Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc:

Diện mạo Hà Nội đã có nhiều thay đổi

Dù bận bịu với những công trình nghiên cứu về Hà Nội, nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nội Nguyễn Vinh Phúc vẫn dành cho phóng viên VOV cuộc trò chuyện đầu xuân.

Cùng với những hoạt động chuẩn bị đón năm mới, Thủ đô Hà Nội và cả nước cũng đang nô nức hướng tới ngày lễ lớn của dân tộc - Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Việc tổ chức ngày đại lễ cho xứng tầm Thủ đô ngàn năm văn hiến là mối quan tâm của nhiều người.

** Thưa ông, Chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với tư cách là một nhà nghiên cứu lâu năm về Hà Nội, ông đánh giá như thế nào về chương trình này?

Quá trình nghiên cứu, chuẩn bị cho Đại lễ là một quá trình chuẩn bị rất công phu, lâu dài. Ngay từ năm 1998, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị 32 - CT/T.Ư ngày 5/5/1998 về tổ chức kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chúng ta cũng đã có nhiều cuộc tổng diễn tập qua các dịp kỷ niệm 990 và 995 năm, qua đó, đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý báu. 

Theo tôi, kế hoạch tổ chức đại lễ trong vòng 10 ngày (1 - 10/10/2010), diễn ra trên nhiều địa phương là một cách làm hợp lý, sáng tạo. Vì Đại lễ là của cả nước chứ không phải chỉ của riêng Thủ đô Hà Nội. Hơn nữa, Hà Nội bây giờ cũng đã được mở rộng ra rất nhiều, người dân cũng không thể đổ dồn từ các nơi về trung tâm thành phố, bởi điều đó sẽ gây khó khăn cho việc đảm bảo giao thông cũng như tổ chức, quản lý các hoạt động. Nhìn chung, chương trình tổ chức đại lễ được tổ chức rất chu đáo, công phu trên nhiều mặt, cả vật thể và phi vật thể.

Về mặt vật thể, một trong những việc làm thiết thực, có ý nghĩa nhất là việc quan tâm, chăm lo đến đời sống của các anh hùng, thân nhân liệt sỹ, bà mẹ Việt Nam Anh hùng với các phong trào làm nhà tình nghĩa, làm nhà đại đoàn kết, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam Anh hùng... Việc làm này cũng rất phù hợp với chỉ thị của Bộ Chính trị đề ra năm 1998. Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long là để thể hiện truyền thống quý báu của dân tộc - Uống nước nhớ nguồn. Ngoài ra, việc xây dựng các công trình như cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì, cầu Nhật Tân… cũng làm cho diện mạo Hà Nội thay đổi nhiều, góp phần giải quyết đáng kể vấn đề giao thông của Thủ đô. Nhiều con đường đẹp như Văn Cao, Nguyễn Chí Thanh… đã mọc lên mà chỉ cách đây 10 năm thôi, trong dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, chúng ta còn chưa  hình dung tới.

Thành phố Hà Nội đã gửi hồ sơ tới UNESCO xem xét, công nhận Bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử  Giám là Di sản Tư liệu Thế giới vào tháng 3/2010. Khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội cũng đang được đề nghị là Di sản Văn hoá thế giới. Đây sẽ là những món quà rất có ý nghĩa  hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Về mặt phi vật thể, chúng ta cũng đã có nhiều việc làm rất đáng hoan nghênh, ví như lần đầu tiên tổ chức thu thập tư liệu về Hà Nội để làm tủ sách 1.000 năm Thăng Long. Rồi đến việc tu bổ, tôn tạo các di tích bị mai một như việc phục dựng ngôi đền Cơ Xá - nơi duy nhất trong nội thành Hà Nội thờ Thái úy Quốc công Lý Thường Kiệt, khôi phục Thăng Long tứ trấn hay đền Đồng Cổ… 

Một điều rất đáng hoan nghênh nữa là dù bận rộn tổ chức đại lễ nhưng đời sống của nhân dân vẫn được chăm lo đảm bảo. Năm 2008, trận lụt khủng khiếp bao nhiêu năm mới thấy một lần mà rồi vẫn hàn gắn được nhanh chóng, quan trọng nhất là sau lụt không có dịch bệnh xảy ra. Tôi cho đấy là một thành công lớn của thành phố và cũng là món quà có ý nghĩa để dâng lên ngày Đại lễ.

** Bên cạnh những thành công đó, điều ông còn trăn trở, băn khoăn nhất về kế hoạch tổ chức cho ngày Đại lễ là gì, thưa ông?

Đó chính là vấn đề xây dựng con người - đây cũng là một bất cập trong kế hoạch tổ chức kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Năm qua, chúng ta đã thấy có nhiều dư vị buồn trong việc tổ chức những lễ hội hoa. Nguyên nhân là do ý thức tự giác của người dân chưa cao. Hà Nội ngày càng mở rộng, dân số tập trung đông nên việc giáo dục, tuyên truyền chưa thấm tới đông đảo nhân dân. Văn hóa ứng xử của một bộ phận thanh niên Hà Nội ngày nay làm nhiều người chưa hài lòng. Đó là điều đáng tiếc! Dù đã có nhiều phong trào được đề ra như xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa… nhưng muốn làm được điều đó là cả một quá trình lâu dài, không phải vài năm, vài tháng mà phải hàng chục năm. Hy vọng, hậu đại lễ, chúng ta sẽ làm được điều đó.

** Thưa ông, nói đến lễ hội, người ta vẫn nói đến vai trò của nhân dân, của quần chúng như một linh hồn, một thành tố không thể thiếu được để làm nên sức sống của một ngày đại lễ?

Đúng vậy. Lễ hội không phải là của các quan chức, của ban tổ chức mà phải là của toàn thể quần chúng nhân dân. Vì vậy, phải làm sao để người dân được tham gia, được hưởng thụ trong ngày lễ. Đó cũng là điều mong mỏi của nhân dân cả nước. Với việc phát động phong trào hướng tới lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội rộng khắp trên phạm vi cả nước, có sự nhiệt tình tham gia hưởng ứng của nhiều địa phương, Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long chắc chắn sẽ là một ngày hội lớn của cả dân tộc. Tuy nhiên, cũng cần chú ý sao cho người dân đóng vai trò trung tâm, là chủ của lễ hội chứ không phải tham gia một cách bị động.

** Vậy việc tổ chức thành công Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ có ý nghĩa như thế nào trong việc nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam với thế giới?

Có thể nói, đó sẽ là một động lực mới, cơ hội mới để Việt Nam giới thiệu mình với bạn bè thế giới, về bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa của mình. Người dân từ đó cũng có ý thức hơn về vai trò, sứ mệnh của mình với một đất nước ngàn năm văn hiến. Dịp Tết cổ truyền 2010 này cũng có thể coi là một điểm nhấn, một cuộc tập dượt để tôn vinh những giá trị truyền thống văn hóa, hướng tới ngày đại lễ lớn của dân tộc.

** Xin cảm ơn về những chia sẻ của ông. Chúc ông sức khỏe để tiếp tục nghiên cứu, cống hiến được nhiều hơn cho Hà Nội!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên