Thói xấu ở Hà Nội
VOV.VN - Những ngày này, cứ chiều muộn là Hà Nội lại có những cơn mưa rào kéo dài cả giờ đồng hồ. Mưa lớn giúp cho không khí bớt ngột ngạt khi nhiệt độ ban ngày ngoài trời lên tới 40-50 độ C…
Thế nhưng, những cơn mưa ấy cũng khiến bộc lộ những thứ mà bình thường tuy cũng có người nhận ra nhưng không trực quan như khi chứng kiến đường phố lênh láng ngập nước đến ngang đùi.
Ấy là rác thải
Sau mỗi cơn mưa, nhiều tuyến đường phố chính, đặc biệt ở khu phố cổ Hà Nội thường trở thành những con sông nhỏ. Nước dâng cao tới ngang bắp chân, ngang đùi người đi bộ. Và kéo theo rác thải từ khắp mọi ngõ ngách, thậm chí “lôi” ngược từ dưới miệng cống thoát nước, nổi lềnh bềnh, trôi dạt khắp phố, tràn vào nhà theo dòng nước.
Những thứ rác nhìn thấy ấy, cũng chỉ là “phần nổi”, bởi không biết bao nhiêu thứ bẩn thỉu, độc hại đã phân huỷ và tan vào trong nước, kéo theo bao nhiêu bệnh tật - đó mới là thứ phải đáng lo hơn cả.
Mà có khi, chính đống rác đó, người ta vừa vứt ra ngoài vỉa hè, dưới lòng đường, trước cửa nhà, khi cơn mưa chưa đổ xuống. Không biết khi vứt rác, họ có nghĩ đến việc chúng lại quay trở lại với họ theo dòng nước mưa không?
Việc phố phường luôn trong cảnh ngập úng mỗi khi mưa xuống, luôn được đổ lỗi cho công ty phụ trách việc cấp thoát nước, và của chính quyền thành phố. Đúng vậy. Điều này, có phần trách nhiệm không nhỏ của họ.
Nhưng nếu mỗi người dân Thủ đô, tự ý thức được việc phân loại rác thải, vứt rác đúng nơi quy định, thay vì vứt thẳng ra lòng đường, vỉa hè, nhét xuống cống rãnh thoát nước trước cửa nhà. Có lẽ, cũng sẽ góp phần giảm đi việc cống rãnh thoát nước của thành phố luôn trong tình trạng bị bóp nghẹt bởi rác thải!?
Hà Nội đang trong những ngày nắng nóng cực điểm kéo dài. Nếu không có ô tô, ai cũng ngại phải ra đường vì khó lòng mà chịu nổi cái nắng gay gắt cháy da cháy thịt. Thế nên ai cũng vội vã, đi thật nhanh để tránh nắng.
Khốn khổ nhất đó là việc phải dừng chờ đèn đỏ ở mỗi ngã tư đường phố. Ai cũng muốn tìm chỗ có bóng mát cây xanh để đứng chờ đèn xanh, mà thường, thì những nơi có vạch sơn quy định chỗ chờ đèn ấy, lại chẳng có một bóng cây mát mẻ nào.
Ấy vậy là người ta cứ thấy từng nhóm, từng nhóm người đi xe đạp, xe máy… đứng túm tụm ở một góc, dưới bóng mát cây xanh, và cách rất xa khu vực dừng chờ đèn xanh, khiến những phương tiện khác, hoặc những người tuân thủ luật giao thông chẳng có chỗ mà đi lên đúng chỗ dành cho mình.
Ấy vậy là cự cãi, mắng mỏ nhau về ý thức tham gia giao thông.
Nắng nóng thì phải tìm chỗ mát mà đứng chờ đèn, mặc cho có biển báo nhường đường cho các phương tiện được phép rẽ phải...
Nắng nóng thì phải tìm chỗ mát mà đứng chờ đèn, mặc cho có biển báo nhường đường cho các phương tiện được phép rẽ phải...
Vài người, thực ra là khá nhiều thì chọn cách len lỏi vượt đèn đỏ, chẳng chịu chờ nổi vài chục giây đồng hồ. Chỉ khổ những người đi đúng tín hiệu đèn giao thông phải tránh né, dừng xe để “nhường” đường cho những người vi phạm. Cũng có rất nhiều trường hợp tai nạn giao thông xảy ra khi người đi đúng đâm phải người vượt đèn đỏ.
Nhưng người ta cũng chẳng sợ. Vẫn vượt đèn đỏ hằng ngày. Và thậm chí thể hiện thái độ khó chịu khi bị cản trở việc đi sai của mình?
Mà, việc vượt đèn đỏ, chẳng phải vì họ không thể chịu nổi cái nắng nóng khi đứng chờ ở ngã tư. Bất kể vào thời gian nào, mùa nào trong năm và giờ nào trong ngày, người ta cũng cố tình vượt đèn đỏ. “Chẳng may” sau đó gặp lực lượng cảnh sát giao thông dừng xe xử phạt thì lại cười giả lả xin xỏ. Không xin được thì về lên mạng xỉa xói “bọn công an” chỉ nhăm nhăm… rình phạt dân.
Rồi kết luận là hôm nay ra đường “Đen quá!”.
Nhớ thời “bao cấp”. Mỗi khi đi mua hàng hoá, mọi người đều phải đứng xếp hàng dài chờ tới lượt. Ai cũng sở hữu ít nhất 1 viên gạch có ghi tên của mình trên đó, coi như là đại diện cho mình nếu việc xếp hàng diễn ra từ sáng sớm, hoặc quá lâu. Người ta sẽ để viên gạch có tên của mình ở đó, theo thứ tự…
Nhưng, nhiều khi cũng có kẻ “khôn lỏi” không thấy chủ nhân của viên gạch có mặt là xếp đè viên gạch của mình lên trước.
Bây giờ thì cũng ít cảnh phải xếp hàng hơn, nhưng không phải là không còn. Như đi siêu thị, lúc chờ thanh toán tiền. Hay ngày lễ tết nhu cầu mua bán tăng cao, chúng ta vẫn phải xếp hàng chờ tới lượt. Hoặc đứng chờ checkin khi đi máy bay, lên xe bus, lên tàu…
Và kỳ lạ là bây giờ, người ta vẫn điềm nhiên vượt hàng, tranh chỗ, mặc cho những người đến trước đang kiên nhẫn đứng đúng vị trí của mình, chờ tới lượt.
Khá lạ lùng là trong số những người vượt hàng ấy, rất nhiều người lớn tuổi. Có lẽ, họ cho rằng mình lớn tuổi, được quyền ưu tiên không phải xếp hàng? Hay do những người ấy vẫn còn dư âm ảnh hưởng của những ngày tháng cầm gạch xếp hàng thời tem phiếu nhỉ?
Ô nhiễm tiếng ồn.
Thực chất, không phải đề cập đến vấn đề tiếng ồn đô thị, phát ra từ động cơ phương tiện giao thông hay bất kỳ thứ gì tương tự như thế. Mà ở đây là ô nhiễm tiếng ồn nơi công cộng, phát ra từ những cái miệng xinh xắn của các bạn trẻ.
Thỉnh thoảng ra hàng cà phê, tìm một chút thư thái, vô tình ngồi cạnh một nhóm bạn trẻ nào đó, rất nhiều lần là những nhóm bạn học sinh vẫn còn mặc đồng phục nhà trường, hay sinh viên, thanh niên…
Trong câu chuyện rôm rả, oang oang như thể cả không gian này chỉ có mình họ, luôn xen vào những từ đệm bậy bạ đến mức dù đã trải qua quá nửa đời người, người viết cũng khó mà không đỏ mặt, sượng sùng, dù chỉ là người nghe thụ động.
Và tự hỏi, sao họ - những người trẻ tuổi nhường ấy, lại có thể phát âm một cách trôi trảy và tỉnh bơ, như thể, đó là những từ ngữ tự nhiên phải có trong câu chuyện, lời nói của họ?
Vậy là, để giữ an toàn cho đôi tai và cảm xúc của mình. Từ lâu lắm rồi, tôi đành chuyển “quán cà phê” về nhà. Cố gắng thu xếp một không gian nho nhỏ ở ban công, tự pha lấy một cốc cà phê ngồi nhâm nhi trong không gian yên tĩnh của riêng mình. Vì chắc rằng, dù có cố gắng, nỗ lực đến mấy, cũng chẳng thể thay đổi được những điều mà giới trẻ ngày nay đang sẵn sàng tiếp nhận…
Trong những câu chuyện kể trên, điều luôn thấy kỳ lạ đó là việc tranh thủ vượt đèn đỏ của nhiều người khi tham gia giao thông, bất kể khi đó chỉ còn vài giây hay ngay từ lúc bắt đầu đèn đỏ xuất hiện. Người ta sẵn sàng vượt đèn đỏ một cách vội vã. Phóng nhanh vượt ẩu nhất có thể để không bị phải đứng sau, đi sau mọi người.
Có khi cũng chẳng phải gặp việc gì vội vã đến mức phải tranh thủ từng giây như thế!
Nhưng khi có một đám đánh nhau, một vụ tai nạn giao thông, một sự cố hoả hoạn cháy nhà… hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn người sẵn sàng đứng hóng cả giờ, thậm chí dành nửa ngày trời đứng… xem. Bất chấp nguy hiểm.
Để có cơ hội khi về, kể với bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm, người thân của mình, rằng: Hôm nay, đã tận mắt chứng kiến một vụ việc a, b, c… như thế.
Còn rất nhiều chuyện có thể kể ra đây, nhưng có lẽ chẳng ngôn từ nào diễn tả hết được. Người Hà Nội quả là kỳ lạ, với những thói quen “xấu xí” của mình./.