Ký ức Hà Nội và một số phận

Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Duy Kiên (1911- 1979) sinh ra và sống giữa lòng phố cổ Hà Nội. Ông chụp ảnh như để ghi lại ký ức của mình về một Hà Nội mà cả đời ông và gia đình gắn bó.  

Hà Nội hiện diện trong ảnh của Nguyễn Duy Kiên ăm ắp tình với những khuôn diện thanh lịch. Đó là những di tích già nua nhuộm màu thời gian nhưng đầy sức sống, những vùng quê ngoại ô lam lũ nhưng vẫn toát lên cốt cách của một xứ sở văn hiến. Thế nhưng, chủ nhân của những bức hình tuyệt đẹp về Hà Nội lại có một số phận nhiều buồn thương…

Người vợ hiền

Dấu vết nguyên vẹn của một tư gia quý tộc Hà Nội gốc chỉ còn lại căn buồng trên gác 2, nơi bà quả phụ Nguyễn Duy Kiên đang sống. Trong căn phòng u tịch màu thời gian, bà lão phúc hậu 88 tuổi này vẫn hàng ngày dạy bọn trẻ dưới tấm bảng gỗ sơn then, khắc những lời giáo huấn của Tổ tiên bằng chữ Hán.

Tên thời con gái của bà Kiên là Phạm Thị Miễn. Cô Miễn xưa là cô giáo tư thục, nhà nghèo, bố mất sớm, để lại người vợ góa nuôi tám đứa con côi. Nguyễn Duy Kiên là ông chủ tiệm thuốc Bắc, người vợ đầu qua đời sau một lần sinh nở, ông gà trống nuôi 4 con thơ. Ông Kiên đem lòng cảm mến cô giáo Miễn nhỏ nhắn hiền lành, rất mực yêu trẻ. Mẹ cô Miễn cũng muốn gả con vào nơi yên ấm, thế là người con gái vì chữ hiếu mà nhận lời gá nghĩa, về chăm sóc đàn con dại cho ông Kiên. Cô Miễn trở thành bà Kiên, học nghề bán thuốc, chăm chút chồng con hết lòng. Bà và ông có thêm một người con gái, nhưng tình yêu thương mà bà dành cho lũ trẻ luôn công bằng.

Nguyễn Duy Kiên và vợ

Đam mê nhiếp ảnh từ thời trai trẻ, Nguyễn Duy Kiên là bạn ảnh cùng thời với Lê Đình Chữ, Võ An Ninh, Phạm Văn Mùi, Đỗ Huân… Ông chụp ảnh rất công phu: Sắm buồng tối tại nhà, tự tay in phóng ảnh, mày mò tìm ra các kỹ xảo. Rời hiệu thuốc là ông lại lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm của Hà Nội để ghi lại từng vẻ đẹp phong cảnh và con người, những biến chuyển thời cuộc in dấu lên từng con phố mà ông thân quen từ thơ bé.

Nguyễn Duy Kiên chụp ảnh cho Hà Nội của chính ông. Những khuôn hình nghiêm cẩn, kỹ càng và chan chứa tình. Sau này, khi di sản tinh thần của ông đến tay những nhà chuyên môn, họ đã bất ngờ vì những bức ảnh quá đẹp. Quan trọng hơn, di sản ấy còn là những sử liệu vô giá bằng hình ảnh về Hà Nội trong suốt 20 năm nhiều biến động 1940 – 1960.

Những ngày buồn thương

Với 5 đứa con và người vợ đảm đang luôn hết mực tin yêu chồng, Nguyễn Duy Kiên yên ổn với cuộc sống của mình, chỉ cần ông còn được chụp ảnh. Nhưng tai nạn đã ập đến bất ngờ, để rồi tổ ấm của họ phải tan đàn sẻ nghé. Đó là một ngày của năm 1967, Nguyễn Duy Kiên nhận lệnh khám nhà. Người ta tìm thấy trong kho ảnh của ông có một tấm hình khỏa thân. Sau này, bạn bè ông nói đó là tấm ảnh một người đến phòng nhờ buồng tối rồi để quên lại, cũng có người nói ông chụp để gửi dự thi quốc tế, vì Ban tổ chức yêu cầu hồ sơ bộ ảnh phải đủ tĩnh vật – phong cảnh – chân dung và ảnh khỏa thân. Không ai biết chính xác “lý lịch” tấm ảnh định mệnh ấy, còn Nguyễn Duy Kiên thì chỉ im lặng. Bị kết tội chụp ảnh suy đồi, ông chịu án 11 năm tù. Ông bị bệnh thận, bà Miễn viết đơn xin giảm án cho chồng, Nguyễn Duy Kiên được trở về với gia đình sau 8 năm thụ án. Nhớ nghề ảnh thì ông mang máy ra chụp loanh quanh trong nhà, không dám ra ngoài, bạn bè cũng e ngại không còn ai lui tới. Sự đoàn tụ của họ diễn ra lặng lẽ và ngậm ngùi, ông không kể những ngày trên trại, bà cũng chẳng kể những năm tháng một mình tủi cực nuôi con. Năm 1979, ở với vợ con được 4 năm thì ông mất vì sức khỏe suy kiệt…

Đêm pháo hoa

Toàn bộ kho ảnh của Nguyễn Duy Kiên hiện chỉ còn khoảng 200 bức mà bà Kiên giữ lại được. Suốt mấy chục năm qua, thỉnh thoảng bà lại mang tập ảnh ra phơi cho khỏi hỏng. May mắn thay, qua ngần ấy năm trời những tấm ảnh vẫn lành lặn. Bà cất giữ ảnh vì thương nhớ chồng, chứ không dám nghĩ sẽ có một ngày những tác phẩm ấy được trả lại giá trị, được đem ra trước công chúng.

Những ký ức còn lại

Bộ sưu tập riêng tư, gia tài tinh thần của Nguyễn Duy Kiên một lần tình cờ lọt vào “mắt xanh” của hai nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo và Trịnh Tiến, nhà sử học Dương Trung Quốc. Suốt 10 năm, các ông đã cố gắng giới thiệu đến công chúng một “di sản tinh thần bằng hình ảnh của Hà Nội lâu nay bị thời gian làm khuất lấp” (lời nhà sử học Dương Trung Quốc). Sau hai lần triển lãm ở Hà Nội (1999) và TP HCM (2000), năm 2007, cuốn sách ảnh “Nguyễn Duy Kiên – Những ký ức còn lại” chính thức ra mắt công chúng.

Hà Nội năm 1946 của Nguyễn Duy Kiên là một bộ ảnh hiếm và đặc biệt quý giá. Bởi đến nay, rất ít tài liệu bằng hình còn lưu giữ được hình ảnh của một Hà Nội tan hoang và bi tráng trong những ngày chiến tranh. Ngày giải phóng thủ đô, tấm ảnh duy nhất ở góc máy từ trên cao, cho thấy cả biển người như sóng dậy đón ngày giải phóng với đầy tràn khí thế và hy vọng là ảnh của Nguyễn Duy Kiên. Chất thông tấn đặc sắc của bức ảnh đã khiến ký ức cá nhân của người chụp trở thành ký ức vô giá của cả cộng đồng.

Nguyễn Duy Kiên có một mảng ảnh rất thanh thản và đượm tình. Đó là khi ông chụp tổ ấm của mình: chân dung người vợ trẻ với đôi mắt ánh ngời thanh xuân (ông đề ảnh là “Nam Quốc xuân quang” – ánh xuân của nước Nam), cũng người vợ ấy, khi đứng bán thuốc theo nghiệp chồng, khi âu yếm đứa con gái đầu lòng; ảnh bọn trẻ trong nhà cùng nhau chơi những trò đồ hàng thơ ngây của con trẻ…

Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo nói: “Không chỉ là mỹ cảm về tinh thần Hà Nội xưa, ảnh của Nguyễn Duy Kiên còn là nguồn tư liệu quý giá và đa chiều

Giúp ích cho các nhà nghiên cứu xã hội học, sử học, kiến trúc, thời trang. Những bức ảnh của Nguyễn Duy Kiên lý giải thế nào là tinh thần Hà Nội, thế nào là thanh lịch, hồn hậu… Hà Nội trong ảnh của ông là những ngày tháng nghèo khó, không an nhàn, những ngày biến động vì chiến tranh. Người Hà Nội nào cũng sẽ gặp lại chính mình trong ảnh của ông, tôi tin vậy. Chất thi ca và hiện thực trong ảnh ông mãnh liệt đến nỗi những nhân vật của ông – ta thấy như người thân quanh mình. Phải yêu Hà Nội vô cùng mới có thể chụp có tình như thế”.

Căn gác 2 quanh năm trầm u trong khói nhang thoang thoảng. Gian phòng lớn mà bà Kiên dành để thờ chồng, người vợ cả cùng hai người con chồng. Nhiều người đến hỏi mua những bức hình của Nguyễn Duy Kiên, bà đều từ chối: “Nhà tôi chỉ để lại được có thế này, tôi phải giữ gìn di sản của ông cho nguyên vẹn”. Bà Kiên luôn có một niềm tin chắc chắn rằng, giờ đây ông đã được ngậm cười nơi chín suối./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên