Lãn Ông - giữ nghề trong phố

Từ mấy chục năm trở lại đây, phố Lãn Ông đã trở thành trung tâm buôn bán Đông Nam dược tại Hà Nội. Tại đây, hầu hết các cửa hàng buôn bán hiện nay đều là cha truyền con nối từ bao đời.

 Trong điều kiện hội nhập với nền kinh tế thế giới, đặt ra yêu cầu cấp bách phải có sự thay đổi cơ bản trong phương thức kinh doanh tại các khu phố cổ theo hướng liên kết và xây dựng tuyến phố chuyên doanh. Lãn Ông là một trong hai tuyến phố đầu tiên được UBND Hoàn Kiếm chọn xây dựng trở thành tuyến phố văn minh đô thị tiêu biểu nhằm hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Nghề trong phố

Phố Lãn Ông, tên gọi tắt của Hải Thượng Lãn Ông, một danh y của y học cổ truyền đồng thời là một nhà văn Việt Nam thế kỷ XVIII. Ông có tên là Lê Hữu Trác (1724- 1897), người làng Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, vào sống ở quê mẹ tại huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Lê Hữu Trác xem nghề thuốc là thiêng liêng cao quý, người làm thuốc phải nối tiếp lòng trung kiên của cha ông mình, phải luôn giữ đức cho trong, giữ lòng cho sạch.

Gần 40 năm say mê nghiên cứu y học của người xưa, cẩn trọng chữa trị cho hàng vạn con bệnh, đúc kết những phương thuốc chữa bệnh tài tình, ông đã viết nên bộ sách thuốc “Y tông tâm tĩnh” đồ sộ, được đánh giá là Bách khoa toàn thư về y dược học của thế kỷ XVIII, gồm 63 quyển viết về y lý, bệnh lý, dược lý.

Lê Hữu Trác yêu thích tự do, nếp sống thanh đạm, giản dị, do đó đã vượt lên trên những danh lợi tầm thường. Ông là một danh y tài đức từng được chúa Trịnh mời vào Kinh (Thăng Long) chữa bệnh. Ông một đời cứu dân độ thế, từ bỏ vinh hoa phú quý, kể cả bổng lộc, lợi danh nhà Chúa ban cho khi chữa bệnh trong Phủ Chúa, về với dân nghèo. Không những là một danh y, ông còn là một văn nhân, một thi sĩ, đã để lại những bài thơ khá hay, với tập ký Thượng Kinh ký sự có giá trị về lịch sử và văn học. Ông trở về hành đạo cứu đời với tâm hồn nghệ sĩ. Ông quan niệm: “Thiện tâm cốt ở cứu người/Sơ tâm nào có mưu cầu chi đâu/ Biết vui, nghèo cũng hơn giàu/Làm ơn nào phải mong cầu trả ơn…

Phố Lãn Ông

Hiện nay, Lê Hữu Trác vẫn hiện diện cùng chúng ta trên cái tên một phố tấp nập giữa lòng Hà Nội. Y tông tâm lĩnh, Thượng Kinh ký sự - là những tác phẩm bất hủ của vị thầy lang Hải Thượng Lãn Ông vẫn thường được nhắc đến trong câu chuyện của những ông bà lão trên con phố ấy. Họ hàn huyên về chuyện đời, chuyện nghề và cả chuyện xưa khi con phố mới khai sinh. Phố Lãn Ông được xây dựng trên nền đất xưa vốn thuộc Hậu Đông Hoa Môn, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương. Sau này, hai thôn Hậu Đông Hoa Môn và Đông Hoa Nội hợp nhất thành Đức Môn và tổng Hậu Túc đổi thành tổng Đồng Xuân. Thời Pháp thuộc, phố mang tên là phố Phúc Kiến (Rue des Phúc Kiến), bởi ở đây tập trung nhiều người Hoa kiều gốc tỉnh Phúc Kiến cư ngụ. Họ được tổ chức thành “bang” và có nhà Hội quán Phúc Kiến ở số nhà 42.

Những năm 20 đầu thế kỷ XX, nhà trong phố Phúc Kiến hầu hết là một tầng; dần dần lác đác có nhà hai tầng. Nhà làm theo kiến trúc cổ: Nhà ngoài dài 6-7m, rồi đến sân giữa chung quanh che mái, có ao con ở chỗ phố Hàng Sơn. Ngôi nhà đầu tiên xây hai tầng ở phố là nhà số 53, trên gác làm kho chứa thuốc để bán. Phố Phúc Kiến có một nghề chính là buôn thuốc Bắc. Cửa hàng bán thuốc Bắc có từ sớm. Ban ngày, những tấm cửa lùa hạ xuống kê trên mễ và bậu cửa, trên bày những thúng đựng các vị thuốc sống, những thứ quý thì đựng trong túi vải cất trong ngăn tủ gỗ kê sát tường, dưới nền nhà là dao cầu, thuyền tán dùng cho việc bào chế thuốc. Cửa hiệu có bán lẻ thuốc Bắc kèm theo thuốc Nam. Thuốc Nam có vỏ quýt, sa sâm, quế chi, hạt sen, bán hạ.

Những nhà buôn thuốc Bắc ở phố Phúc Kiến thời kỳ đầu là những người ở làng Đa Ngưu (huyện Văn Giang – Hưng Yên). Cũng như ở các phố khác, nghề bán thuốc ở trong tay phụ nữ, con gái đều biết chữ nho, thuộc tên, thuộc mặt tất cả các vị thuốc, xem đơn cân thuốc thành thạo. Và từ sau 1947 đến nay, phố Phúc Kiến được gọi là phố Lãn Ông vẫn giữ nghề thuốc Bắc với nhiều vị quý hiếm.

Xây dựng tuyến phố chuyên doanh

Với chiều dài 180 m, phố Lãn Ông được chia làm hai đoạn. Đoạn đầu khoảng 50 m, chuyên bán các mặt hàng khăn, áo quần cho trẻ sơ sinh. Phần còn lại của phố chuyên về các mặt hàng thuốc Bắc và đó là đặc trưng của tuyến phố này. Hiện nay, trên phố Lãn Ông có 74 đơn vị kinh doanh có cửa hàng, hơn 90% các hộ kinh doanh có liên quan đến Đông Nam dược như: Bắt mạch, bốc thuốc, kê đơn, bán thuốc sống, bán thuốc gia truyền…

Ông Nguyễn Nhược Kim ở số nhà 63 Lãn Ông, chủ nhân nhà thuốc Hành Thiện cho biết: “Đa số hộ kinh doanh trên phố Lãn Ông chuyên doanh thuốc y học cổ truyền, nên chỉnh trang theo xu hướng phố làng nghề để thu hút khách du lịch”.

Để thực hiện chủ trương xây dựng tuyến phố chuyên doanh, quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với Trường ĐH Kinh tế quốc dân xây dựng đề án theo phương thức kết hợp sức mạnh của dân cư với sự đầu tư công sức, tài chính của Nhà nước trong hoạt động bảo tồn phố cổ. Theo đề án, tuyến phố chuyên doanh Đông Nam dược Lãn Ông sẽ được xây dựng dưới hình thức biểu tượng, lôgô, màu sắc, ánh sáng chủ đạo và mỗi cửa hàng cũng có biểu tượng riêng của mình. Tất cả các mặt hàng đều được niêm yết giá, đảm bảo chất lượng theo cam kết. Chủ các cơ sở kinh doanh tuân thủ nghiêm các quy định về hành nghề y dược tư nhân; không lấn chiếm vỉa hè để bày, bán hàng. Về văn minh đô thị, tuyến phố chuyên doanh Lãn Ông cần đáp ứng thêm các yêu cầu kiến trúc mặt đứng phía trước của các cửa hiệu được chỉnh trang theo thiết kế mẫu cho phù hợp với khu phố cổ và đặc trưng của tuyến phố chuyên doanh Đông Nam dược.

Theo khảo sát, trong 74 cơ sở kinh doanh tại Lãn Ông chỉ có 2 cơ sở không đồng tình với chủ trương xây dựng tuyến phố chuyên doanh Đông Nam dược. Ông Nguyễn Tùng Lâm, chuyên viên quận Hoàn Kiếm, phụ trách đề án cho biết: Sau khi đề án hoàn thành sẽ rút ra được kinh nghiệm để bảo tồn các tuyến phố cổ khác. Với tỷ lệ đồng thuận cao là điều kiện quyết định sự thành công của dự án. Dự án được bắt đầu từ năm 2006, đã xong giai đoạn I và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2010. Hiện tại, các chuyên gia đang xây dựng thiết kế mặt đứng phía trước các gian hàng trên tuyến phố.

Quá trình xây dựng tuyến phố chuyên doanh Đông Nam dược Lãn Ông được gắn với quá trình bảo tồn, tôn tạo các yếu tố của kiến trúc lịch sử đậm đà bản sắc Hà Nội sẽ làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch thu hút khách.

Ông Nguyễn Quốc Chính, Bí thư Chi bộ khu dân cư số 5 phường Hàng Bồ tâm sự: “Không chỉ riêng tôi mà cả thế hệ những người đi trước cũng thực sự vui mừng trước chủ trương này. Trở thành phố chuyên doanh, trách nhiệm của chúng tôi lớn hơn nhiều, nhưng đó lại là động lực để chúng tôi cố gắng tôn tạo, gìn giữ nét truyền thống và góp phần đẩy mạnh kinh tế Thủ đô, nhất là trong dịp chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên