Một xã hội văn minh cần ưu tiên xây dựng đường cho xe đạp, bộ hành
VOV.VN - Có lẽ, ở Hà Nội, chỉ duy nhất cây cầu trăm tuổi Long Biên là cho phép xe đạp được lưu thông. Còn lại, những cây cầu khác đều cấm phương tiện thô sơ và bộ hành. Và có vẻ như, 6 cây cầu vừa được phê duyệt cũng không có thiết kế làn đường dành riêng cho xe đạp, khách bộ hành!?
Tại Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 mà UBND TP. Hà Nội vừa ban hành, ở giai đoạn 1, Hà Nội sẽ xây mới 6 cây cầu bắc qua sông Hồng bao gồm: Hồng Hà, Thượng Cát, Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi, Mễ Sở. Ngoài ra, thành phố cũng xác định xây dựng bổ sung giai đoạn 2 của cầu Vĩnh Tuy và nghiên cứu bổ sung, mở rộng cầu Thăng Long.
Theo thiết kế được công bố, hầu hết các cây cầu mới này đều được quy hoạch với 6 làn xe cơ giới hoặc làn cao tốc và 2 làn xe hỗn hợp. Đây được cho là những công trình khẳng định vị thế của Thủ đô Hà Nội - một thủ đô hiện đại, văn minh - xứng đáng là trái tim của cả nước.
Những cây cầu mới giúp kết nối giao thông thuận tiện giữa 2 bờ, góp phần tạo động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá… của Thủ đô.
Gần đây, Hà Nội đã xây dựng được nhiều cây cầu mới, hiện đại bắc qua sông Hồng, góp phần cải thiện hệ thống giao thông, giúp người dân đi lại thuận tiện và giảm tải cho những cây cầu cũ, được xây dựng từ lâu như cầu Thăng Long, Chương Dương hay Long Biên… Những cây cầu mới như Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân là điểm sáng trong nỗ lực làm thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô.
Nhưng, có một điều đáng buồn là tất cả những cây cầu này đều cấm phương tiện thô sơ và bộ hành tham gia giao thông qua cầu. Và có vẻ như, 6 cây cầu vừa được phê duyệt cũng không có thiết kế làn đường dành riêng cho xe đạp, khách bộ hành (?).
Hiện tại, ở Hà Nội, chỉ có cây cầu trăm tuổi Long Biên và cầu Thăng Long (làn phía dưới) là cho phép xe đạp được lưu thông. Điều đáng nói là 2 cây cầu này được xây dựng từ thời Hà Nội hầu như chỉ có… xe đạp.
Và tin buồn hơn, đó là quy hoạch này có tầm nhìn từ 30-50 năm, như vậy, những người muốn lựa chọn xe đạp để làm phương tiện di chuyển hằng ngày sẽ còn… rất lâu nữa mới giảm bớt được lộ trình di chuyển của mình giữa 2 bờ sông.
Hiện tại, nếu muốn di chuyển từ các quận nội thành sang Gia Lâm, Long Biên, buộc lòng người đi xe đạp vẫn phải di chuyển qua cầu Long Biên. Hãy làm một phép tính quãng đường di chuyển cho một người đi xe đạp từ quận Hai Bà Trưng sang Long Biên. Nếu đạp xe qua cầu Vĩnh Tuy, chỉ phải di chuyển với quãng đường từ 4km đến dưới 10km.
Tuy nhiên, cầu Vĩnh Tuy cấm phương tiện thô sơ nên người ta sẽ phải đi qua cầu Long Biên với quãng đường khoảng gần 20km hoặc hơn, tùy điểm muốn đến…
Xe đạp là phương tiện tham gia giao thông yếu thế, rõ ràng quy hoạch hạ tầng giao thông hiện nay của chúng ta chưa thực sự quan tâm đến vấn đề an toàn khi tham gia giao thông của xe đạp.
Quan trọng hơn là khi xây dựng, quy hoạch đường, xây dựng cầu mới đều không có đường cho người đi xe đạp.
Thậm chí xe đạp phải đi chung với phương tiện cơ giới rất thiếu an toàn và nguy hiểm. Đây có lẽ là lý do khiến ít người muốn sử dụng xe đạp tham gia giao thông…
Chỉ cách đây chưa đầy nửa thế kỷ, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, gần như là một đất nước của xe đạp. Chiếc xe đạp là tài sản quý giá của mỗi gia đình, là phương tiện đi lại chủ yếu của các cá nhân, thậm chí phải di chuyển quãng đường hàng trăm kilomet người ta vẫn sử dụng xe đạp. Tất nhiên, đó là thời điểm đất nước khó khăn và kinh tế chưa phát triển, người dân chưa có điều kiện để sắm cho mình các phương tiện cơ giới khác…
Xe máy phát triển ồ ạt trong khoảng 20 năm trở lại đây, rồi hiện nay là ô tô cùng với ý thức quá kém của rất nhiều người tham gia giao thông khiến mọi ngả đường dù có mở rộng đến mấy vẫn bị quá tải. Không khí thì ô nhiễm trầm trọng. Là những nguyên nhân khiến các nhà hoạt động môi trường, ngành giao thông và thậm chí cả nhiều người dân đã bắt đầu nghĩ tới chiếc xe đạp như một giải pháp cứu cánh.
Mỗi sáng thức dậy, chúng ta luôn nhận được cảnh báo về mức độ ô nhiễm, độc hại của không khí đối với sức khoẻ thì càng cần phải có những hành động thúc đẩy sự phát triển của những phương tiện tham gia giao thông thân thiện với môi trường - như xe đạp – đó là có những làn đường riêng cho loại phương tiện này.
Rất nhiều người hiện nay muốn sử dụng xe đạp như một phương tiện đi lại hằng ngày, nhưng rào cản lớn nhất vẫn là sự an toàn trên đường khi tham gia giao thông, khi xe đạp vẫn phải đi chung đường với oto, xe máy.
Hà Nội, rồi thành phố Hồ Chí Minh đang có những cuộc vận động người dân sử dụng xe đạp làm phương tiện di chuyển trong nội đô. Nhưng nếu chúng ta chỉ đưa ra những đề án, chương trình vận động người dân đi xe đạp mà không giải quyết từ gốc vấn đề là xây dựng hạ tầng giao thông dành riêng cho loại phương tiện này thì kết cục sẽ lại giống như những cuộc vận động dở dang khác.
Chưa làm đã biết là hỏng!
Vậy nên, nếu muốn người dân lựa chọn phương tiện này một cách tự nguyện khi tham gia giao thông, trước hết, các nhà quy hoạch giao thông, các cơ quan quản lý cần phải chú trọng hơn trong việc dành riêng không gian đi lại cho xe đạp.
Một xã hội văn minh, hiện đại, luôn phải chú trọng tới những công trình mang tính nhân văn, vị nhân sinh…
Hay những nhà tư vấn, những kiến trúc sư, những lãnh đạo của Hà Nội muốn quên ngay đi quãng thời gian vài chục năm trước Hà Nội vốn là một thành phố của xe đạp?
Hay họ nghĩ rằng, xe đạp là biểu hiện của sự lạc hậu, không cần thiết phải quan tâm làm đường riêng khi xây dựng cầu, đường.
Vì như thế là quá tốn kém cho những phương tiện “thiếu văn minh” này?