Hào khí Ngày dời Đô được thể hiện bằng âm nhạc

Từ sự trăn trở khi dời Đô đến sự hân hoan của quân dân trong ngày vua đến Đại La – Thăng Long đã được tái hiện trong Liên khúc ca nhạc “Ngàn năm nhớ về thuở ấy”

Tối 31/1, Chương trình nghệ thuật Liên khúc ca nhạc “Ngàn năm nhớ về thuở ấy” do hệ Thông tin – Giải trí – âm nhạc (VOV3) – Đài TNVN và Sở VH – TT&DL Ninh Bình phối hợp thực hiện đã trình diễn tại Nhà văn hóa tỉnh Ninh Bình.

Đây là một Liên khúc ca nhạc nói về giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc với ba đời vua Đinh – Lê – Lý. Chương trình được chia làm 5 chương với những cảnh cuộc sống của người dân – Trẻ chăn trâu, về cuộc đời, trưởng thành của Vua Lý Thái Tổ, về tình cảm nội tâm của vua và quần thần khi quyết định dời đô về Đại La.

"Mục đồng ca hát" thể hiện được cuộc sống của nhân dân trong 3 thời kỳ Đinh - Lê - Lý

Tâm tư, tình cảm và sự thống nhất trong tư tưởng của 5 chương đã được thể hiện một cách trọn vẹn với Liên khúc ca "Ngàn năm nhớ về thuở ấy". Chương I là móc xích sự kiện lịch sử 3 đời Vua trên đất Cố đô Hoa Lư bằng hình ảnh “Mục đồng chăn trâu”. Đây là hình ảnh quen thuộc trong của đời sống nhân dân vùng đồng bằng xuyên suốt cả 3 triều đại. Chương II là câu chuyện vua Lý Công Uẩn sinh trưởng và được nuôi dưỡng ở chùa, sau đó tìm đến Hoa Lư.

Trong chương này, tác giả Đinh Quang Hợp sử dụng nghệ thuật hát đối đáp nhằm thể hiện sự dàn trải trong nội tâm sâu lắng. Chương III với chủ đề “Đêm rằm trên sân chầu”, thể hiện điệu múa cung đình. Ngôn ngữ âm nhạc mang tính chất chèo, múa, hát, tươi mát và thơ mộng. Theo tác giả Đinh Quang Hợp, chương IV - “Hào khí hoàng cung” chính là “Chiếu dời Đô” được tác giả phổ nhạc thành lời hát. Chương V là sự vui mừng rạng rỡ của quân, dân đón vua về Đại La – Thăng Long đóng đô. Âm nhạc sôi nổi, hào hùng mà tráng lệ.

Điệu múa cung đình cũng được thể hiện trong tác phẩm

Điều đặc biệt trong tác phẩm Liên khúc ca nhạc này, ngoài chất liệu ngôn ngữ âm nhạc giàu chất Bác học thì nhạc cụ sử dụng là những âm sắc dân tộc từ đàn bầu, thập lục, đàn sáo, tì bà, nhị, hồ, bầu, nguyệt. Với phường bát âm, tác phẩm đã đưa người xem trở về với lịch sử cách đây 1000 năm.

Quân và dân rạng tỡ, vui mừng trong ngày vua Lý Thái Tổ về định đô ở Thăng Long

Ngoài ra, chương trình biều diễn nghệ thuật còn được dàn dựng xen kẽ với các hình ảnh lịch sử của đất Cố đô đã giúp người xem có thể hình dung được cả một quả trình phát triển hào hùng của dân tộc

Đặc sắc của chương trình là sử dụng 7 loại nhạc cụ dân tộc truyền thống

Ông Đinh Xuân Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL Ninh Bình cho biết: “Sau chương trình nghệ thuật này, Ninh Bình sẽ tiếp tục có những hoạt động tiếp theo chào đón ngày Đại lễ như: Lễ thắp hương tại Đền Đinh – Lê – Lý, Lễ hội cố đô Hoa Lư, Trưng bày cổ vật Đinh – Lê – Lý…”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên