Đất Chín rồng hướng về Đại lễ 1000 năm

Cùng với mọi nơi trong cả nước, các cấp, các ngành và nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long rất hân hoan, náo nức mong chờ đến thời khắc diễn ra đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội.

Ở hầu hết các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều có những hoạt động, công trình lập thành tích chào mừng đại lễ “1.000 năm có một ”.

Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang những ngày này như “thay áo mới”. Những con đường được nâng cấp, mở rộng khang trang, băng rôn, cờ hoa rực rỡ… không khí chào đón 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội rất rộn ràng.

Trước đó, tại thành phố Mỹ Tho có 3 công trình mở rộng nâng cấp đường giao thông nội ô gồm: đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đường Rạch Gầm và đường 30/4 được khánh thành  đưa vào hoạt động để chào mừng các sự kiện chính trị của tỉnh, của Quốc gia mà đỉnh cao là lập thành tích chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Hơn ai hết, đơn vị thi công phải tất bật ngày đêm để hoàn thành công trình trước ngày đại lễ. Ông Huỳnh Ngọc Vượng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Quốc Vương, đơn vị thi công các công trình cho biết: “Ban Giám đốc Công ty đã vận động các kỹ sư, công nhân đẩy nhanh tiến độ công trình, phấn đấu hoàn thành truớc thời hạn 15 ngày.”

Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã khởi công và hoàn thành nhiều công trình trọng điểm như: xây dựng 34 cầu trên đường tỉnh lộ 865 phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng Tháp Mười thuộc các huyện Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước; khởi công xây dựng bệnh viện Phụ sản Tiền Giang; khánh thành đưa vào sử dụng công trình nâng cấp tỉnh lộ 863 phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương, phát triển kinh tế - văn hóa xã hội vùng ngập lũ thuộc huyện Cái Bè; kênh Xuân Hòa phục vụ tưới tiêu vùng ngọt hóa Gò Công; đưa vào sử dụng công trình đường tỉnh lộ 863, huyện Cái Bè; trường mẫu giáo Bình Ninh đạt chuẩn Quốc gia tại huyện Chợ Gạo... Tổng giá trị các công trình chào mừng những sự kiện trọng đại của đất nước tại tỉnh Tiền Giang hơn 500 tỷ đồng.

Tại tỉnh Bến Tre, Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh tổ chức nghiệm thu cây cầu giao thông tại xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú. Hội sinh vật cảnh tỉnh chọn 157 tác phẩm hoa cảnh độc đáo nhất để đưa đi trưng bày tại thủ đô Hà Nội phục vụ đại lễ 1.000 năm Thăng Long –Hà Nội.

Đáng nói là có 2 con Rồng làm bằng cây si dài 18m của nghệ nhân Nguyễn Văn Công, ở xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre; 140 chậu kiểng bon sai cỡ trung và cỡ lớn, 2 căn nhà lục giác… Để chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này, từ hơn một tháng qua, các nghệ nhân Hội sinh vật cảnh tỉnh Bến Tre  đã cố công chăm sóc, cắt tỉa, tạo dáng cho các sản phẩm của mình thật bắt mắt và có giá trị thẩm mỹ cao.

Ở tỉnh Đồng Tháp các hoạt động chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã chuẩn bị chu đáo. Các chương trình văn hóa, văn nghệ đều được dàn dựng công phu, hoành tráng. Trong đó đáng chú ý là liên hoan thông tin lưu động chủ đề 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, dàn dựng chương trình văn nghệ phục vụ 12 huyện, thị, thành phố trong tỉnh.

Bên cạnh đó, để quảng bá tiềm năng du lịch Đồng Tháp trong dịp Đại lễ, tại khu du lịch thiên đường Bảo Sơn (Hà Nội), Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp sẽ tham gia liên hoan du lịch Quốc tế Thăng Long - Hà Nội, tham gia triển lãm hội chợ nhằm quảng bá hình ảnh du lịch của Đồng Tháp tiềm năng du lịch thế mạnh địa phương. 4 điểm du lịch được xem là trọng tâm của đề án phát triển cộng đồng gồm: làng hoa kiểng Sa Đéc, cồn Đông Giang Sa Đéc, Làng sen Tân Hội Trung, làng nghề dệt choàng kết hợp bãi tắm cù lao Long Khánh - Hồng Ngự cũng được quảng bá. Cũng nằm trong chương trình hưởng ứng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thư viện tỉnh tổ chức sưu tầm các tác phẩm liên quan đến 1.000 năm Thăng Long, trong đó có 1.000 quyển sách báo, tạp chí, tài liệu điện tử. Đơn vị cũng tổ chức trưng bày các đầu sách về Đảng Cộng sản Việt Nam, về Bác Hồ như: Chủ tịch Hồ Chí Minh với sách báo và thư viện, Đảng Cộng sản Việt Nam chặng đường qua 2 thế kỷ. Được biết, từ ngày 1 - 10/10, các hoạt động văn hóa văn nghệ liên quan đến chào mừng Đại lễ 1.000 năm sẽ được triển khai thực hiện đồng loạt tại các địa phương trên phạm vi toàn tỉnh Đồng Tháp.

Tại khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, di tích Xẻo Quýt tổ chức tiếp đón khách tham quan, phối hợp với các điểm trường trên địa bàn tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề lịch sử cách mạng của khu Di tích, tổ chức vệ sinh phát động phong trào bảo vệ môi trường xanh-sạch-đẹp, trồng cây xanh tạo cảnh quan, xây dựng khu du lịch văn minh, lịch sự.

Các hoạt động mừng đại hội Đảng các cấp, gắn với Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội ở các địa phương cuối cùng của Tổ Quốc như: Kiên Giang, Cà Mau... cũng diễn ra khí thế. Trước khi diễn ra Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội hầu hết các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều tổ chức đêm sinh hoạt giao lưu với các vị Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động và các Mẹ Việt Nam Anh hùng  trước khi tiễn các vị lên đường tham gia chương trình” Thăng Long- hồn thiêng sông núi” do Trung Ương Hội Cựu Chiến binh- Trung ương Đoàn và Tập Đoàn Mai Linh tổ chức. Các tấm gương điển hình được chọn đi dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội đã kể lại những năm tháng gian lao mà anh dũng, những dấu ấn không thể phai mờ trong cuộc chiến tranh vệ quốc và những đóng góp tích cực đối với cuộc sống hôm nay. Các vị đến với Hà Nội trong ngày đại lễ với tấm lòng, tình cảm của người dân đất chín rồng.

Đặc biệt đối với những cán bộ, công nhân viên chức và người dân quê ở Hà Thành khi vào đồng bằng sông Cửu Long công tác hay lập nghiệp, định cư thì tâm trạng lúc này rất bồn chồn, nhớ nhung về nơi Thăng Long- Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa là cán bộ hưu trí  hiện ở phường 6 Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho biết: bà quê ở xã Bát Tràng, Quận Gia Lâm vào Tiền Giang công tác và định cư đã hơn 30 năm.

Càng đến gần ngày diễn ra Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội thì nơi đất chín rồng càng sôi nổi với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, những công trình trọng điểm đưa vào sử dụng… Người dân đồng bằng sông Cửu Long  góp thêm những hoạt động có ý nghĩa để cùng chào mừng và chia sẻ niềm vui, niềm tự hào với Hà Nội – trái tim của đất nước, Thủ đô 1.000 năm văn hiến, một thành phố “Vì hòa bình” và mong rằng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội sẽ thành công tốt đẹp./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên