Đại lễ 1000 năm Thăng Long- niềm tự hào của người dân Thủ đô

Đón chào cột mốc trọng đại này, ngay từ những ngày đầu năm, các hoạt động kỷ niệm gắn với các ngày lễ lớn đã được triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước.

Chỉ không đầy 180 ngày nữa, nhân dân cả nước, đặc biệt là người dân Thủ đô có dịp chào đón ngày Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Công Trường- Phó Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, chương trình năm Đại lễ kỷ niệm 2010 đỉnh mốc là 10 ngày Đại lễ kỷ niệm (từ 1/10-10/10/2010) đã được Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch phối hợp chặt chẽ với UBND Thành phố Hà Nội xây dựng, thẩm định, duyệt và tổ chức tập luyện theo kịch bản chi tiết cho các hoạt động. Đến nay đã hoàn thành xây dựng 31 kịch bản cho các nội dung chính; đang nghiên cứu xem xét đề xuất đạo diễn thực hiện 3 kịch bản chính Lễ khai mạc các hoạt động (sáng 1/10), lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm vào sáng 10/10 và Đêm hội văn hoá, nghệ thuật (tối 10/10). Ban tổ chức cũng đang tiếp cận tư vấn quốc tế về kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, pháo hoa, khinh khí cầu để chọn lựa đối tác phù hợp. Ông Trường cho biết thêm sẽ không có đạo diễn chương trình người CHDCND Triều Tiên như dự kiến ban đầu mà sê mời đạo diễn Việt Nam đảm nhiệm. Năm cổng chào tại 5 của ô chắc chắn sẽ hoàn thành trước tháng 10/2010. Riêng việc cải tạo một ô phố cổ của Hà Nội xong trước Đại lễ. Ông Trường cho rằng, cần tiếp tục xin ý kiến của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền.

Cũng theo ông Trường, tham gia các hoạt động  kỷ niệm này không chỉ có các địa phương trong nước mà còn có nhiều Thủ đô, Thành phố và tổ chức của các nước trên thế giới đăng ký tham dự như Trung Quốc (có 4 tỉnh thành Vân Nam, Quảng Tây, Thiên Tân, Thượng Hải), Nhật Bản (Fukuoka), Hàn Quốc (Seoul). Singapore, Nga (Moscow), Đức (Berlin), Pháp (Toulouse, Lyon, vùng Ile de France), Đại sứ quán một số nước Australia, Tây Ban Nha…

Nhiều hoạt động kỷ niệm hướng tới Đại lễ

Đón chào cột mốc trọng đại này, ngay từ những ngày đầu năm, các hoạt động kỷ niệm gắn với các ngày lễ lớn đã được triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước: Lễ hội Hoa tại Hà Nội, Festival Hoa Đà Lạt kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội tại Lâm Đồng; Liên hoan hợp xướng Những bài ca dâng Đảng của thanh niên, học sinh, sinh viên toàn quốc; Mít tinh trọng thể cấp quốc gia kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng; Gặp mặt 1000 đảng viên trẻ tiêu biểu; tổ chức Lễ hội Xuân Thăng Long – Hà Nội ngàn năm, mở đầu cho mùa lễ hội năm 2010 với chủ đề “ Khí phách Thăng Long- Hồn thiêng sông núi; Tổ chức các cuộc thi sang tác video ngắn về Thăng Long- Hà Nội văn hiến; Ngày thơ Việt Nam với chủ đề Đại lễ hội Thơ 1000 năm; Hội Nhà văn Việt Nam với chủ đề  “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”.

Hà Nội cổ kính thêm phần lãng mạn với Lễ hội Hoa

Không chỉ khởi động tổ chức các hoạt động từ đầu năm, truớc đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long cùng Thành phố Hà Nội phối hợp với các bộ, ngành, các tỉnh thành phố tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm theo mốc sự kiện 1000 ngày, 500 ngày, 1 năm, kỷ niệm 999 năm, 55 năm Ngày giải phóng Thủ đô và Công bố năm Du lịch Quốc gia.

Điều đáng nói là các chương trình được dư luận đánh giá có chất lượng, ấn tượng sâu sắc góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tình cảm về truyền thống lịch sử - văn hoá của Thủ đô đến đông đảo nhân dân cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế.

Ông Trường cho rằng: “Qua các hoạt động được tổ chức thành công, tạo kinh nghiệm và niềm tin làm nên thành công cho các hoạt động Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội vào năm 2010”.

Nhiều dự án trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hoá, triển lãm di sản văn hoá thời Lý; xuất bản các ấn phẩm về lịch sử văn hoá thời Lý ở các địa phương- vùng đất con người quê hương nhà Lý như Bắc Ninh, Ninh Bình…

Theo ông Trường, thiết thực hưởng ứng đợt phát động của Thủ tướng Chính phủ “Cả nước hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long”, 26 công trình sẽ được hoàn thành  trước ngày 10/10 năm nay để chào mừng Đại lễ trọng đại này. 18 công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long trên phạm vi cả nước được làm lễ gắn biển, ngoài 8 công trình của Thành phố Hà Nội, trong số này đáng chú ý còn có 5 công trình của các Bộ, ngành Trung ương tiêu biểu như Trung tâm Phát thanh Quốc gia (Đài TNVN), trụ sở Bộ Tài Chính, Toà nhà Trung tâm Tài chính Việt Nam… Các tỉnh, thành phố cũng đóng góp 5 công trình như Tượng Bác Hồ (Cần Thơ), Công viên Văn hoá Xà No (Hậu Giang), Đền Rồng (Bắc Ninh)…

Trung tâm phát thanh Quốc gia (Đài TNVN) công trình gắn biển chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Hướng về 1000 năm Thăng Long – Hà Nội còn phải kể đến dấu ấn tích cực của tư nhân vào việc xây dựng các công trình, hoạt động kỷ niệm theo phương châm xã hội hoá như: Công trình văn hoá Việt Phủ Thành Chương tại huyện Mê Linh (Hà Nội), được đầu tư công phu, thể hiện sự tìm tòi hướng về cội rế văn hoá truyền thống làng xã. “Đây được xem như một tác phẩm có giá trị văn hoá truyền thống không thể đo đếm bằng tiền vì đòi hỏi nhiều công sức và niềm đam mê của gia đình tôi”- Hoạ sĩ Thành Chương cho biết. Bên cạnh đó là các dự án: Con đường gốm sứ ven sông, lễ hội Ký ức cầu Long Biên, Games show truyền hình, phim truyện nhựa, video, tài liệu…

Di sản cho muôn đời sau

Với việc UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức thành công hoạt động kỷ niệm 999 năm Thăng Long- Hà Nội và tham gia kỳ họp  thứ 182 của Đại hội đồng UNESCO và được tổ chức này ra Nghị quyết về kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Đây là cơ sở  pháp lý quan trọng nâng tầm tổ chức các hoạt động kỷ niệm ở quy mô quốc tế. Và mới đây, 82 bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê và Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được Uỷ ban Ký ức thế giới khu vực châu Á- Thái Bình Dương của UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới.

Thành phố cũng đang chuẩn bị chu đáo các điều kiện để các chuyên gia vào thẩm định hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là di sản văn hoá thế giới. Bên cạnh vận động quốc tế (UNESCO) công các di sản văn hoá vật thể, Thành phố cũng đang phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan chuyên môn tổ chức tổng duyệt và tổ chức lễ hội Gióng để lập hồ sơ lễ hội này đề nghị  tổ chức này công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể. Ở cấp độ quốc gia, nhiều đề tài khoa học được nghiên cứu hoàn thành như chương trình “Nghiên cứu phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế -xã hội và giá trị lịch sử, văn hoá 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô”; sản xuất hai bộ phim lịch sử “Trần Thủ Độ” và “Người con của Rồng”, đĩa DVD những ca khúc chọn lọc về Hà Nội qua các thời kỳ…

Sự hưởng ứng tham gia của các bộ ngành, địa phương và nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế thể hiện tình cảm và trách nhiệm mong muốn xây dựng một Thủ đô ngàn năm văn hiến với nhiều di sản giá trị cho muôn đời sau, trong sự phát triển trường tồn của dân tộc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên