Tranh chấp đất đai, "quyết chiến” với đấng sinh thành
VOV.VN - Một người mẹ bất hạnh ở huyện Yên Mỹ, Hưng Yên – người mang nặng đẻ đau 4 đứa con, đủ nếp, đủ tẻ lại bị chính 3 cô con gái ruột lao vào nhà, tưới xăng châm lửa đốt.
"Đêm đêm con thắp đèn trời. Cầu cho cha mẹ sống đời với con"
Câu ca dao nằm lòng với nhiều thế hệ người Việt. Dẫu chỉ vẹn vẹn mấy lời mà chứa chan tình cảm gia đình, tình mẫu tử thiêng liêng. Người con chẳng cầu mong vinh hoa, phú quý, chỉ mong sức khỏe, sự bình an cho những đấng sinh thành. Sức khỏe, bình an để cha mẹ “sống đời” với con. Ấy là hạnh phúc.
Vậy mà, một người mẹ bất hạnh ở huyện Yên Mỹ, Hưng Yên (chỉ cách thủ đô chưa đầy 100km) – người mang nặng đẻ đau 4 đứa con, đủ nếp, đủ tẻ lại bị chính những đứa con ruột của mình lao vào nhà, tưới xăng châm lửa đốt. Người mẹ ấy đã kêu la trong sự tuyệt vọng nhưng 3 người con gái với sự hung hăng, liều lĩnh vẫn không buông tha, rắp tâm thực hiện cho được mục đích của mình.
Vụ án đã chính thức bị khởi tố với tội danh “Giết người”. Rồi đây, cơ quan chức năng sẽ làm rõ vai trò của từng người và có thể khởi tố bị can. Họ, những đứa con đang tâm đốt nhà, giết mẹ sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt của pháp luật. Chắc chắn là như vậy.
Vụ án gây bàng hoàng, rúng động dư luận. Rúng động về sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đạo đức gia đình. Những người phụ nữ trong vụ án này, họ đủ trưởng thành để nhận thức về hành vi của mình, về hậu quả khủng khiếp xảy ra, nhưng họ vẫn làm. Vì sao vậy?
Vì sự hận thù, vì lòng tham, vì sự ích kỷ theo kiểu “không ăn được thì đạp đổ”, “lành thì làm gáo, vỡ thì làm muôi” họ sẵn sàng trà đạp lên tình mẫu tử.
Khi vụ án xảy ra, rất nhiều luồng ý kiến trên mạng xã hội, trong đó một số ít cho rằng, đây là hậu quả của xã hội phong kiến, trọng nam khinh nữ. Ở đời, không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Đã mang nặng đẻ đau thì con nào chẳng là con… Rằng, khi còn khỏe, cha mẹ nên rõ ràng trong phân chia tài sản thừa kế. Mất lòng trước, được lòng sau… vv và vv. Nhưng đó chỉ là ý kiến thiểu số. Phần đông thể hiện thái độ phẫn nộ khi cho rằng, không gì có thể biện minh cho hành vi nhẫn tâm và tàn ác đó.
Vì mâu thuẫn vì đất đai, con sẵn sàng giết mẹ, anh cầm súng xử lý em, chú bác trong gia đình coi nhau như kẻ thù, con dâu “khai tử” cha mẹ chồng để chiếm đất, chiếm nhà… “Tấc đất, tất vàng” đã làm tha hóa bao nhiêu gia đình, dòng họ.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng xót xa khi quá trình đô thị hóa làm biến dạng làng quê Việt Nam, chẳng còn hồn cốt, chẳng còn bản sắc. Chỗ nào cũng cao thấp nhấp nhô. Nhưng quá trình đô thị hóa ấy không chỉ làm thay đổi kết cấu bề ngoài mà còn âm thầm “giết chết” nhiều giá trị tốt đẹp bên trong như ‘hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”, “có con thì gả chồng gần, có bát canh cần nó cũng mang cho...”.
Đáng tiếc là không chỉ ở làng quê. Sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đạo đức gia đình đang xuất hiện ở nhiều vùng miền, nhiều tầng lớp trong xã hội. Một cựu Bộ trưởng bị cáo buộc nhận hàng triệu đô la. Khi ra tòa, bị cáo khai rằng, đã chuyển số tiền đó cho con gái. Nhưng giữa công đường, con gái ông lại không thừa nhận. Chỉ khi bị đề nghị mức án “tử hình”, gia đình mới “bàn bạc” để trả lại số tiền đó nhằm giúp ông thoát án tử. Đó có phải là sự xuống cấp của đạo đức gia đình hay không?
Kinh tế đi lên, đạo đức đi xuống. Không ít đại biểu Quốc hội đã xót xa phát biểu như vậy. Căn nguyên của tình trạng trên là gì? Là do kinh tế thị trường làm thay đổi mọi giá trị, do giáo dục, do đạo đức không được chú trọng trong trường học, trong gia đình…
Câu chuyện đau lòng ở huyện Yên Mỹ như một dấu lặng giữa cuộc sống hối hả. Chẳng nhẽ, chúng ta chỉ nhắc đến một vài ngày rồi mọi thứ lại chìm vào quên lãng!?