Có một Hà Nội trên cao nguyên Lâm Viên

Hơn 75 năm an cư lạc nghiệp trên vùng đất cao nguyên đỏ Lâm Đồng, người Hà Nội không chỉ hoà nhập được với cuộc sống của những người dân nơi đây mà họ vẫn giữ được cho mình nếp sống của người dân đất Kinh kỳ

Từ khi nước ta còn nằm dưới ách thực dân, những người Hà Nội đầu tiên đã tạo được dấu ấn của mình trên cao nguyên Lang Biang hùng vĩ với việc xây dựng làng hoa đầu tiên cho TP Đà Lạt bây giờ.

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, lại có thêm 2.000 người con của Thủ đô mang trong mình khí thế hừng hực của tuổi trẻ, rời quê cha đất tổ đến Lâm Đồng để khai hoang, mở đất xây dựng quê mới. Những nét đẹp văn hóa của Hà Nội ngàn năm cũng được ươm mầm, đơm hoa kết trái và hòa quyện chung với dòng chảy văn hóa của cộng đồng dân tộc bản địa nơi đây.

Người Hà Nội góp phần vào sự phát triển của các làng hoa tại Đà Lạt - Ảnh minh hoạ (Nguồn: internet)

Cũng từ đấy, nghề trồng rau và hoa của Hà Nội cũng nảy nở trên cao nguyên Lang Biang, khởi nguồn làm nên thương hiệu rau, hoa Đà Lạt nổi tiếng như bây giờ (Khu phố Hà Đông – cái tên rất Hà Nội - mới đây đã được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận là làng hoa đầu tiên của TP Đà Lạt).

40 năm sau khi những người Hà Nội đầu tiên định cư tại Lâm Đồng, đất nước được giải phóng, lại có

>> Người Hà Nội đã có mặt ở Lâm Đồng vào những năm đầu của thập niên 30 của thế kỷ XX, khi 36 hộ dân cư gốc của Hà Nội từ 6 làng nằm ven Hồ Tây gồm: Vạn Phúc, Tây Tựu, Xuân Tảo, Ngọc Hà, Nghi Tàm và Quảng Bá đã đặt chân đến vùng đất cao nguyên Lâm Viên này để khai hoang lập nghiệp, nay là khu phố Hà Đông, phường 8, TP Đà Lạt.

thêm những người con mới rời thủ đô, lên đây xây dựng kinh tế. Từ bạt ngàn lau sậy, thú dữ và hiểm nguy rình rập từ bom mìn thời chiến tranh còn sót lại, họ đã góp phần xây dựng nên một trong những huyện trù phú nhất trên cao nguyên Lâm Viên.

Các địa danh: Ba Đình, Đống Đa, Từ Liêm, Gia Lâm, Thăng Long, Hoàn Kiếm… đã được đặt cho những làng, xã, gợi nên một Thủ đô Hà Nội trên cao nguyên xanh.

Bằng lối sống giản dị, khiêm nhường, lối ứng xử, giao tiếp ân tình, mộc mạc, chia sẻ từng hạt muối, nắm cơm, gùi bắp, đến cách nghĩ, cách làm với đồng bào dân tộc bản địa, những người Hà Nội đã nhanh chóng “cắm rễ” cao nguyên đất đỏ.

Thăng Long ngàn năm văn hiến đã thật sự tỏa sáng và hội họp với dòng chảy của nền văn hóa dân tộc bản địa nơi đây, là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự đoàn kết gắn bó khăn khít, bền chặt trong cộng đồng xã hội.

Giữ mãi nếp sống người Tràng An

Cây có cội, nước có nguồn, dẫu đời sống kinh tế giờ đây đã sung túc, song trong tâm tưởng của mỗi người con Hà Nội trên cao nguyên lúc nào cũng hướng về thủ đô.

Sau hơn 75 năm, phố Hà Đông đã có thế hệ “Người Hà Nội” thứ tư, nhưng vẫn gìn giữ vẹn nguyên nhiều nét văn hóa gốc của cư dân Tây Hồ - Hà Nội.

Ông Ngô Văn Ngôn, người đã theo bố mẹ di dân vào an cư lạc nghiệp trên vùng đất này cho biết: “Dù xa Hà Nội từ lâu nhưng phong tục tập quán của chúng tôi không hề thay đổi: vẫn thờ cúng, lễ, tết vẫn đi chúc thọ, cưới xin... Khu phố Hà Đông ở đây không đánh mất nét văn hóa của tổ tiên xưa”.

Là một trong những người con của Hà Nội ra đi xây dựng vùng kinh tế mới, trải qua 33 năm định cư trên vùng đất đỏ bazan, nhưng gia đình ông Nguyễn Tám, (Thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) vẫn giữ được những nét đẹp văn hóa của người Hà Nội.

Các thành viên trong gia đình 3 thế hệ của ông Tám luôn ăn nói nhẹ nhàng, ứng xử ân cần và niềm nở, các con, cháu đều ngoan hiền, học giỏi và luôn hướng về thủ đô để có thêm động lực phấn đấu.

Ông Nguyễn Tám bày tỏ: “Gia đình chúng tôi lúc nào cũng hướng về quê cha đất tổ. Tôi thường kể cho con cháu của mình những kỷ niệm và công việc khi còn ở Hà Nội. Đồng thời, tôi luôn nhắc nhở con cái tìm hiểu về Hà Nội, về những quá khứ của ông cha”

Ông Nguyễn Viết Thái, một trong những người có mặt đầu tiên trong cuộc xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội trên đất Lâm Đồng giãi bày: “Giờ sức đã yếu nhưng tôi vẫn luôn sống mẫu mực trong tư tưởng, xây dựng quê mới, giữ được tình đoàn kết, tình gắn bó với người có điều kiện và với những người còn gặp nhiều rủi ro… để cho lớp trẻ noi theo”.

Ông Phan Hữu Giản, Phó trưởng ban xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng, nguyên Bí thư Huyện ủy Lâm Hà cho rằng, những người Hà Nội có mặt trên đất Lâm Đồng hôm nay không chỉ tạo nên thành công về kinh tế mà còn góp phần tạo nên sự đoàn kết và ổn định về mặt chính trị trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

>> Cao nguyên Lâm Viên (còn gọi: cao nguyên Lang Biang, cao nguyên Đà Lạt) là một cao nguyên thuộc Tây Nguyên độ cao trung bình khoảng 1.500 m. Phía Nam cao nguyên có thành phố Đà Lạt. Phía Đông và Đông Nam dốc xuống thung lũng sông Đa Nhim, Tây Nam hạ đột ngột xuống cao nguyên Di Linh. Diện tích khoảng 1.080km². Địa hình đồi núi trập trùng độ dốc dao động 8-10°. Tại đây có các đỉnh núi cao như Bi Doup (2.287 m), Lang Biang (hay Chư Cang Ca, 2.167 m), Hòn Giao (2.010 m).

Ông Phan Hữu Giản cho biết, cốt lõi sự hội nhập nhanh chóng của những người Hà Nội trên cao nguyên đất đỏ là do có chính sách giải quyết tốt mối đoàn kết dân tộc, hài hòa giữa bà con bản địa với bà con ở nơi khác đến. Bên cạnh đó việc tôn trọng những phong tục, tập quán, sống bình đẳng với bà con dân tộc bản địa cũng là nhân tố tích cực góp phần tạo nên sự ổn định về chính trị ở Lâm Đồng.

Xuất thân từ Thăng Long, nơi hội tụ những giá trị văn hóa Việt Nam, người Hà Nội trên vùng đất cao nguyên Lâm Viên thật sự phát huy nội lực của chính mình, xứng danh là những người con của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Hướng tới chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, những người Hà Nội trên cao nguyên Lâm Viên lại có thêm nhiều động lực để khẳng định mình trên quê hương mới, để phong cách Hà Nội, văn hóa thủ đô mãi là một dấu ấn đẹp trên cao nguyên đất đỏ bazan này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên