm Google. Câu trả lời có tần suất xuất hiện nhiều là:
- Các cô các cậu là cái lớp kém nhất mà tôi từng dạy.
- Đừng tưởng các anh chị làm gì mà tôi không biết.
- Tôi từng chủ nhiệm ở cái lớp còn “đầu gấu” hơn thế này.
Tôi thuộc thế hệ học trò sinh vào những năm 60 - 70 cũng xác nhận những câu nói trên. Chỉ đôi chút bất ngờ là đến bây giờ vẫn không có gì thay đổi.
Hình như trong “làng giáo” truyền tai nhau một “phương pháp” bất di bất dịch là ngay từ buổi đầu nhận lớp phải thể hiện rõ “sự cứng rắn” để trò sợ. Còn nếu không chúng rất dễ nhờn, bảo không nghe, khi đó quản lý lớp cực kỳ mệt mỏi. Chính vì thế phải dằn mặt, phải dọa dẫm đe nẹt ngay từ lúc đầu xuất hiện để triệt tiêu từ trong trứng nước “mầm mống phản kháng” của lũ “nhất quỷ nhì ma”; muốn cười cũng không được cười, muốn nói dăm ba câu “mềm mại” với học trò cũng phải tiết chế nếu không muốn mệt xác sau này.
Đáng tiếc là thực tế diễn biến gần giống, thậm chí có nơi giống hệt kịch bản mà các thầy các cô dự đoán, và cái “liệu pháp” dọa, “rắn” ngay từ ban đầu mà giáo viên áp dụng lại ít nhiều hiệu nghiệm.
Thầy cô nào càng rắn, càng “mặt sắt” thì lớp càng trật tự. Và dĩ nhiên giáo viên đó thường được khen, được đánh giá quản lý lớp tốt. Thực tế một số nơi diễn ra như vậy nên nhiều giáo viên, dù thuộc nằm lòng phương pháp dạy học tích cực, thấm đẫm tinh thần “Mỗi ngày đến trường một ngày vui”, “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”…thì rồi cũng bị “đồng hóa”, cũng tự giác triển khai các “biện pháp chuyên chính” như đã được rỉ tai để nhàn thân và để được… khen. Và cứ thế, vai “mẹ ghẻ” dần thế chỗ cho vai…“mẹ hiền” ở một bộ phận không nhỏ giáo viên.
Cũng phải cảm thông với nhà trường, với người thầy ở Việt Nam khi phải quản lý lớp với số học trò quá đông, một thời khóa biểu cứng nhắc, một chương trình học còn nhiều tranh cãi, một con đường thăng tiến dựa vào thành tích hình thức, một công cụ đánh giá thi đua lỗi thời…
Học trò 6X như chúng tôi thuộc thế hệ “biết vâng lời” vì luôn tâm niệm ở trường thầy cô thay mặt mẹ cha, thầy cô nói điều gì cũng đúng và bổn phận của mình phải tiếp thu, nên dễ bảo. Song mỗi giai đoạn lại có những lứa học trò khác nhau. Học trò hôm nay là công dân toàn cầu nên có nhiều điểm khác (và rất nên khác, buộc phải khác) với chúng tôi.
Thực lòng rất sẻ chia, cảm thông và kính trọng các thầy, các cô, nhưng rõ ràng các em học sinh hôm nay sẽ không dễ gì chấp nhận các phương pháp dạy dỗ hoặc hành xử mang màu sắc trấn áp và áp đặt vô lối./.