Sinh viên Hải Dương tình nguyện chống dịch tại TP.HCM: Rất cần trao đổi và cảm thông
VOV.VN - Buông bỏ và khoáng đạt là đặc tính của người Nam. Vậy nên có gì đó chưa thực sự phù hợp, còn lợn cợn vì sự khác biệt văn hóa hai miền... thì cũng mong "chín bỏ làm mười".
Hôm qua (3/7) một đồng nghiệp ở TP.HCM nhắn cho tôi mẩu tin nói về đội tình nguyện Trường Đại học kỹ thuật y tế Hải Dương vào TP.HCM hỗ trợ phòng, chống dịch.
Nói chung “tin xấu”, rất xấu! Trên mạng xã hội lan truyền nhiều mẩu hội thoại dè bỉu, châm chọc, miệt thị, chê bôi nhóm sinh viên Hải Dương; rồi cũng lại có những tiếng nói yếu ớt bênh vực các em sinh viên, rằng các em làm theo mệnh lệnh của chỉ huy chứ kỳ thực không dám đòi hỏi gì.
Trả lời đồng nghiệp phía Nam, tôi chỉ dám nhắn lại một chữ “buồn” và mong anh chị em phóng viên tiếp tục tìm hiểu thật khách quan, nhiều chiều sự việc này.
Hiện một số bài viết tập trung mũi dùi về phía các em sinh viên Hải Dương. Một số thông tin nghiêng về phía các em sinh viên thì dường như cố gắng thanh minh, nhưng yếu ớt và lẻ loi so với nhiều bài phẫn nộ, cười cợt, thể hiện sự coi thường.
Tôi vẫn cho là thông tin chúng ta thu lượm được chưa đầy đủ để đưa ra bất kỳ kết luận hay phán xét nào.
Những em sinh viên ấy còn trẻ! Chắc có bạn lần đầu tiên vào mảnh đất phương Nam. Nếu đây đó, chỗ này chỗ kia có những ứng xử quê mùa, hoặc cố “gồng” lên để làm dáng, tìm kiếm sự tự tin (là tôi ví dụ thế) thì xin tất cả hãy bỏ qua. Các em còn rất trẻ!
Hãy coi các em như con cháu ruột thịt của mình, nếu có gì chưa phải, hãy mở lòng bao dung, như bản thân tôi từng được các chú các bác Sài Gòn yêu thương, bao bọc khi chân ướt chân ráo vào Nam những năm sau giải phóng.
Tôi không ở trong Nam hết cả tuổi thơ, cha tôi không thức thời chọn mảnh đất vàng phương Nam như nhiều người khác, nhưng người Nam để lại cho tôi nhiều ấn tượng đẹp, kỷ niệm đẹp, không thể quên.
Buông bỏ và khoáng đạt là đặc tính của người Nam. Vậy nên có gì đó chưa thực sự phù hợp, còn lợn cợn vì sự khác biệt văn hóa hai miền... thì cũng mong "chín bỏ làm mười".
Quanh câu chuyện này chúng ta chưa có đủ thông tin, nhưng hình như có sự lúng túng, chưa ăn khớp trong tổ chức và phối hợp giữa nhóm sinh viên tình nguyện và địa phương - nơi được hỗ trợ? Điều tôi nghĩ quan trọng nhất lúc này là trao đổi và lắng nghe để có tiếng nói chung. Có doanh nghiệp PR trong chuyện này hay không tôi không biết, nhưng nếu có thì nhóm truyền thông hãy coi đây là bài học và khẩn trương vào cuộc. Đừng để các em sinh viên cũng như địa phương rơi vào thế khó xử.
Một số lên mạng chì chiết, mỉa mai, miệt thị vùng miền như mấy ngày hôm nay phỏng ích gì? Có giúp mọi việc tốt đẹp hơn hay khiến chúng ta ngày càng xa cách? Mọi sự chì chiết, so sánh, khinh rẻ, tẩy chay lúc này càng làm cho chúng ta thêm đau xót; những câu nói chia rẽ vùng miền bình thường đã như vết thương xát muối, lúc khó khăn như thế này lại càng xót xa và buồn hơn. Nó như gáo nước lạnh dội vào lòng nhiệt huyết và quyết tâm chống dịch của tất cả chúng ta. Nó vô cớ làm công việc chống dịch đúng lúc cam go bị chững lại, khiến mọi người nhìn nhau hồ nghi, xét nét thay vì tất cả phải đồng lòng.
Đừng để những câu chuyện lặt vặt như thế ảnh hướng đến những cố gắng chung của cả nước trong việc phòng, chống dịch! Đừng để những khác biệt ngăn cách sự cởi mở, phóng khoáng và bao dung! Đừng so sánh ai giỏi hơn trong tình huống này! Đừng bảo rằng tôi cũng đủ người, đâu cần hỗ trợ! Đừng!
Rồi các bạn phương Nam sẽ hiểu; rồi các bạn sinh viên y tế Hải Dương cũng sẽ biết, và nếu có gì đó chưa kịp thích nghi phải điều chỉnh. Lúc này rất cần tất cả chúng ta phải là một, cùng hướng tới mục tiêu chung đầy khó khăn là đẩy lùi đại dịch./.