Hà Nội sau dấu mốc ngàn năm

Hà Nội phải giải quyết các mối quan hệ giữa truyền thống - hiện đại, những giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể… để tạo một bản sắc riêng có của Thủ đô nghìn năm tuổi.

Hà Nội đang trải qua những ngày lịch sử đáng nhớ. Cái tên Thăng Long- Hà Nội hiện diện khắp các trang báo trong nước và nhiều tờ báo nước ngoài. Với cư dân Thủ đô, Đại lễ là dịp để họ thêm yêu, thêm tự hào về thành phố của mình. Còn với những người con ở xa, không ít người đã rưng rưng khi bắt gặp một Hà Nội vừa quen, vừa lạ. Trong vô số những cảm nhận về Hà Nội, điểm chung nhất mà chúng tôi ghi nhận được, đó là mong ước về một thủ đô phát triển cả bề rộng lẫn bề sâu, xứng tầm là Trung tâm chính trị- kinh tế- văn hoá của cả nước.  

Hà Nội tháng 10 bao giờ cũng tấp nập bởi không khí của những ngày “5 cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về”. Nhưng tháng 10 năm nay, Hà Nội rực rỡ cờ hoa và náo nhiệt hơn nhiều bởi thủ đô của chúng ta tròn 1000 năm tuổi. Hà Nội trở thành điểm đến của hàng vạn du khách bốn phương.

Về dự đại lễ lần này, ông Đỗ Tiến Lực- một cán bộ hưu trí ở thành phố Hồ Chí Minh dành hẳn 10 ngày ở lại Hà Nội. Ngoài tham quan Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, các danh lam thắng cảnh, hoà mình vào các hoạt động của Đại lễ, ông Tiến Lực còn tranh thủ khám phá những không gian mới, hiện đại của Thủ đô. Ấy là đại lộ Thăng Long dài dằng dặc, là tuyến đường Phạm Hùng với những tòa nhà sừng sững, là cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy vươn dài qua sông Hồng, là những con đường mới mở mà ông không thể nào nhớ hết tên.

Ông nói, chỉ vài năm thôi, Hà Nội đã thật sự đổi khác. Nhưng ông cũng thoáng buồn khi nhắc đến nạn kẹt xe của Hà Nội, giống như thành phố mà ông đang sống. Ông bảo: “Tôi vẫn muốn nhìn thấy một Hà Nội thâm trầm nhưng bây giờ thì khó quá”. Là một cán bộ từng công tác trong ngành giao thông, ông Lực đề xuất: Cần phát triển mạnh giao thông công cộng bằng việc có những chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư phát triển vận tải công cộng để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.

Với những cư dân Thủ đô, càng tự hào về truyền thống ngàn năm văn hiến thì họ lại càng mong muốn Hà Nội phải thật sự văn minh hiện đại. Ông Tạ Xuân- cán bộ hưu trí ở quận Ba Đình thừa nhận, kinh tế thủ đô ngày càng phát triển, mâm cơm của mỗi gia đình Hà Nội cũng vì thế mà được cải thiện rất nhiều. Nhưng người dân vẫn mong thành phố quan tâm nhiều hơn nữa đến những vấn đề sát sườn như cải cách hành chính, cải thiện chỗ ở, giữ gìn vệ sinh môi trường, tăng thêm trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí.

Ngay trước thềm Đại lễ, vài trăm căn hộ cho người thu nhập thấp đã được khởi công ở quận Long Biên, quận Hà Đông. Nhưng có lẽ, nhu cầu của người dân còn lớn hơn nhiều so với khả năng đáp ứng của thành phố. Năm 2010, Hà Nội cần khoảng 7 triệu m2 nhà ở, tương đương 120.000 căn hộ cho các đối tượng có nhu cầu về nhà ở trên địa bàn thành phố.

Chị Thanh Vân- một cán bộ ở quận Cầu Giấy bày tỏ: "Người dân luôn bức xúc về nhà ở, nhất là với những gia đình nghèo, cán bộ công nhân viên chức và sinh viên. Chính vì vậy, tôi rất mong thành phố sẽ triển khai thêm nhiều khu nhà ở cho người thu nhập thấp. Chỉ có như vậy, chất lượng cuộc sống của người dân mới được cải thiện, nhất là khi Hà Nội mở rộng, dân số ngày một đông".

Bảo tồn những giá trị truyền thống của Hà Nội cũng là mong ước của nhiều người con đất Việt ở trong và ngoài nước. Có mặt trong dòng người đến thăm Hoàng Thành Thăng Long những ngày Đại lễ, ông Huỳnh Hữu Bồi, công an tỉnh Tiền Giang cho biết rất xúc động khi được tận mắt thấy những hiện vật được khai quật lên từ lòng đất. Ông nói: “Lịch sử là đây, dấu tích ngàn năm là đây và thế hệ chúng ta cần phải có trách nhiệm gìn giữ những di tích đó cho thế hệ mai sau”.

Với nhiều người Hà Nội, việc bảo tồn những khu phố cũ, phố cổ giống như bảo tồn viên ngọc quý của thủ đô. Kiến trúc sư Mai Thế Nguyên - một người Hà Nội đã sống ở Na Uy và các nước Bắc Âu trên 60 năm cho biết, Hà Nội khác nhiều thủ đô trên thế giới chính là vẻ đẹp của những phố nhỏ, ngõ nhỏ, đầy âm thanh, màu sắc. Ba năm nay, về ở hẳn Hà Nội, ông đang ấp ủ dự án về tuyến phố đi bộ an toàn và thân thiện mà điểm nhấn là xung quanh hồ Hoàn Kiếm và dọc các phố hàng Đào, hàng Ngang, hàng Đường. Theo ông, Hà Nội sẽ quyến rũ hơn nếu như vẫn giữ được trong lòng nó những giá trị trường tồn hàng ngàn năm qua.

“Hà Nội nên có nhưng khu phố đi bộ. Không gian vỉa hè và đường phố sẽ là nơi an toàn để mọi người có thể ngồi chơi, gặp gỡ và có những giao lưu văn hoá - xã hội. Phổ cổ là đặc trưng, đặc biệt của Hà Nội. Khu vực này là một hòn ngọc - kết quả của 1000 năm xây dựng” – KTS Mai Thế Nguyên nói.

Bảo tồn những di tích lịch sử, bảo tồn khu phố cổ, phố cũ - ấy là những giá trị vật thể. Với bà Phạm Ngọc Oanh - một bác sĩ nghỉ hưu ở quận Đống Đa- Hà Nội thì bảo tồn cốt cách của người Tràng An cũng quan trọng không kém. “Nếp sống, văn hoá của người Hà Nội là những giá trị để lại cho mọi người mỗi khi đến Hà Nội không bao giờ quên được” – bà Oanh nói.

Thăng Long của 1000 năm trước có chu vi khoảng 6 km, với hơn 5.000 ngôi nhà. Hà Nội ngày nay đã mở rộng lên hơn 3.300 km2 với dân số hơn 6,5 triệu người, là một trong những Thủ đô lớn trên thế giới. Những mong ước của người dân trong dịp Đại lễ cũng xuất phát từ tấm lòng tha thiết với Hà Nội. Và những mong ước đó thật ý nghĩa biết bao khi Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV đang đến gần. Hà Nội phải phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu – đó cũng là trăn trở của các cấp chính quyền, của những người lãnh đạo thành phố!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên