Phụ nữ có còn sợ Tết!

VOV.VN - Khi chưa có gia đình tung tăng thích Tết lắm nhưng có rồi thì chỉ nghĩ đến thôi cũng thấy sợ. Nhưng nay thì lại khác.

Ngày Tết có lẽ phụ nữ là những người bận rộn nhất. Từ việc phải mua sắm đồ cho gia đình, quà cáp cho nội ngoại hai bên rồi dọn dẹp nhà cửa…Dù xưa hay nay thì điều đó cũng không hề thay đổi.

Phụ nữ và ngày Tết chỉ với hai từ “tất bật”

Chị Thúy Hà, hiện là giảng viên của một trường đại học lớn ở Hà Nội chia sẻ, mỗi lần Tết đến, chị lại thấy sợ. Mặc dù Tết Nguyên đán là dịp để người thân sum vầy, về quê thăm họ hàng nội ngoại cũng rất vui và ý nghĩa nhưng trước đó nghĩ lại khối lượng công việc phải làm chị thấy toát mồ hôi. Gia đình nội ngoại hai bên ở hai tỉnh khác nhau nên mỗi lần di chuyển đã mất khá nhiều thời gian. Trước Tết chị phải lên danh sách người thân để chuẩn bị quà. Rồi ở nhà, chồng chị mặc dù cũng rất thương vợ chăm con nhưng cũng chỉ mó tay vào đúng 1 việc đó là đi mua cành đào, còn lại là một tay chị lo tất. Từ mớ rau, cọng hành cho đến dọn dẹp nhà cửa cũng chỉ một tay chị lo liệu. Đầu tắt mặt tối với việc ở cơ quan chưa xong, lại tất bật sắp xếp việc nhà. Khoảng 2 tuần trước Tết chị thấy chóng hết cả mặt khi nghĩ đến khối lượng việc phải hoàn thành.

Một năm làm việc vất vả, Tết được nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động. Nhiều gia đình giờ thay vì ở nhà thì Tết lại chọn đi du lịch. Tuy nhiên không phải ai muốn cũng thực hiện được điều đó. Chị Mai Hương, hiện đang công tác tại một Nhà xuất bản ở Hà Nội chia sẻ, năm nào cũng bảo Tết chuẩn bị đơn giản thôi nhưng mà dường như đã trở thành thói quen, chả đơn giản được tý nào. Chị ở cùng với bố mẹ chồng nên Tết càng phải chuẩn bị nhiều hơn. Mặc dù ăn chả được bao nhiêu nhưng bố mẹ chồng chị Hương lại thích làm những món ăn đặc trưng ngày Tết rất kỳ công và tốn thời gian như gói bánh chưng, gói giò, làm chè kho… Trước Tết nhà cửa ngổn ngang đồ đạc, quà cáp, nhìn thôi cũng đã thấy toát mồ hôi. Chị Hương cho hay năm nào cũng như năm nào, dù có cải thiện cho gọn nhẹ thì cứ đến trước giao thừa nhà cửa mới dọn dẹp xong. Chị chưa biết đến cảm giác trước giao thừa được thong dong dạo phố như nhiều người bạn của mình mà cứ đâm đầu dọn dọn, dẹp dẹp đến phát oải.

Ngày Tết, đa phần chị em phụ nữ phải quần quật nấu nướng, rửa chén bát, dọn dẹp từ sáng đến tối trong khi đàn ông tiếp khách, ăn nhậu. Vì thế bảo phụ nữ sợ Tết quả là không quá mà đó là sự thật nhất là các chị em lấy chồng xa, Tết phải quê chồng. 3 ngày Tết ở quê, vui thì có vui đấy nhưng số lần vào bếp nấu nướng, số lần bưng mâm rửa bát quả là nỗi kinh hoàng đối với chị em. Chị Hoàng Mai quê ở Phú Thọ chia sẻ, Tết năm nào cũng về quê nội 2 ngày mùng 1 và mùng 2. Từ ngày làm dâu cho đến giờ con đã lớn nhưng có lẽ mọi nếp sinh hoạt ở quê chồng chưa thay đổi là mấy. Trong 2 ngày đó ngoài lúc đi chúc Tết họ hàng thì lượng khách đến nhà bố mẹ chồng chị chúc Tết cũng đông đúc không kém. Tục ở quê chồng chị cứ họ hàng đến chúc Tết là lại ngả mâm ra ăn uống, chúc tụng nhau. Mà các món ăn thì chỉ quay đi quay lại nào bánh chưng, nem rán, canh cá, giò chả các loại nhìn thôi cũng đã ngấy lắm rồi. Nhưng đã là tục lệ thì khó mà thay đổi vì vậy phận làm dâu cứ phải theo thôi. Giờ may cũng có nhiều cháu đã lớn nên cũng có người phụ giúp chứ không nghĩ đến cảnh tay xách nách mang về quê mấy ngày Tết thực sự thấy oải.

Mua bán online, giải phóng sức lao động cho phụ nữ

Vài năm lại đây, hình thức mua bán cũng có sự thay đổi đáng kể. Thay vì phải đến chợ, đến siêu thị thì phụ nữ đã được giải phóng thời gian, sức khỏe khi mà hình thức mua bán online được khai thác triệt để. Giờ chỉ cần ngồi một chỗ, nháy chuột vài lần là có đủ đồ cho Tết Nguyên đán. Chị em cũng có hẳn một danh sách địa chỉ những nơi làm đồ ngon, nào là giò sạch, bánh chưng ngậy đỗ và thịt, các loại đồ khô như thịt lợn, thịt trâu sấy…Không chỉ mua về chế biến nhiều dịch vụ nấu chín ship tận nhà theo đúng yêu cầu của khách. Giờ thế giới phẳng, cần món gì ở vùng miền nào chỉ cần lên mạng tìm kiếm là 1 đến 2 ngày sau, hàng có tận cửa. Cũng vì thế giờ đây, Tết đến trong nhà có đủ đặc sản vùng miền.

Chị Thúy Hà cũng phải công nhận năm nay việc mua sắm cho Tết nhàn hẳn. Chị có thời gian đi làm tóc, mua quần áo cho mình và chồng con rồi cũng có chút thời gian hẹn hò bạn bè. “Cũng may là thời đại công nghệ, phụ nữ được giải phóng đôi chút. Chứ cứ như mấy năm trước chắc muôn đời phụ nữ là osin, không có thời gian dành cho bản thân. Tết đến ai cũng mong nhưng mà nếu mà đầu bù tóc rối để mua sắm, dọn dẹp thì không còn hứng thú nữa”.

Còn chị Mai Hương cũng đã thay đổi ít nhiều được gia đình nhà chồng. Những món cầu kỳ, mất thời gian dần dần theo năm tháng cũng được bớt đi. Như năm nay mẹ chồng chị bảo thôi không làm món chè kho nữa vì chả ai ăn, làm ra để hỏng phí của, phí công sức. Sự thay đổi cũng một phần do chị Hương mạnh dạn mua sắm những món ngon đặc sản vùng miền về cho gia đình thưởng thức. Dần dần mẹ chồng chị cũng nhận thấy có những công đoạn không nhất thiết phải tự làm. Thời gian đó để cả nhà cùng quây quần như thế các thành viên mới gắn kết nhau và con dâu cũng vui hơn.

Năm nay vì Covid-19 bùng phát đúng dịp Tết nên nhiều gia đình không về quê thành ra việc chuẩn bị cho Tết cũng nhẹ nhàng hơn. Chị Hoàng Mai bảo “thói quen bao năm nay cứ Tết là về quê chồng nhưng năm nay không về thấy cũng thiếu thiếu. Tuy nhiên thoát được cảnh cỗ bàn, chào hỏi. Chị và chồng cùng bàn nhau là năm nay đón Tết ở Hà Nội nên mua sắm gọn gàng, chi tiêu tiết kiệm, thời gian chủ yếu để nghỉ ngơi”.

Ngày nay, nhiều chị em phụ nữ cũng chủ động hơn trong cuộc sống và tự quyết được việc trong gia đình. Không còn việc chị em âm thầm chịu đựng mua sắm, dọn dẹp một mình mà họ đã chủ động bàn với chồng con đón Tết với phương châm nhẹ nhàng, vui vẻ, tiết kiệm. Không còn cảnh chất đống đồ ăn trong tủ lạnh nữa vì ngày nay cuộc sống đầy đủ, nên Tết cũng không cần ăn quá đặc biệt. Chị em cũng biết cách lôi kéo chồng con vào công cuộc dọn dẹp trang trí nhà cửa nhờ vậy Tết càng trở nên vui và ý nghĩa hơn. Chính vì chủ động được trong cuộc sống, nhiều chị em thở phải bảo "Khi chưa có gia đình thì tung tăng thích Tết lắm nhưng có rồi thì chỉ nghĩ đến thôi cũng đã thấy sợ. Nhưng nay thì lại khác, nếu ai cũng thấu hiểu và biết sẻ chia thì Tết lại là dịp gia đình gắn kết, yêu thương nhau. Giờ cũng thảnh thơi hơn nhiều có thời gian thong dong dạo chơi cùng bạn bè, lượn lờ chợ hoa rồi có khi lại làm vài bộ ảnh để đánh dấu một năm khởi sắc và chào đón năm mới với nhiều mong ước đủ đầy"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mẹo giảm bớt rác thải nhà bếp trong dịp Tết Nguyên đán
Mẹo giảm bớt rác thải nhà bếp trong dịp Tết Nguyên đán

VOV.VN -Tết Nguyên đán cũng là dịp các bà nội trợ dành phần lớn thời gian trong bếp. Và dưới đây là những cách giảm thiểu rác thải nhà bếp hiệu quả mà bạn nên áp dụng ngay để có một cái Tết nhàn hạ.

Mẹo giảm bớt rác thải nhà bếp trong dịp Tết Nguyên đán

Mẹo giảm bớt rác thải nhà bếp trong dịp Tết Nguyên đán

VOV.VN -Tết Nguyên đán cũng là dịp các bà nội trợ dành phần lớn thời gian trong bếp. Và dưới đây là những cách giảm thiểu rác thải nhà bếp hiệu quả mà bạn nên áp dụng ngay để có một cái Tết nhàn hạ.

10 mẹo hay làm sạch đồ đạc giúp bạn có nhà xinh đón Tết
10 mẹo hay làm sạch đồ đạc giúp bạn có nhà xinh đón Tết

VOV.VN - Với mỗi loại nội thất có các chất liệu khác nhau lại có cách xử lý phù hợp để tăng độ bền của đồ đạc trong nhà.

10 mẹo hay làm sạch đồ đạc giúp bạn có nhà xinh đón Tết

10 mẹo hay làm sạch đồ đạc giúp bạn có nhà xinh đón Tết

VOV.VN - Với mỗi loại nội thất có các chất liệu khác nhau lại có cách xử lý phù hợp để tăng độ bền của đồ đạc trong nhà.

Khoảnh khắc đường phố bình dị đậm chất Hà Nội những ngày giáp Tết
Khoảnh khắc đường phố bình dị đậm chất Hà Nội những ngày giáp Tết

VOV.VN - Dường như giữa những hối hả, đâu đó có những khoảnh khắc của Hà Nội như nhắc con người ta sống chậm lại để cảm nhận nét bình dị thường ngày.

Khoảnh khắc đường phố bình dị đậm chất Hà Nội những ngày giáp Tết

Khoảnh khắc đường phố bình dị đậm chất Hà Nội những ngày giáp Tết

VOV.VN - Dường như giữa những hối hả, đâu đó có những khoảnh khắc của Hà Nội như nhắc con người ta sống chậm lại để cảm nhận nét bình dị thường ngày.