Ngôi đình của cụ tổ nghề kim hoàn

Là một trong những đình cổ ở Hà Nội, đình Kim Ngân ở số 42 phố Hàng Bạc đã lưu lại những dấu tích về nghề kim hoàn có một không hai của Kinh thành Thăng Long.  

Ngôi đình sẽ được trùng tu và tôn tạo hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Ngày Đại lễ đang đến gần, việc giải phóng mặt bằng, trùng tu, tôn tạo đã diễn ra khẩn trương.

Di tích cổ sáng giá

Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, đình Kim Ngân có từ cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI. Vào thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), ông Lưu Xuân Tín, người làng Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang (Hải Dương), là Thượng thư bộ Lại được triều đình trao trọng sách lập xưởng đúc bạc nén tại Kinh thành. Bạc nén khi ấy là một loại tiền tệ lưu hành trên thị trường. Ông về Châu Khê mang người làng lên phường Đông Các lập xưởng đúc bạc. Người Châu Khê lên Thăng Long làm nghề đúc bạc ngày càng đông, trai đinh 5 giáp ở làng quê đều có mặt ở phường Đông Các quê mới. Từ nghề đúc bạn nén, tiến tới nghề làm đồ trang sức bằng vàng, bạc, xưa gọi là nghề kim hoàn.

Ở phố Hàng Bạc bấy giờ, mỗi ngôi đình được gắn với một giáp, một phe riêng. Ngày xưa khi người dân ở các làng lên đây lập nghiệp, họ đã đều dựng một ngôi đình để làm nơi hội họp, tế lễ. Ví như người dân làng Châu Khê khi lên đây đã dựng ngôi Đình Thượng (đình Trương Thị) và Đình Hạ (đình Kim Ngân) để hội họp. Thợ Châu Khê đúc bạc nén cho Nhà nước ở Tràng Đúc, nay là số nhà 58 Hàng Bạc. Họ nhận nguyên liệu và giao bạc nén cho người đại diện của triều đình tại đình Kim Ngân ở số nhà 42 Hàng Bạc và đình Trương Thị ở số nhà 50 Hàng Bạc.

Đình Kim Ngân chính là hạt nhân lâu đời, sáng giá làm nên nét đẹp, nét cổ kính của con phố Hàng Bạc. Trong thâm tâm những người làm nghề vàng bạc vẫn canh cánh một nỗi niềm nhớ về ông tổ nghề của mình. Đình Kim Ngân (ngân lượng trắng) thờ Hoàng đế Hiên Viên, một nhân vật có tính chất thần thoại được coi là ông tổ của bách nghệ. Theo người làng Châu Khê kể, đình Kim Ngân khi xưa rộng lắm. Bây giờ vẫn còn bức tường cũ nửa thiên niên kỷ, là nơi sinh hoạt của cộng đồng dân cư, nhưng từ sau ngày giải phóng Thủ đô và đặc biệt là đợt lũ năm 1972 các hộ dân không có nơi ăn, ở kéo về đình cư ngụ đến nay có 25 hộ dân với 83 nhân khẩu.

Do hoàn cảnh lịch sử để lại, khuôn viên đình bị xây tường ngăn chia cắt thành nhiều căn phòng nhỏ của các hộ dân, lấn chiếm cả vào hậu cung. Phía ngoài bái đường ngăn làm thư viện của phường Hàng Bạc. Hàng chục gia đình và cơ quan địa phương chen chúc sống và làm việc trong đình, chỉ chừa một ngõ hẹp rộng 60 -70 cm đi thẳng vào chính giữa hậu cung, nơi đặt đồ thờ tự và tượng pháp. Tại đình Kim Ngân đồ thờ tự còn tương đối đầy đủ. Xét về mặt kiến trúc, ngôi đình chưa bị thay đổi kết cấu cũ. Hệ thống mái, cột đình và các kết cấu kiến trúc sẽ được lộ ra sau khi tháo dỡ toàn bộ những bức tường xây ngăn che của các hộ riêng lẻ.

Theo ông Võ Hà Bắc – Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bạc: “Đình Kim Ngân cho tới đầu đời Nguyễn còn có diện tích 566,1m2, được coi là một trong những đình cổ kính, rộng nhất trên địa bàn phố cổ Hà Nội hiện nay. Trải qua quá trình lâu năm, đình đang bị xuống cấp. Hiện đình vẫn còn một khu vực thờ cúng tại gian ống muống, hai bên gian thờ này có xà đỡ mái. Hậu cung vẫn còn mái có họa tiết rất đẹp, độc đáo do những người dân làm nghề đúc bạc thuê những nghệ nhân giỏi xây đình.

Theo đánh giá của GS-TS Trần Lâm Biền, ở đây còn có nhiều những họa tiết chạm khắc tinh xảo do bàn tay khéo léo của những người thợ mộc, thợ nề cùng với thợ kim hoàn tạo nên mà chưa thấy ở các di tích khác. Chính vì có giá trị lịch sử và kiến trúc như vậy, UBND TP Hà Nội có chủ trương trùng tu và tôn tạo lại đình. Đây là một trong những công trình kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội”.

Đình Kim Ngân đang trong giai đoạn tu sửa

Trả lại dáng vẻ xưa

Loanh quanh mãi, chúng tôi mới nhận ra ngôi đình nhỏ nằm lọt thỏm tại số 42 phố Hàng Bạc. Đình Kim Ngân bị thu vào còn hơn chục mét vuông, cũng lư đồng, quan văn, quan võ đứng chầu hai bên, hương khói nghi ngút. Chỉ cách có mấy bước chân mà ở đây không khí tĩnh mịch, thư thái lạ thường, khác hẳn sự nhộn nhịp phố xá bên ngoài.

Nhận thức được rằng, một ngôi đình cổ kính hàng trăm năm tuổi có giá trị văn hóa gắn với làng nghề của dân tộc như đình Kim Ngân không thể để mai một, cần sớm được bảo tồn và trùng tu mang lại dáng vẻ xưa, UBND TP Hà Nội giao UBND quận Hoàn Kiếm tiến hành tu bổ, tôn tạo và Ban quản lý phố cổ Hà Nội được quận ủy quyền làm chủ đầu tư dự án. Với một áp lực về tiến độ, được sự chỉ đạo của UBND thành phố, UBND quận, UBND phường Hàng Bạc phối hợp Ban Quản lý phố cố Hà Nội khẩn trương vận động nhân dân, giải phóng mặt bằng bắt đầu từ tháng 2/2009. Đến nay, mặt bằng khu vực đình đã được trả lại nguyên vẹn. Có thể nói, việc giải phóng mặt bằng tại đình Kim Ngân có tiến độ nhanh nhất từ trước đến nay trên địa bàn phố cổ Hà Nội, đó là một bài học thành công về sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành từ thành phố đến quận.

Hiện nay, bên cạnh các phương án bồi thường hỗ trợ, kết hợp với tuyên truyền, giải thích cho dân đã di chuyển đến khu chung cư 67 Đức Giang (Long Biên, Hà Nội).

Ông Phạm Tuấn Long – Phó Trưởng Ban quản lý phố cổ, phụ trách dự án cho biết: “Dự án tu bổ, tôn tạo đình Kim Ngân có sự hợp tác với các chuyên gia Thành phố Toulouse (Pháp) giúp cho việc bảo tồn nhằm duy trì nơi thờ tự, giới thiệu nghề truyền thống kim hoàn, với tổng giá trị dự án là 37 tỷ đồng, trong đó dành trên 19 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng. Sau khi người dân hiểu đây là công trình có ý nghĩa quan trọng hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, mọi người đều đồng tình nhất trí bàn giao mặt bằng để tu bổ, tôn tạo lại đình. Về thủ tục chuẩn bị đầu tư đã cơ bản hoàn thành”.

Hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, nhân dân phường Hàng Bạc và những người làm nghề kim hoàn đang náo nức góp sức vào Đề án từng bước phục hồi phố nghề kim hoàn Hàng Bạc. Trong dòng người tấp nập đến phố Hàng Bạc tham quan và mua sắm những sản phẩm vàng bạc tinh xảo, còn có rất nhiều người tới những ngôi đền cổ thắp nén nhang cầu mong những điều tốt đẹp cũng như làm sáng tỏ ý nghĩa tâm linh và vẻ đẹp văn hóa.

Di tích đình Kim Ngân là một trong những di tích rất cần được trùng tu. Hy vọng đến dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, chúng ta lại được thấy ngôi đình Kim Ngân tiêu biểu của phố nghề Hàng Bạc. Đình Kim Ngân sẽ được trả lại vị trí tôn nghiêm của nó, được tái sinh góp phần làm sinh động một con phố cổ nổi tiếng của đất Hà Thành./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên