Bức tranh thêu kỷ lục cho đại lễ 1.000 năm

Bức tranh thêu có tên “Cội xưa” do Công ty thủ công mỹ nghệ - xuất nhập khẩu Cội Xưa thực hiện, đã được triển khai từ tháng 3/2009 tại làng nghề Văn Lâm (Ninh Hải, Hoa Lư, Ninh Bình)

Với kích thước rất lớn, bức tranh Cội Xưa đã phải dùng tới gần 170m2 vải len Italy và khoảng 250 kg chỉ thêu các loại, cùng với khoảng 60.000 ngày công lao động của hơn 100 nghệ nhân lão luyện. Bức tranh hoàn thành có trọng lượng phần vải nặng khoảng 1,5 tấn.

Bức tranh có kích thước 5,5 x 31m, bố cục gồm 3 phần nói về Cố đô Hoa Lư và các điểm mốc lịch sử quan trọng của dân tộc thời kỳ Đinh - Tiền Lê - Lý, được bố trí theo thứ tự từ trái qua phải gồm: Sự ra đời của nhà nước Đại Cồ Việt; Phong cảnh của Cố đô Hoa Lư với hai ngôi đền thờ hai vị vua gắn liền với miền đất Hoa Lư là Đinh Tiên Hoàng Đế và Lê Đại Hành, cùng với những hình ảnh đặc trưng về địa hình “núi trong sông, sông trong núi” của vùng Cố đô Hoa Lư; Phần cuối cùng là “Chiếu dời Đô” của vua Lý Công Uẩn đánh dấu mốc lịch sử trọng đại của đất nước, bắt đầu thời kỳ mới của Thăng Long - Hà Nội.

Mong muốn của bà Phạm Thị Hoài - chủ nhân bức tranh - cùng những nghệ nhân làm nên bức tranh là tranh sẽ được trưng bày tại Thủ đô như là một sự kết nối giữa cố đô Hoa Lư và Thăng Long - Hà Nội được thể hiện trong Chiếu dời đô.

Có mặt trong buổi giới thiệu bức tranh, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị xúc động trước những tình cảm, tấm lòng của những người con Cố đô Hoa Lư dâng lên ngày đại lễ. Giá trị của bức tranh không thể tính bằng ngày công, tiền đầu tư mà là tình cảm vô giá của những con Ninh Bình đối với Thủ đô.

Tuy nhiên, ông Phạm Quang Nghị nhắc nhở, cần nghiên cứu kỹ hình thức trưng bày để bức tranh với bao công sức đóng góp của những người dân Ninh Bình sẽ mãi giữ được giá trị cả trước và sau Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Dự kiến sẽ chính thức ra mắt công chúng tại Cung văn hoá hữu nghị Việt – Xô (Hà Nội) vào ngày 16/8 tới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên