Người của nhan sắc phố phường Hà Nội

Đó là nhà văn Băng Sơn-người gắn bó với từng góc phố, ngõ hẻm của mảnh đất nghìn năm văn hiến. Con người, cảnh vật và nhịp sống của Hà Nội luôn được nhà văn miêu tả sinh động trong từng tùy bút, áng thơ.  

Ngày còn ở Hà Nội, sáng sáng, đến cơ quan, nếu không vì những lý do bất khả kháng thì thể nào tôi cũng đi qua phố Quang Trung để thích thú chiêm ngưỡng một hình ảnh đậm nét thanh lịch của người Hà Nội.

Ấy là, trong không khí mát lành của buổi sáng, dưới những tán cây xanh mát, bên dòng người, xe tấp nập, nhà văn Băng Sơn tóc dài bay trong gió, mặt phảng phất nụ cười hiền như một tiên ông, chầm chậm vòng quay của chiếc xe đạp cổ.

Nhà văn Băng Sơn tên thật là Trần Quang Bốn, sinh ngày 18/12/1932 tại thị trấn Cẩm Giàng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương; sống, học tập và làm việc ở Hà Nội từ năm 1947.

Băng Sơn bắt đầu viết tùy bút từ những năm 1948, 1949. Tuy thế, ông cũng thú thực là ngày đó tùy bút của ông chưa thành và chưa có cá tính nên chủ yếu vẫn làm thơ là chính. Từ đầu những năm 1980, ông dồn tâm huyết cho hai loại. Một là loại tùy bút viết từ 3.000 từ trở lên, hai là loại chỉ chừng 300-400 từ, vừa vặn một trang A4 và ông gọi đó là đoản văn. Cho đến nay, tùy bút và đoản văn của nhà văn Băng Sơn tính ra phải tới gần 3.000 bài. Ông chỉ viết theo hứng và viết tùy hứng. Tùy bút Băng Sơn giàu chất thơ, tiết tấu nhẹ nhàng như một giai điệu trữ tình, sâu lắng.

Từ miếng cơm, ngụm nước

Nhà văn Băng Sơn thường có thói quen tập thể dục, ngắm phố phường, tìm cảm hứng sáng tác… rất nhiều thú vị trong một thói quen đạp xe ra phố của ông. Một sáng cuối Đông nọ, vừa thoáng thấy mắt tôi dõi về phía những túm mùi già để trên giỏ xe, ông cười thân thiện giảng giải: “Tôi vừa mua của một chị bán rong ở đầu phố, về đun nước rửa mặt. Thơm lắm!”. Thế là bao ký ức về nồi nước lá mùi tắm tất niên mà mẹ kỳ công chuẩn bị cho cả nhà lại ùa về…

Người Hà Nội xưa qua tranh vẽ

Chẳng hiểu sao, muốn tìm một nét thanh lịch của người Hà Nội, tôi lại dò dẫm trên con phố vắng, ngõ hẻm, góc cầu thang hẹp để đến nhà ông, chứ không phải tìm đến nhà những người học hàm học vị đầy mình.

Đúng là người làm sao thì văn làm vậy. Mà chắc Băng Sơn chẳng bao giờ cần đi thực tế như cái cách mà nhiều người viết văn thường nói, ông chỉ cần viết về những thói quen của mình đã hay, đã đẹp, đã dựng nên cả một văn nghiệp.

Ông sống thi vị trong từng hành động, từng lời ăn tiếng nói. Bà nhà, sau hơn 50 năm chung sống, tuồng như vẫn vẹn nguyên tình yêu nồng cháy thuở ban đầu. Sau khi đi rót nước mời khác, ý tứ sửa lại cho chồng cái cổ áo, bà lui ra phía sau, ngồi bên mép giường ngắm chồng trò chuyện cùng khách ở bàn nước ngát hương hoa mùa nào thức ấy. 78 tuổi, hơn 50 năm làm vợ, ông bà vẫn xưng anh - em với nhau trìu mến. “Có đúng một lần, trong lúc nặng lời, bà ấy xưng tôi với chồng. Tôi nhắc: “Ơ sao em lại xưng tôi với anh?”. Thế là cười, hết cả giận. Mỗi khi bà ấy bực bội, chỉ cần nghiêm mặt là tôi nhịn ngay và ngược lại, nếu tôi cáu kỉnh thì bà ấy sẽ hiểu ý không nói thêm gì nữa”. Trong bữa ăn, anh con trai đã 50 tuổi, sắp lên chức ông, vô tình cầm cả đôi đũa trên tay lúc chan canh, ông nhỏ nhẹ nhắc: “Con vội gì mà không bỏ được đôi đũa xuống mâm”…

“Người Hà Nội ngày càng nhạt phai nét thanh lịch bởi người ta sống vội quá. Miếng ăn, ngụm nước mà vội vàng thì cũng đã mất ngon rồi, nói gì đến cuộc sống. Có người vào quán trà, gọi cho cái gì uống nhanh lên còn đi. Ô hay, nếu vội vã thế thì ra quán cóc vỉa hè mà tu trà đá ừng ực đi chứ mất công vào quán làm gì. Vào quán trà là để ngồi tráng ấm chén, pha trà, nhấp từng ngụm trà đượm hương trên cái chén, đỡ bằng ba ngón tay kiểu tam long giá ngọc để trò chuyện thân tình với người tri kỷ, để hưởng mối giao cảm giữa trời – đất và lòng người chứ. Sống vội thì dẫn đến tạp, nhiều người ăn bát bún thang, bún riêu, lại ăn kèm với giò lưỡi mèo, ăn phở kèm với trứng chần, trứng vịt lộn, bảo thế cho bổ. Ăn là tận hưởng hương vị độc đáo của từng món ăn, chứ cứ ăn xô bồ, lấy no, lấy bổ thì còn gọi gì là ẩm thực. Cũng như vậy, thịt gà mà thiếu lá chanh thái chỉ thì mất vị, chả rươi mà không có vỏ quýt thái mỏng thì chẳng ra gì… Thanh lịch biểu hiện cả trong cách bày  mâm bát, sắp xếp sao cho món nào cũng thuận tiện với tầm tay của mọi người. Rồi trở đầu đũa khi tiếp thức ăn, gắp gọn và ý nhị vun vén để đĩa thức ăn không bao giờ bừa bộn… Tất cả đều thể hiện lối sống thanh lịch”.

- Thưa ông, “Người Hà Nội mê nhất món chả rươi. Đúng là ăn nó xong mới cảm thấy nhẹ mình đi chút ít”. Trong bài “Rươi” (Thú ăn chơi người Hà Nội) ông đã viết như vậy để xưng tụng một món ăn đặc sắc. Nay thì những thứ thời trân đã bị xem nhẹ?

- Chả rươi đâu có cần ăn nhiều. Một hai cái để cảm ứng cùng đất trời, được hòa mình vào bầu trời thu bàng bạc màu trắng sữa không cao không thấp, không nắng, không mưa, không nóng không lạnh kia. Tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm. Cữ ấy, không ăn là nhớ thắc thỏm như lỡ một cuộc hẹn hò, lỡ một chuyến đi xa, có thể còn đau giãn cả xương cốt…

Nhiều người thấy món ăn ngon là lúc nào cũng muốn được ăn. Như thế làm sao có được cảm giác chờ đợi những sản vật của thiên nhiên mùa nào thức ấy. Hạt cốm làng Vòng, hạt ngọc của trời, chỉ vào tiết thu, gió se se, nhúm một nhúm đặt trong lòng bàn tay mới thấy nó quyện hương, lấy ngón tay chấm vài hạt đưa vào miệng thấy cả hương lúa, hương sen, hương heo may. Rồi cốm thì phải có hồng, có chuối ngự để chấm thì ăn mới tôn nhau lên chứ. Nhiều món, người ta không ăn vì mùa này không có thứ gia vị ấy chẳng hạn, hoặc tiết trời ấy, ăn món ấy thì thấy người nóng bức quá, mồ hôi mồ kê nhễ nhại quá nên cũng mất cả ngon… Kệ người ta ăn tạp, tôi thì cứ mùa nào thức ấy.

Mười năm trước, khi muốn tìm hiểu những nét văn hóa ẩm thực của đất Hà thành, tôi đã lùng trong phố sách Đinh Lễ và như bắt được vàng khi kiếm được hai tập “Thú ăn chơi người Hà Nội” của nhà văn Băng Sơn. Háo hức tìm hiểu những của ngon vật lạ rồi ngấu nghiến ngồi đọc trong 3 giờ hết veo gần 1.000 trang sách. Và điều tâm đắc nhất của tôi, không phải chỉ là những áng văn tài hoa của Băng Sơn tán thưởng về những miếng ăn, ngụm uống mà từ cách chuẩn bị bữa ăn, cách ngồi ăn, tiếp đãi nhau… mà ông kỳ công đãi ngọc của người xưa, kẻ nay để khắc họa cả một nếp sống văn hóa. Thì đây, các cụ chả bảo chỉ nhìn vào một bữa ăn, ta cũng đoán ra tâm tính con người là gì. Trong một bữa rượu, đang ăn, cụ Đề Thám thét quân hầu lôi hai tướng Cả Huỳnh, Cả Trọng đều là con trai và đang ngồi cùng ăn với mình ra chém. Mọi người ngơ ngác không hiểu tại sao. Cụ mới nói:

- Ta gắp miếng thịt gà, chặt chưa đứt, nó cứ lằng nhằng mãi. Bay không đứa nào gỡ giúp ta. Chỉ một nhỏ như thế mà bay không giúp thì khi ra trận, cái sống cái chết kề bên, ta còn mong gì…

Hai con sụp lạy. Cụ cười khà khà và bữa rượu lại được tiếp tục. Xem thế, đủ thấy miếng ăn không phải chuyện đùa được…” (Món luộc).

Tôi ám ảnh mãi chỉ với vài dòng ấy. Đến độ, từng kiên quyết từ chối một tình bạn chớm nở chỉ vì dự một bữa ăn mà không thấy không khí đầm ấm, nét thanh nhã của gia đình ấy.

Nét văn hoá của người Hà Nội xưa

Đến lời ăn tiếng nói

- Thưa ông, chẳng thơm cũng thể hoa nhài, các cụ xưa vẫn nói vậy, nhưng bây giờ tôi thấy người Tràng An nói trống không với nhau nhiều quá?!

- Nét thanh lịch, lời ăn tiếng nói của người Hà Nội bây giờ bị pha tạp vì người ta sống vội vàng đã đành, mà còn vì dân số cơ học tăng nhanh quá. Hà Nội mở rộng, dân số cơ học lên đến hơn 6 triệu người. Người Hà Nội gốc chắc chỉ còn vài phần trăm. Người nhập cư đông quá nên văn hóa ứng xử càng pha tạp.

Chúng ta không thể mong chân núi Ba Vì thành phố Hàng Ngang, Hàng Đào được. Thành phố phát triển đã làm mất đi làng hoa Ngọc Hà, mất một vùng đào Nhật Tân và nhiều thứ khác nữa. Nếu tình hình quản lý thành phố lỏng lẻo như thế này, chúng ta chưa phát triển vùng xứ Đoài cũ thì đã làm mất đi nền văn hóa.

Xưa, người Hà Nội chủ yếu là những ông phán, bà chủ lớn ở Hàng Ngang, Hàng Đào… nền vững nên chất lượng sống tốt, nét thanh lịch tôn lên. Xưa, một câu hỏi đường cũng như thơ: “Dạ, thưa bác, bác cho cháu hỏi đường đến phố Huế đi lối nào ạ?”. Không bao giờ thiếu “thưa” ở đầu và “ạ” ở cuối. Mà giả dụ ai đó có xấc xược thì cũng bị chê rất thanh lịch. Nhà văn Nguyễn Tuân, có lần đang ngậm tẩu, gõ ba toong đi dạo trên vỉa hè, một anh thanh niên đến xin lửa châm thuốc. Xong việc thì đi thẳng. Cụ Nguyễn mới gọi lại:

- Này, anh gì ơi, cho tôi nhờ một tí!

- Cái gì đấy? – Anh thanh niên bực dọc quay lại.

- Xin lỗi, anh vừa bảo tôi câu gì ấy nhỉ, tôi nghe không rõ.

- Không. Chả bảo gì.

- Thế tôi xin lỗi ạ! Tôi lại cứ tưởng anh nói “cảm ơn”.

Đấy. Mắng người ta mà vẫn nhẹ nhàng và lịch sự thế cơ mà.

- Thưa ông, tính chất của thanh lịch ở mỗi thời đại có biểu hiện khác nhau? Hà Nội không thể cổ kính như xưa để hợp với những nét đẹp một thời được.

- Thanh lịch mãi vẫn là thanh lịch, có khác chăng chỉ là cần thay đổi cái vỏ cho hợp thời mà thôi. Ví dụ, bây giờ không thể bắt những bà, những chị người làng Ngọc Hà sáng sáng toòng teng hai thúng hoa cúng vào nội thành được nữa. Người ta có thể đi xe đạp, xe máy, nhưng đã là thanh lịch thì đến cửa nhà khách quen, dù cửa đóng vẫn dừng lại, mở thúng, nhúm đủ những thứ hoa bày vào chiếc lá bồ tát, đẹp như tranh rồi buộc túm lại, treo trước cửa rồi rong tuổi đi bán tiếp. Sợ nếu mình không dừng lại thì người ta thiếu đĩa hoa cúng Phật, cúng gia tiên. Tiền bạc tính sau, mà nhiều khi cũng chẳng màng, miễn là được san sẻ những thứ hoa lá vườn nhà, và buôn bán thì phải giữ chữ tín. Thanh lịch là nếu sống không đẹp thì xấu hổ với mình trước đã rồi mới lo mất lòng người. Xưa ai cũng nghĩ như thế nên ứng xử với nhau đẹp lắm.

- Tấm ảnh này ông chụp từ bao giờ ạ? (chỉ lên bức ảnh treo trên góc tường).

- Tôi chụp năm 17 tuổi đấy. Xưa, đi học trung học, tôi đã thắt cà vạt rồi, nay thì ra đường tôi không dám thắt nữa vì kệch cỡm với những người mặc quần ngủ, cởi trần… ở khắp nơi. Xưa, lớp có 50 người thì tới 48 người ăn mặc lịch sự nên mình phải theo, nay thì lôm côm… Xưa, tầng lớp nào ăn mặc thế ấy, nhìn người ta đi ngoài đường là mình biết ai là công chức lớn, viên chức nhỏ, bà chủ,… nay thì chả biết đâu mà lần.

- Nạn tắc nghẽn giao thông, theo tôi, cũng có nguyên nhân từ văn hóa ứng xử?

- Đúng rồi. Nạn ùn tắc giao thông ở Hà Nội cũng là biểu hiện của việc suy giảm nếp sống văn hóa, nét thanh lịch. Các chuyên gia người Nhật của Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) mà tôi hay có dịp tiếp xúc, nhận xét rằng người Việt Nam (cụ thể là Hà Nội) ích kỷ lắm, ra đường là chỉ biết có mình, thế nên mới đi lại tứ tung, lấn đường của người này, cướp lối của kẻ khác. Giao thông vì thế mà lộn tùng phèo.

- Thanh lịch biểu hiện ở ba yếu tố: Ăn, mặc, ứng xử thì cả ba đều pha tạp quá nhiều. Ấy thế mà trong các dự án kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, tôi chưa thấy có một dự án nào về việc tìm lại nếp sống đẹp của người Hà Nội.

- Ngày xưa ở trường có môn Công dân giáo dục dạy học sinh nếp sống văn hóa, nay những môn học thiết thực ấy chẳng ai nghĩ đến thì phải. Học sinh thì quá tải với chương trình giáo dục nên đưa môn Hà Nội học vào trong nhà trường chắc cũng chỉ là mộng ước xa vời. Sửa sai một xã hội, chính quyền phải ra tay và mỗi tổ chức, mỗi cá nhân phải góp sức dù chỉ là một việc nhỏ. Có lần, tôi đề nghị Thành đoàn phát động phong trào thanh niên không nói ngọng, sửa từ đó trở đi, mà có ai làm đâu.

Tôi vừa đưa 200 bài tùy bút, tạp văn của cuốn Thú ăn chơi người Hà Nội lên cho Sở Thông tin – Truyền thông Hà Nội phát dần trên đài, tivi. Mình không dạy dỗ ai, chỉ nêu những nét đẹp để người ta theo.

Lang thang với Hà Nội

Băng Sơn làm thơ, viết văn từ năm 1949 và đã có nhiều bài được đăng báo từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Học xong tú tài, ông đi diễn kịch, làm báo, viết văn, viết kịch bản sân khấu… Gắn trọn đời mình với những con chữ, viết khỏe, viết được nhiều lĩnh vực, nhưng đề tài gan ruột, chiếm trọn tâm trí ông, vẫn là Hà thành cảnh đẹp người hay.

Băng Sơn bảo cái sướng nhất của ông là dù làm việc ở đâu, cho cơ quan nào, cũng chưa bao giờ phải sáng cắp ô đi tối cắp về và giam chân ở công sở đúng 8 giờ vàng ngọc. Ông kể: “Thời tôi còn làm anh cán bộ Phòng Tuyên truyền, Bộ Thủy sản, hầu như ngày nào tôi cũng chỉ “ghé mặt” đến cơ quan chừng một giờ, rồi thì thích gì đâu thì đi, miễn là trong tuần tôi hoàn thành tốt công việc được giao…”.

Chính vì vậy mà ông có điều kiện để lang thang ngoài đường, ngắm nhìn Hà Nội suốt ngày không chán. Ông thung thăng đi tìm những vẻ đẹp khuất lấp giữa cuộc sống xô bồ. Một màn mưa trên phố, một món ăn, một đám tang ngày trước, một Hà Nội mù sương… Ông nhớ và biết rất rõ từng con đường, góc phố, rằng “cây lộc vừng ở hồ Gươm, năm nay ra hoa muộn mất một tuần, bà cụ bán bún thang ở phố Cầu Gỗ mới mất…” để rồi chắt thành những con chữ chan chứa tình:

“Yên Phụ buôn bán dưới thuyền/ Xuống đò phố Mới bán than quạt trà… Phố Mới, phố Hàng Chiếu vẫn còn đôi ba nhà bán than hoa cho người quạt bún chả chứ ai còn đun nước pha trà trong những sớm mờ sương” (Hà Nội qua ca dao).

Ngày nào cũng vậy, ông cứ đi, cứ lang thang, cứ uống cà phê, cứ ngắm nhìn hàng cây, con phố… suốt bốn mùa và viết về Hà Nội không biết chán, không thấy cạn vốn, cũng chẳng hề mòn văn. Ông bảo: “Hà Nội như máu thịt tôi, không thể tách rời. Tôi chưa bao giờ sống xa Hà Nội quá một tuần”. Cùng với Hà Nội 36 phố phường của Thạch Lam, Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng, những tùy bút viết về món ngon của người Hà Nội của Nguyễn Tuân: Phở, Giò lụa, Cốm…, “Thú ăn chơi người Hà Nội” của Băng Sơn đã cho thấy Hà Nội có hẳn một lĩnh vực văn hóa ẩm thực đặc trưng.

-  Ở tuổi xưa nay hiếm, bí quyết nào giúp ông viết đều và khỏe như thế?

-  Một năm có 365 ngày thì tôi cố gắng viết 300 bài với độ dài ngắn khác nhau. Chẳng có bí quyết hay nguyên tắc cụ thể nào, viết văn đối với tôi là một thói quen khó bỏ. Tôi tích lũy vốn sống qua bạn bè, sách vở để xây dựng bách khoa tri thức trong đầu. Hơn thế, những điều mình viết ra phải là rung động thực sự, phải có điều để nói với độc giả.

Trong cuộc sống hiện đại, tôi nghĩ những áng thơ bằng văn xuôi rất cần cho tâm hồn người. Miễn là văn học nói cho con người, vì những gì thân thuộc quanh ta đều đáng trân trọng. Tôi viết để nâng cao tâm hồn người đọc.

“Hà Nội có gì thì trong con người tôi có cái ấy”. Nhà văn Băng Sơn tự hào nói như vậy. Bao nhiêu nhan sắc phố phường Hà Nội đều đã vào văn ông. Tình thương yêu ấy, ông dâng tặng đời./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên