Hà Nội trong buổi đầu tự chủ

Phải kể đến sự kiện Ngô Quyền với chiến thắng Bạch Đằng lịch sử cuối năm 938, đã kết thúc thời kỳ mất nước kéo dài hơn 1.000 năm, mở ra kỷ nguyên độc lập lâu dài và phục hưng rực rỡ của dân tộc.  

Khúc Thừa Dụ chiếm thành Đại La, xưng nền tự chủ: Năm Ất Sửu (905)

Cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X, triều đình nhà Đường đã suy yếu đến cực độ. Viên Tiết độ sứ cuối cùng mà nhà Đường cử sang cai trị nước ta là Độc Cô Tổn từ tháng 4 năm 905 nhưng ngay sau đó bị giáng chức, phải chuyển ra đảo Hải Nam và bị giết vào khoảng tháng 6, tháng 7 năm 905.

Chớp thời cơ nhà Đường suy yếu, chính quyền đô hộ như rắn mất đầu, một hào trưởng ở đất Hồng Châu (vùng huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương ngày nay) là Khúc Thừa Dụ, được nhân dân ủng hộ đã phát động khởi nghĩa, tiến quân đánh chiếm phủ thành Tống Bình, tự xưng là Tiết độ sứ.

Về danh nghĩa, Tiết độ sứ vẫn là một chức quan cai trị của nhà Đường, nhưng trên thực tế, chính quyền của Khúc Thừa Dụ đã thực sự là một chính quyền tự chủ. Khúc Thừa Dụ đã kết thúc một cách cơ bản ách thống trị hơn một ngàn năm của phong kiến phương Bắc. Năm 907, Khúc Thừa Dụ mất, con là Khúc Hạo nối nghiệp cha, tiếp tục phát huy ý chí tự lập tự cường, chăm lo xây dựng chính quyền tự chủ.

Quân Nam Hán đánh chiếm thành Đại La: Năm Canh Dần (930)

Năm 917, Khúc Hạo mất, con là Khúc Thừa Mỹ lên thay. Bấy giờ nhà Đường đã sụp đổ, Trung Quốc diễn ra tình trạng phân liệt. Năm 930, nhà Nam Hán, một triều đình cứ ở Quảng Châu, đã phải đại quân theo hai đường thủy bộ xâm lược nước ta. Khúc Thừa Mỹ chống cự không nổi, bị bắt đưa về Quảng Châu. Tháng 10/930, quân Nam Hán đánh chiếm phủ thành Đại La, tái áp đặt ách đô hộ trên đất nước ta.

Dương Đình Nghệ giải phóng thành Đại La: Năm Tân Mão (931)

Không đầy nửa năm sau cuộc kháng chiến của Khúc Thừa Mỹ thất bại, tháng 3/931, Dương Đình Nghệ, một hào trưởng vùng châu Ái (Thanh Hóa), được sự hưởng ứng của hào kiệt và nhân dân khắp nơi, đã cử binh tiến ra Giao Châu, bao vây thành Đại La. Bị quân ta công phá dữ dội, quân địch trong thành tan vỡ, tướng giặc bị giết. Viện binh địch kéo sang, Dương Đình Nghệ đã chủ động đem quân ra ngoài thành đánh vào doanh trại của địch. Quân địch tan vỡ, tháo chạy, đất nước sạch bóng quân thù, Dương Đình Nghệ xưng Tiết độ sứ, đóng thủ phủ tại thành Đại La.

Ngô Quyền diệt Kiều Công Tiễn, đại phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng: Năm Đinh Dậu (đầu năm 938)

Sau khi kháng chiến chống Nam Hán thắng lợi, Dương Đình Nghệ xưng Tiết độ sứ, tiếp tục công cuộc xây dựng nền tự chủ. Tháng 4/937, Kiều Công Tiễn, một nha tướng dưới quyền đã giết Dương Đình Nghệ, đoạt chức Tiết độ sứ.

Hành động của Kiều Công Tiễn gây nên sự phẫn nộ trong đông đảo các tầng lớp nhân dân. Từ Thanh Hóa, Ngô Quyền, là con rể đồng thời là tướng của Dương Đình Nghệ, gấp rút chuẩn bị tiến quân ra thành Đại La tiêu diệt kẻ phản bội. Trước tình hình đó, Kiều Công Tiễn cho người sang cầu cứu nhà Nam Hán. Đây là một cơ hội tốt để nhà Nam Hán thực hiện âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa. Cuộc xâm lược lần thứ hai này cực kỳ nguy hiểm vì với tham vọng phục thù cho thất bại trong cuộc xâm lược lần thứ nhất địch huy động một lực lượng đông hơn gấp bội, lại có Kiều Công Tiễn làm nội ứng. Vì lẽ đó, việc tiêu diệt Kiều Công Tiễn là một yêu cầu cấp thiết.

Sau một thời gian chuẩn bị lực lượng, vào đầu mùa Đông năm 938, đoàn quân của Ngô Quyền bắt đầu từ Thanh Hóa tiến ra vây đánh thành Đại La, tiêu diệt Kiều Công Tiễn. Khi quân Nam Hán còn chưa kéo vào đất nước ta thì đầu tên phản bội Kiều Công Tiễn đã bị bêu ngoài cửa thành Đại La. Mối họa bên trong được trừ bỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho Ngô Quyền tổ chức thắng lợi cuộc kháng chiến chống Nam Hán trong trận quyết chiến chiến lược trên sông Bạch Đằng.

 Ngô Quyền xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa: Năm Kỷ Hợi (939)

 Ngô Quyền với chiến thắng Bạch Đằng lịch sử cuối năm 938 đã kết thúc thời kỳ mất nước kéo dài hơn một ngàn năm, mở ra kỷ nguyên độc lập lâu dài và phục hưng rực rỡ của dân tộc. Mùa Xuân năm 939, Ngô Quyền xưng vương, bãi bỏ chế độ Tiết độ sứ, đóng đô ở Cổ Loa, xây dựng cung điện, triều đình, đặt các chức quan và nghi lễ. Đây là lần thứ hai, Cổ Loa được chọn làm kinh đô của đất nước.

Ngô Quyền mất: Năm Giáp Thìn (944)

Với những đóng góp to lớn đối với lịch sử dân tộc, Ngô Quyền đã đi vào lịch sử Việt Nam với tư cách một anh hùng dân tộc vĩ đại. Người anh hùng đó đã gắn bó nhiều với Hà Nội, từ Đại La thành đến Cổ Loa thành đã trút hơi thở cuối cùng trên mảnh đất Cổ Loa lịch sử.

Dương Tam Kha cướp ngôi: Năm Ất Tỵ (945)

Nhân cục diện triều Ngô rối ren sau khi Ngô Quyền mất (năm 944), Dương Tam Kha liền cướp ngôi. Con trưởng của Ngô Quyền là Ngô Xương Ngập chạy về Nam Sách Giang (Hải Dương ngày nay). Năm 950, con thứ của Ngô Quyền là Ngô Xương Văn đánh úp Dương Tam Kha, giáng làm Chương Dương công, lên ngôi vua, xưng là Nam Tấn Vương (sử chép là Hậu Ngô Vương), sai sứ đón Ngô Xương Văn về kinh đô Cổ Loa, cùng trông coi việc nước. Năm 965, Nam Tấn Vương mất trong khi đi đánh hai thôn Đường, Nguyễn.

 Triều đình trung ương Cổ Loa sụp đổ: Năm Ất Sửu (965)

Sau khi Ngô Quyền mất, chính quyền trung ương Cổ Loa suy yếu nhanh chóng, do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu xuất phát từ những mâu thuẫn nội bộ và đến năm 965 thì sụp đổ hoàn toàn.

Lợi dụng tình hình đó, các hào trưởng địa phương liền trỗi dậy, mỗi người chiếm cứ một vùng, hình thành cục diện chia cắt và nội chiến, sử gọi là loạn 12 sứ quân. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lần lượt dẹp được 12 sứ quân, thống nhất đất nước, lên ngôi hoàng đế, quyết định đóng đô ở Hoa Lư (nay thuộc huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Nối tiếp nhà Đinh (968 – 980), nhà Tiền Lê (981 – 1009) cũng đóng đô ở Hoa Lư. Thành Cổ Loa đến đây kết thúc vai trò lịch sử lần thứ hai là kinh đô của đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên