Nơi hội tụ và toả sáng nguồn lực quốc gia

Thăng Long-Hà Nội tự hào là mảnh đất hội tụ tinh hoa đất nước. Mảnh đất nghìn năm văn hiến này đang mang trên mình một vóc dáng, tư thế mới trên con đường hội nhập và phát triển.

Việc vua Lý Thái Tổ định đô tại Thăng Long là một sự kiện trọng đại đối với quốc gia Đại Việt, khẳng định vị thế vững vàng của một quốc gia độc lập sau 1000 năm Bắc thuộc. Trải qua nhiều triều đại với các tên gọi khác nhau nhưng Thăng Long- Hà Nội vẫn là chốn kinh kỳ, là nơi anh hùng hào kiệt bốn phương tụ hội, thi thố tài năng, hiến dâng trí lực của mình cho đất nước.

Với việc định đô ở Thăng Long, triều Lý đã biến vùng đất bên bờ sông Hồng trở thành trung tâm hành chính, đô thị phát triển ngay từ những năm đầu của kỷ nguyên độc lập. Thăng Long tự thân đã tạo nên một sức hút mãnh liệt đối với các nhân tài từ trong Nam ngoài Bắc. Bởi chỉ có nơi đây, họ mới có dịp được trổ tài kinh bang tế thế. 

Văn Miếu Quốc Tử Giám

Từ năm 1070, nhà Lý lập Văn Miếu, xây dựng Quốc Tử Giám, nhà Thái học - trường đại học đầu tiên của đất nước, làm nơi đào luyện nhân tài, mở các khoa thi chọn hiền tài ra giúp nước. Qua 124 khoa thi, 2.248 tiến sĩ được ghi tên vào bảng vàng. Ngoài ra, Thăng Long còn có Giảng Võ Đường, nhà Võ học, đào tạo hàng trăm cống sĩ, võ tướng giúp vua gìn giữ giang sơn.

Giáo sư sử học Lê Văn Lan phân tích: “Nếu không có nền tảng văn chương bác học, không có văn hoá cung đình cộng với trí tuệ của tầng lớp thị dân thì Hà Nội cũng không thu hút được nhân tài của  bốn phương”.

Thăng Long trở thành nơi hội tụ, nơi tỏa sáng tài năng của hào kiệt bốn phương. Với bài thơ thần “Nam quốc Sơn Hà”, Lý Thường Kiệt nêu cao quyền tự chủ. Với Cáo Bình Ngô, Nguyễn Trãi xây đắp lòng người bằng lẽ nghĩa nhân. “Thất trảm sớ” bất thành, nhà giáo Chu Văn An muôn đời giữ tròn đạo học. Một Tao đàn thi xã đời Hồng Đức sáng rỡ nền văn học thời Lê; một Ngô Gia Văn Phái với những tác phẩm văn chương khiến trăm họ đời sau ngưỡng mộ. Những Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn, Thân Nhân Trung, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Đặng Trần Côn, Phan Huy Chú, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương... sẽ mãi mãi là niềm tự hào của chốn kinh kỳ.

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cho rằng: “Người Hà Nội là dân tứ trấn cùng tụ cư, cùng phát triển. Nghề có tinh, tài có cao mới trụ lại được nơi này. Các nhà văn hoá lớn cũng là người từ các nơi về là chính. Người đầu tiên khẳng định vai trò chữ Nôm, chữ viết của dân tộc là cụ Hàn Thuyên- người Hải Dương, nhà bác học Lê Quí Đôn là người Thái Bình, cụ Nguyễn Trãi là người Sơn Nam…”.

Bằng tài năng và đức độ của mình, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Hồ Chủ tịch đã mời một số nhân sĩ yêu nước tham gia Chính phủ Cách mạng như: cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Phạm Khắc Hoè, Nguyễn Văn Tố; các luật sư, bác sĩ, kỹ sư như Phan Anh, Hoàng Minh Giám, Tôn Thất Tùng… Bác Hồ cũng vận động một số trí thức yêu nước đang làm việc ở nước ngoài như Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Hữu Thọ, Đặng Văn Ngữ… về nước tham gia cách mạng.

Trong muôn gian khó của nền Cộng hoà non trẻ, Chính phủ nghĩ ngay đến nền Giáo dục đại học. Tháng 11/1945, trên cơ sở Viện Đại học Đông Dương, trường Đại học quốc gia Việt Nam ra đời và sau này là Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ lò luyện nhân tài này, nhiều nhà khoa học đầu ngành, nhà chính trị, quân sự nổi tiếng đã trưởng thành, phục vụ đắc lực cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và dựng xây đất nước như Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Nguyễn Văn Huyên, Nguỵ Như Kon Tum, Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh, Nguyễn Phan Chánh, Trần Quốc Vượng, Hoàng Tuỵ, Nguyễn Đình Thi... Cùng với sự phát triển của đất nước, hệ thống trường đại học ở Hà Nội ngày càng mở rộng, Hà Nội trở thành trung tâm đào tạo nhân lực cho đất nước.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, Đại học Quốc gia Hà Nội phải đổi mới phương pháp giảng dạy và nghiên cứu, đổi mới quản trị đại học. Không phải ngẫu nhiên mà số lượng cán bộ khoa học đầu ngành được phong, số công trình khoa học được đăng trên các báo, tạp chí quốc tế lớn mỗi năm, nhiều nhất vẫn là của Đại học Quốc gia Hà Nội. Với những công trình nghiên cứu về Tây Nam Bộ, Trường Sa, Hoàng Sa, nghiên cứu đổi mới hệ thống chính trị, Đại học Quốc gia Hà Nội tự hào giữ vai trò đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại học của đất nước”. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng GS Ngô Bảo Châu được nhận giải thưởng Fields

Hà Nội với truyền thống hiếu học, yêu chuộng hoà bình, tài hoa thanh lịch đã và sẽ sản sinh, dung dưỡng và toả sáng của nhân tài. Đặng Thái Sơn đạt giải Chopin về âm nhạc. Giáo sư Ngô Bảo Châu, người con của Hà Nội, người Việt Nam đầu tiên đạt Huy chương Fields - giải thưởng danh giá nhất của Toán học quốc tế đã trở thành niềm tự hào của Việt Nam. Những giải thưởng lớn trong các lĩnh vực khoa học mà sinh viên Việt Nam đạt được gần đây cho thấy, lớp trẻ hôm nay hoàn toàn có thể chinh phục được những đỉnh cao trí tuệ của nhân loại.

Việc Ngô Bảo Châu đạt giải thưởng Fields không chỉ là vinh dự cho cá nhân anh, cho ngành Toán học, mà còn là một chỉ báo cho thấy Việt Nam có nhiều nhân tài tiềm năng. Tiềm năng quan trọng nhất là trí tuệ người Việt, nó hiện thân ra ở người này hay người khác mà thôi. Chúng ta tự hào rồi đây trong lớp trẻ, sẽ có những tài năng xuất chúng.

Thăng Long tròn 1000 năm tuổi, Hà Nội tự hào là mảnh đất hội tụ tinh hoa đất nước. Mảnh đất nghìn năm văn hiến này đang mang trên mình một vóc dáng, tư thế mới trên con đường hội nhập và phát triển. Điều đó sẽ là hiện thực khi có một chính sách đầu tư thỏa đáng cho Giáo dục, khoa học và công nghệ, tạo nguồn lực cho một chiến lược con người, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Có như thế, Hà Nội mới xứng đáng với truyền thống của vùng đất hội tụ và toả sáng nguyên khí quốc gia, là trung tâm đào tạo, cung ứng nguồn lực chất lượng cao cho sự phát triển của đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên