Phương án thi vào lớp 10: Sở GD-ĐT Hà Nội nên lắng nghe và linh hoạt!
VOV.VN - Có nhiều nội dung trong phương án thi vào 10 đang được dư luận quan tâm. Vậy nên, khi có nhiều ý kiến từ dư luận, rất mong Sở GD-ĐT Hà Nội lắng nghe…
Thông tin về cách đăng ký nguyện vọng dự tuyển và khu vực tuyển sinh mà Sở GD-ĐT Hà Nội vừa công bố đã tạo nên sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhất là các bậc phụ huynh có con thi vào 10 trong năm nay.
Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, căn cứ vào tình hình dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay, xét thấy các nhà trường và học sinh hiện vẫn có thể duy trì việc dạy học, ôn tập đúng tiến độ, nên Sở đã đề xuất giữ nguyên phương thức thi tuyển, tổ chức kỳ thi với 4 môn thi. Theo Sở này, việc tổ chức thi tuyển 4 môn theo Sở GD-ĐT Hà Nội nhằm đảm bảo học sinh được giáo dục toàn diện, có chất lượng.
Phải khẳng định, với một nền giáo dục toàn diện và trong điều kiện bình thường, thì việc thi 4 môn hay nhiều hơn là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu so với lứa học sinh thi trong năm trước (năm 2020), thì việc học sinh năm nay thi 4 môn cũng tạo áp lực không nhỏ cho các em và gia đình. Nếu năm trước, các em chỉ phải chịu áp lực về dịch trong khoảng thời gian 4-5 tháng (từ cuối tháng 1 đến tháng 5) thì các em học sinh năm nay thi vào 10 phải chịu áp lực hơn nhiều, trong cả năm dịch dã 2020 và đến tận lúc thi. Trong khoảng thời gian đó, phần lớn các em lúc học online, lúc đến trường nên kiến thức cũng ít nhiều bị hao hụt.
Với nhiều nước, có nền tảng công nghệ tốt, việc học online là phổ biến và hiệu quả, thì với học sinh nước ta, do phải bất ngờ thay đổi cách học để ứng phó với dịch, nền tảng công nghệ còn manh mún, thiếu đồng bộ, có nhiều tiết học khi tất cả học sinh vào học được thì việc chuẩn bị máy móc, cách sử dụng cũng đã chiếm thời gian không nhỏ. Chưa kể, vì chưa quen với cách học này cũng như được rèn luyện về khả năng tự giác, tự học, nên thực tế có nhiều em tham gia tiết học cho có mặt chứ kiến thức vào đầu không được bao nhiêu.
Vì thế, việc có thêm môn thi so với năm ngoái cũng tạo nên áp lực lớn cho học sinh và cũng khó có thể khẳng định với cách học trong gần 2 năm “đồng hành cùng Covid-19” lúc “on” lúc “off”, mục tiêu mà Sở hướng đến trong kỳ thi này là đảm bảo học sinh được giáo dục toàn diện, có chất lượng có thành hiện thực?
Chúng ta có rất nhiều cách thức linh hoạt để thích ứng với hoàn cảnh, chẳng hạn năm ngoái Sở GD-ĐT Hà Nội đã quyết định cho học sinh thi 3 môn vì có dịch, hay trong năm nay TP HCM và một số địa phương cũng có sự linh hoạt trong cách thi, thay vì thi 4 môn thì ngay từ những tháng trước đã quyết định thi 3 môn, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Việc này vừa giảm áp lực cho học sinh, vừa giúp cho các em ổn định tâm lý, có thời gian chuẩn bị kỳ thi tốt hơn. Vậy nên, sự cân nhắc để có những thay đổi phù hợp, hướng tới lợi ích của học sinh như khẳng định của Sở cũng là việc được nhiều người mong đợi.
Thứ hai, theo Sở GD-ĐT Hà Nội, về khu vực tuyển sinh, năm học 2021-2022, đối với các trường THPT công lập, Hà Nội vẫn phân chia thành 12 khu vực tuyển sinh như các năm học trước. Học sinh xác định khu vực tuyển sinh dựa vào hộ khẩu thường trú của mình (hoặc của bố, mẹ học sinh). Với một số trường hợp cụ thể, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ xem xét tạo điều kiện để các em được đổi khu vực tuyển sinh.
Theo đó, nếu học sinh có hộ khẩu ở địa bàn này nhưng cư trú thực tế tại nơi khác thì gia đình học sinh làm đơn, có xác nhận của chính quyền địa phương, Sở sẽ xem xét, cho phép học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển ở khu vực tuyển sinh theo nơi cư trú thực tế.
Thoạt nhìn, thay đổi này có vẻ như linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, nhưng thực chất, nếu không có sự quản lý chặt chẽ thì dẫn đến việc hỗn loạn trong xin xác nhận hộ khẩu hay nơi cư trú để thí sinh có được khu vực tuyển sinh mong muốn.
Với những gì đang diễn ra hiện nay, không ai dám chắc điều này không xảy ra. Bởi thực tế, với nhiều phụ huynh lựa chọn trường dựa trên học lực của con em mình, nhưng không ít người bằng mọi giá phải lo cho con được học trong các trường Top, trường chuyên, lớp chọn.
Thế mới có chuyện, ngay từ mẫu giáo, cấp 1, cấp 2, người ta đã “đặt gạch” với giá cả ngàn hoặc vài ngàn USD để lo lót cho con học trái tuyến, vào trường điểm, lớp chọn, bất chấp khả năng của con mình như thế nào. Đến cả chuyện chạy điểm, mua suất vào Đại học cho con mà nhiều người còn dám làm. Điển hình là các vụ chạy điểm thi gây rúng động dư luận cách đây không lâu ở Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn… khiến nhiều nhiều quan chức và nhiều người làm trong ngành giáo dục đã phải vào tù.
Theo quy định của Sở, mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào ba trường THPT công lập, xếp theo thứ tự NV1, NV2, NV3, trong đó NV1 và NV2 phải thuộc khu vực tuyển sinh mà học sinh có hộ khẩu thường trú, NV3 có thể thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ. Với cách tuyển sinh này, muốn đỗ NV3 thì ít nhất phải có số điểm hơn điểm đỗ NV1 2 điểm, điều này trong thi cử không ai dám chắc chắn, nhất là khi chỉ hơn kém nhau 0,25 điểm thì các em đã đứng giữa ranh giới đỗ và trượt.
Và, với phương thức thí sinh chỉ được chọn NV1 và NV2 ở khu vực có hộ khẩu cũng như có giấy xác nhận ở nơi cư trú, khó có thể khẳng định không có tình trạng “chạy” hộ khẩu và nơi cư trú để con em được thi vào các trường Top, trường điểm. Khi đó, ai sẽ kiểm soát việc đâu là giấy thật và đâu là giấy “chạy”? Một khi không kiểm soát tốt, có tạo sự công bằng giữa các thí sinh?
Vậy nên, khi lên kế hoạch, Sở cũng nên lường trước để có thể hạn chế tiêu cực có thể xảy ra trong việc "chạy" hộ khẩu hoặc nơi cư trú. Linh hoạt là tốt và cần thiết, nhưng linh hoạt mà tạo cơ hội cho sự giả dối, chạy chọt phát triển thì không nên.
Do vậy, khi có nhiều ý kiến từ dư luận, rất mong Sở GD-ĐT Hà Nội có những cân nhắc, thay đổi linh hoạt, phù hợp, thực sự hướng tới kỳ thi an toàn, đảm bảo chất lượng và hướng tới lợi ích của học sinh, phụ huynh.
Không có gì là không thể thay đổi, nhất là thay đổi hướng tới sự tốt đẹp và tích cực hơn. Bởi, suy cho cùng, mọi thay đổi cũng là do con người và phục vụ con người./.