Hà Nội ngàn năm

Kinh đô Thăng Long xưa, thủ đô Hà Nội ngày nay là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước và là nơi hội tụ tinh hoa của cả dân tộc.  

Tháng 10 năm nay, Nhà nước ta sẽ long trọng tổ chức đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đây là niềm vui của mọi người con nước Việt.

Sau khi dẹp tan các sứ quân, năm 968 (Mậu Thìn), Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, tức Đinh Tiên Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô tại Hoa Lư, kinh đô đầu tiên ở nước ta. Mùa Đông năm Kỷ Mão (979), cùng với người con cả là Nam Việt vương Đinh Liễn, Đinh Tiên Hoàng bị Đỗ Thích sát hại. Triều thần tôn người con thứ của Đinh Tiên Hoàng là Đinh Toàn lên ngôi khi mới 6 tuổi. Năm Canh Thìn (980), Thập đạo tướng quân Lê Hoàn được đưa lên làm vua, tức Lê Đại Hành hoàng đế, vẫn tiếp tục đóng đô tại Hoa Lư.

Khi Lê Đại Hành qua đời, thái tử Long Việt trở thành Lê Trung Tông hoàng đế, song chỉ làm vua được ba ngày đã bị đoạt ngôi. Phải mang tiếng ngàn thu (giết anh để đoạt ngôi) nhưng hoàng đế Lê Long Đĩnh, tức Lê “ngọa triều”, cũng chỉ trị vì được bốn năm thì qua đời. Con của Lê “ngọa triều” còn quá nhỏ, triều thần bèn tôn đại thần Lý Công Uẩn lên ngôi vua, tức vua Lý Thái Tổ. Sau khi tiếp nhận ngai vàng được gần 10 tháng, năm Canh Tuất 1010, Lý Thái Tổ quyết định dời đô về thành Đại La là “nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng lượn hổ chầu, đất rộng mà phẳng, cao mà thoáng, dân không khổ vì ngập lụt, muôn vật rất phồn thịnh. Xem khắp nước Việt chỉ nơi này là thắng địa…” (Chiếu dời đô), rất gần làng Cổ Pháp quê hương ngài. Hoa Lư trở thành phủ Trường Yên sau 42 năm là kinh đô nước Đại Việt với các triều đại Đinh, Tiền Lê và thời kỳ đầu nhà Lý. Để ghi nhớ đất cố đô, nhà Lý lấy tên một số địa danh, tên chùa, cầu ở Hoa Lư đặt tên cho một số khu vực ở Thăng Long như cầu Dền, cầu Muống, phố Tràng Tiền, chùa Nhất Trụ (Một Cột), chùa Tháp…

Chiếu dời đô

Để kỷ niệm sự dời đô của nhà Lý, năm 2000, nhà bia tưởng niệm Lý Thái Tổ đã được xây dựng tại cố đô Hoa Lư, trước đền thờ Lê Đại Hành, trên khu đất gần sông Sào Khê được cho là có bến thuyền, nơi xuất phát cuộc dời đô. Từ bến sông này, đoàn thuyền của Lý Thái Tổ đi ra sông Hoàng Long, xuôi xuống ngã ba sông ở Gián Khẩu rồi ngược sông Đáy lên sông Châu, qua sông Nhuệ đến sông Tô Lịch ở Đại La Thành. Truyền thuyết kế lại rằng, khi thuyền rồng đến thành Đại La, Lý Thái Tổ thấy hình dáng rồng vàng bay lên nên đổi tên Đại La thành Thăng Long.

Từ đó đến nay, 1000 năm trôi qua, vật đổi sao dời và Thăng Long – Hà Nội cũng đã chứng kiến bao lần đổi thay của chính mình và của đất nước. Trải qua các triều đại Lý, Trần, Hồ, Lê sơ, Mạc và hậu Lê với “vua Lê – Chúa Trịnh”, “Trịnh – Nguyễn phân tranh”, Thăng Long gần như liên tục là kinh đô của nước Việt trong gần 800 năm, cho đến năm 1802 khi nhà Nguyễn thống nhất giang sơn quyết định chọn Phú Xuân (TP. Huế) làm nơi đóng đô. Năm 1831 vua Minh Mạng triều Nguyễn đổi tên Thăng Long thành Hà Nội, có nghĩa thành phố bên trong sông. Hơn 100 năm sau đó, năm 1945, ông vua cuối cùng của chế độ phong kiến là Bảo Đại thoái vị, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) ra đời thì Hà Nội tức Thăng Long xưa lại là thủ đô của đất nước.

Tượng đài vua Lý Thái Tổ

Với quyết định sát nhập toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Hòa Bình vào Hà Nội từ năm 2008, ngày nay thủ đô của chúng ta rộng lớn hơn bao giờ hết. Hà Nội hiện có các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai, Hà Đông; các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Thanh Trì, Từ Liêm, Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phương, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Phú Xuyên, Thường Tín, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Mê Linh và thị xã Sơn Tây. Về dân số, hiện Hà Nội có trên 6 triệu người, chỉ đứng thứ hai sau TPHCM và cũng như TPHCM, Hà Nội là nơi cư ngụ của dân tứ xứ, đủ cả ba miền Bắc, Trung, Nam, trong đó có không ít là người đến từ cố đô Hoa Lư, Ninh Bình.

Nằm ở trung tâm vùng đồng bằng Bắc Bộ, Hà Nội được bao lọc bởi các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Thái Nguyên và là đầu mối giao thông quan trọng, thuận lợi, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không đi các nơi trong nước, ngoài nước. Cùng với những nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đường sá, nhà cửa ngày càng to lớn, đẹp đẽ và đảm bảo đời sống dân sinh, xứng tầm một đô thị văn minh, hiện đại, một thành phố anh hùng đã được quốc tế công nhân là “thành phố vì hòa bình”. Hà Nội cũng cố gắng bảo tồn những giá trị lịch sử, văn hóa, nét thanh lịch, xứng đáng đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Đó là những phố cổ ở quận Hoàn Kiếm, là những di tích lịch sử - văn hóa như di tích Hoàng Thành Thăng Long, di tích thành Cổ Loa, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột, những làng nghề như làng gốm Bát Tràng bên sông Hồng… và những công trình tầm cỡ như cầu Long Biên hàng trăm năm tuổi… Cách nay vài năm, Hà Nội còn dựng tượng vua Lý Thái Tổ ở công viên nhìn ra hồ Hoàn Kiếm để tưởng nhớ, tri ơn công lao của ngài.

Người Hà Nội xưa

Là nơi có cố đô Hoa Lư, rất gần Hà Nội và gắn bó với Hà Nội, Ninh Bình cũng có những phát triển vượt bậc. Hiện tỉnh Ninh Bình có thành phố Ninh Bình, thị xã Tam Điệp và các huyện Hoa Lư, Nho Quan, Gia Viễn, Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô. Trong đó thành phố Ninh Bình, thị xã Tam Điệp và các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Yên Mô nằm hai bên Quốc lộ 1A – con đường thiên lý Bắc Nam mà hơn hai trăm năm trước hoàng đế Quang Trung đã hành quân thần tốc từ Nam ra Bắc đánh tan hơn 20 vạn quân Thanh xâm lược. Từ Ninh Bình đi theo Quốc lộ 1A ra Hà Nội chỉ khoảng 90km cho nên việc qua lại giữa hai nơi rất thuận tiện, nhanh chóng. Bên cạnh cố đô Hoa Lư, Ninh Bình còn có những tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế du lịch với khu du lịch Tràng An, Tam Cốc, Bích Động, động Địch Lộng, chùa Bái Đinh, rừng Cúc Phương… Hầu như các đoàn du lịch lữ hành bằng đường bộ xuất phát từ Hà Nội vào phía Nam cũng như từ phía Nam ra Hà Nội đều dừng chân ở Ninh Bình, ít ra cũng ghé thăm cố đô Hoa Lư, khu du lịch Tràng An. Ngược lại, ngày nay không mấy ai là dân Ninh Bình lại chưa một lần đến Hà Nội.

Để góp phần quan trọng làm cho đại lễ “nghìn năm mới có” của thủ đô thành công rực rỡ, từ mấy năm nay, Ninh Bình đã tích cực thực hiện các công trình chào mừng, nổi bật nhất là xây dựng chùa Bái Đính mới, một ngôi chùa đã đạt được nhiều kỷ lục quốc gia như chùa có giếng ngọc lớn nhất, chuông đồng lớn nhất, tượng Phật bằng đồng lớn nhất… Nhiều người còn mong muốn trong chương trình lễ hội 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội sẽ có rước lễ linh đình từ Ninh Bình ra Hà Nội, như 10 thế kỷ trước nhà Lý đã dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, mà để thực hiện được hoạt động này, không thể thiếu sự tham gia của con dân đất cố đô…

Hà Nội ngày nay

“Mang tên Hà Nội, Thăng Long càng tỏa sáng anh linh

Thuộc tỉnh Ninh Bình, Hoa Lư vẫn dâng cao truyền thống”.

(Bài văn bia do Giáo sư Vũ Khiêu soạn, khắc trên bia đá ở nhà bia tưởng niệm Lý Thái Tổ tại cố đô Hoa Lư)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên