Nhà hát Lớn Hà Nội - Kiến trúc và lịch sử

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, công trình Nhà hát Lớn Hà Nội tồn tại như một biểu tượng về không gian kiến trúc, văn hoá và cả chính trị của Thủ đô 1.000 năm tuổi

Nhà hát Lớn Hà Nội là một công trình lớn mà chính quyền thực dân Pháp đã xây dựng tại Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ 20. Xưa kia nơi đây là một vùng đầm lầy thuộc đất của 2 làng Thạch Tần và Tây Luông giáp gianh với làng Cựu Lâu, thuộc Tổng Phúc Lân, huyện Thọ Xương.

Vào năm 1899, hội đồng thành phố họp dưới quyền chủ toạ của Richard - Công sứ Hà Nội, đề nghị lên Toàn quyền Fourer cho xây Nhà hát. Bản đồ thiết kế do hai kiến trúc sư là Broyer và Harvy được xét duyệt với kinh phí xây dựng là 2 triệu franc.

Công trình được khởi công vào ngày 7/6/1901. Việc san lấp mặt bằng được tiến hành khá vất vả. 35.000 cọc tre được đóng với khối bê tông cốt sắt dày 0m90. Hàng ngày có 300 công nhân làm việc.

Những người thiết kế công trình đã tìm tòi tham khảo kiến trúc cổ Hy Lạp Cô-ranh-tơ kết hợp với  kiểu lâu dài Tuy-lơ-ri và Nhà hát Opera de Paris để tạo nên một khối kiến trúc riêng biệt.

Nhà hát Lớn Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20

Năm 1911, công trình được hoàn thành. Chiều dài Nhà hát mặt ngoài là 87m, rộng trung bình 30m, diện tích 26.000m2, điểm cao nhất là 24m. Mặt trước của Nhà hát rất bề thế khang trang, có nhiều bậc trông ra quảng trường rộng (nay gọi là quảng trường Cách mạng tháng 8) - chỗ đầu mối tập trung của 6, 7 đường phố lớn.

Bên trong Nhà hát có sân khấu rộng và một phòng khán giả chính có diện tích 24x24m, chứa được 870 chỗ ngồi, tầng giữa có nhiều phòng nhỏ giành cho khán giả có vé riêng. So với dân số Hà Nội năm 1945 khoảng 20 vạn dân, thì quy mô kiến trúc Nhà hát thời điểm ấy là rất lớn.

Cầu thang chính lên tầng 2 là sảnh chính rộng. Cầu thang phụ và hành lang ở phía 2 bên. Phía sau Nhà hát là phòng quản trị, 18 buồng cho diễn viên hoá trang, 2 phòng tập hát, phòng gương, thư viện, phòng họp.

Mang kiến trúc kiểu Pháp, Nhà hát Lớn Hà Nội được ví như Nhà hát Opera de Paris

Sau 10 năm xây dựng, Nhà hát Lớn được đưa vào sử dụng. Trong thời gian đầu, Nhà hát được dành cho những gánh hát từ phương Tây hằng năm sang diễn cho giới chức quan lại Pháp xem. Những người thượng lưu Việt Nam cũng được tham dự, song muốn vào Nhà hát phải mặc lễ phục và trả giá vé đắt.

Về sau, Nhà hát Lớn cũng có những tối công diễn do người Việt Nam tổ chức để làm việc nghĩa (cứu nạn nhân các tỉnh bị lụt, làm nhà tế bần…). Tuy nhiên, trong lịch sử hoạt động của mình, Nhà hát phải đình lại nhiều lần do chủ trương khác nhau của nhà cầm quyền. Từ năm 1940, nhiều đoàn kịch nói của ta có thể thuê được “Nhà hát tây” để diễn.

Sân khấu bên trong Nhà hát

Nhận xét về công trình Nhà hát Lớn, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, tuy ra đời muộn hơn so với nhà hát ở thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, song xét về quy mô kiến trúc, Nhà hát Lớn Hà Nội là một điển hình khác biệt. Và quan trọng hơn nó còn là một thiết chế văn hoá.

“Nhà hát Lớn Hà Nội đúng là sản phẩm của thời thuộc địa. Nhưng nếu “thuộc địa” là thuật ngữ chính trị mà chúng ta nhìn nhận nó như một sự xung đột, đè nén, áp bức thì chúng ta cũng phải nhìn thấy mặt văn hóa của công trình này. Thời kỳ này là thời kỳ giao thoa giữa nền văn hoá Âu và Á. Đây rõ ràng là văn hóa người Pháp xác lập ở nước ta. Và nó như một sự bổ sung cho văn hóa dân tộc bước vào thế kỷ hiện đại”, ông Dương Trung Quốc nói.

Không chỉ là một không gian văn hoá, Nhà hát Lớn Hà Nội còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước.

Thời điểm tháng 8/1945, Quảng trường Nhà hát Lớn là trung tâm sôi động nhất của không khí chính trị ngày đó. Tại đây, ngày 17/8/1945 đã diễn ra buổi mít tinh của Tổng hội viên chức và ngay sau đó đã biến thành buổi ra mắt của Mặt trận Việt Minh, lãnh đạo nhân dân ta làm nên thành công vang dội của cuộc Cách mạng tháng Tám lịch sử .

Sức chứa 870 chỗ ngồi, Nhà hát Lớn còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng

Trước khi có Hội trường Ba Đình, Nhà hát Lớn Hà Nội là nơi Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tiến hành các kỳ họp quan trọng. Ngày 5/3/1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà họp khoá đầu tiên ở Nhà hát Lớn. Cũng trong năm 1946, ngày 28/10, Quốc hội khoá 2 họp thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại đây…

Nhà hát Lớn là nơi đã chứng kiến những giây phút hoà bình đầu tiên trên đất nước, là một nhân chứng cách mạng của Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến. Kể từ đó đến nay, Nhà hát Lớn luôn là trung tâm của các cuộc hội nghị, mít tinh quan trọng và các buổi biểu diễn nghệ thuật của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước.

 

Mặt bên Nhà hát Lớn

Để đáp ứng với nhu cầu phát triển của thủ đô, từ giữa năm 1955, Nhà hát Lớn Hà Nội bước vào đợt trùng tu lớn nhất với ngân sách cho phép là 156 tỷ đồng (khoảng 14 triệu USD).

Kể từ khi hoàn thành đưa vào sử dụng, Nhà hát Lớn Hà Nội trở thành nơi diễn ra thường xuyên các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước.

Ông Hoàng Xuân Nam – Giám đốc Nhà hát Lớn cho biết, kể từ khi được Bộ Văn hoá-Thông tin giao trách nhiệm tổ chức các đoàn nghệ thuật chất lượng cao, từ việc tổ chức chỉ 17 buổi vào năm 2000, đến nay Nhà hát thực hiện trung bình 400 buổi/năm, đón trên 140 đoàn nghệ thuật quốc tế. Hàng năm, doanh thu từ các buổi biểu diễn đem về cho Nhà hát luôn đạt cao. Các buổi biểu diễn nghệ thuật đã đem đến cho công chúng Thủ đô những món ăn tinh thần đầy ý nghĩa...

Lối vào cửa chính Nhà hát

Trải qua các biến chứng thăng trầm của lịch sử, cũng như nhiều công trình kiến trúc khác và cả những loại hình văn hoá phi vật thể, Nhà hát Lớn Hà Nội đã trở thành một di sản mà chúng ta tiếp nhận và phát huy nó như một chứng cớ cho một thời kỳ mà các nền văn hoá giao thoa nhau, giúp Việt Nam hội nhập với thế giới. Chính vì thế, việc bảo tồn, gìn giữ di sản này, làm cho ý nghĩa công trình có giá trị sâu sắc hơn, phong phú hơn là những gì mà cả nước và nhân dân Thủ đô luôn hướng tới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên