Rùa Hồ Gươm gắn với những dấu ấn của Thăng Long-Hà Nội

Người Hà Nội coi rùa Hồ Gươm là biểu tượng linh thiêng và cho rằng, mỗi lần cụ Rùa nổi là một tín hiệu vui cho Thủ đô.  

Rùa Hồ Gươm đã gắn liền với Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội từ bao đời nay. Rùa là di sản vô giá gắn với những truyền thuyết lịch sử, văn hoá linh thiêng của dân tộc. Cụ Rùa có nguồn gốc từ đâu đang là những câu hỏi khiến nhiều người thắc mắc và đã có giả thuyết đưa ra về nguồn gốc của cụ Rùa. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên VOV có cuộc trao đổi với PGS, TS Hà Đình Đức, chuyên gia nghiên cứu về rùa trong nhiều năm nay.

PV: Thưa PGS, TS Hà Đình Đức, ông có thể cho biết Rùa Hồ Gươm gắn với những truyền thuyết về lịch sử, văn hoá linh thiêng lâu đời của Thăng Long Hà Nội như thế nào?

PGS, TS Hà Đình Đức: Khi xây thành Cổ Loa, An Dương Vương bị một con gà sinh trắng làm sập cửa thành. Nhà vua đến gặp thần Kim Quy. Lúc đó, thần Kim Quy ở dưới nước hiện lên nói rằng, phải diệt được gà trắng thì mới xây được thành Cổ Loa.

Rùa Hồ Gươm nổi trên mặt nước

Sau đó, thần Kim Quy biến thành dũng sĩ rùa vàng và An Dương Vương biến thành kẻ đi đường. Đi đến sào huyệt gà trắng, dũng sĩ rùa vàng trao thanh bảo kiếm cho An Dương Vương rồi dũng sĩ rùa vàng biến thành thần Kim Quy xuống sông. Khi nghe thấy tiếng động lạ, gà trắng vụt ra khỏi cửa hang thì An Dương Vương dùng thanh bảo kiếm chém đầu gà. Chém xong, An Dương Vương nhìn thấy thần Kim Quy ở dưới nước lên, quỳ xuống trả gươm cho thần Kim Quy. Như thế là mượn gươm trả gươm có từ thế kỷ thứ III trước Công Nguyên.

Tôi cho rằng, Lê Lợi rút ra bài học thứ hai là vay trả để giữ chữ Tín. Lê Lợi bắt chước An Dương Vương trả gươm. Sau khi đánh thắng quân Minh, Lê Lợi làm động tác hoàn gươm như thông báo với toàn dân là việc lớn xong rồi phải trả gươm. Ý nghĩa của việc trả gươm là muốn cất vũ khí để quay sang cuộc sống bình thường.

PV: Hình như đã có lần ông đưa ra giả thuyết Rùa Hồ Gươm có nguồn gốc từ nơi khác để dựng nên truyền thuyết trao trả gươm? Khi đưa ra giả thuyết này, ông dựa vào những căn cứ nào?

PGS, TS Hà Đình Đức: Đầu tiên, tôi dựa theo truyền thuyết về vay trả, về hoàn gươm có từ thế kỷ thứ III trước công nguyên. Lê Lợi rút ra bài học và làm chuyện trả gươm nhưng lúc ấy ở hồ Lục Thuỷ chưa có rùa. Tôi nói thế vì căn cứ tất cả thư tịch truyền thuyết không có dấu vết gì loài rùa to sống ở hồ Lục Thuỷ. Sau khi Lê Lợi đánh thắng quân Minh thì mới xuất hiện loài rùa to. Cho nên khẳng định rùa Hồ Gươm xuất phát từ thời Lê. Về mặt khoa học, nếu như loài rùa to này vốn dĩ có ở đất Thăng Long thì Hồ Tây phải có hay các hồ khác phải có nhưng gần như không. Chỉ có hồ Hoàn Kiếm mới có, như thế tức là rùa thả. Tại sao thả thì tôi mới giải thích là việc Lê Lợi muốn thông báo với thiên hạ rằng, việc thần cho mượn linh khí đánh giặc xong thì phải hoàn trả. Đó cũng là biểu trưng cho lòng yêu nước của dân tộc. Cho nên căn cứ theo truyền thuyết và lịch sử, khoa học thì rùa Hồ Gươm là rùa thả. Đến bây giờ chưa có ai bác bỏ và giả thuyết là giả thuyết chứ tôi không khẳng định.

PV: Như ông vừa đề cập, rùa Hồ Gươm là rùa thả. Vậy theo giả thuyết của ông thì rùa Hồ Gươm có nguồn gốc từ đâu?

PGS, TS Hà Đình Đức

PGS, TS Hà Đình Đức: Vùng đất Lam Kinh bên cạnh là Sông Lương bây giờ là Sông Chu. Trước đây ông Trịnh Ngữ,  Giám đốc Bảo tàng Thanh Hoá có nói với tôi là ở vùng sông Lương có loại rùa to bằng chiếc chiếu đôi căn cứ theo sách cổ nhưng ông ấy không nhớ là sách nào. Tuy nhiên, ông Lê Văn Cát, năm nay 85 tuổi ở Thọ Xuân có nói là vùng Phúc Đại, xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân cách Lam Kinh khoảng 10km có loại rùa to đến mức nó lên đẻ trứng trên cạn, dân cột hai chân sau vào hai con trâu mộng khi nó đẻ xong thì nó kéo cả hai con trâu xuống… Ở đấy người ta đồn đại là có những mai rùa dùng làm thuyền, làm chậu tắm…

Tôi nghĩ là ở vùng đấy có loại rùa to thế thì Lê Lợi đã đem rùa từ quê mình ra hồ Lục Thuỷ để dệt lên truyền thuyết Hoàn Kiếm đã tồn tại gần 600 năm nay.

PV: Hiện nay, cụ Rùa đang đứng trước nhiều nguy cơ bị xâm hại từ phía môi trường bị ô nhiễm, ý thức của con người chưa cao đối với việc bảo vệ nguồn nước… Theo ông, biện pháp nào tốt nhất để bảo vệ cụ Rùa?

PGS, TS Hà Đình Đức: Trong sách đỏ Việt Nam không có tên cụ Rùa. Nếu như xảy ra sự cố gì đối với cụ Rùa thì không xử lý được việc gì vì cụ Rùa không nằm trong danh sách các loài động, thực vật cần được bảo vệ.

Nhiều nhà nghiên cứu đang trình lên Nhà nước, UBND TP Hà Nội để đưa rùa Hồ Gươm vào sách đỏ hoặc ban hành quyết định hay thông báo để bảo vệ cụ Rùa. Theo tôi, Chính phủ phải ra một văn bản để bảo vệ cụ Rùa và coi Rùa Hồ Gơm như di sản, cổ vật, báu vật của quốc gia, là linh hồn của Hồ Gươm, gần như là sứ giả của thế kỷ XV. Mỗi khi cụ Rùa nổi là người ta nhớ tới truyền thuyết lịch sử chống giặc ngoại xâm oai hùng của dân tộc. Vì vậy, việc bảo vệ cụ Rùa phải là trách nhiệm của toàn xã hội.

PV: Thưa ông, có phải là mỗi khi cụ Rùa Hồ Gươm rất ít khi xuất hiện và mỗi lần xuất hiện thường gắn với một sự kiện trọng đại nào đó của quốc gia?

PGS, TS Hà Đình Đức: Tôi theo dõi cụ Rùa nổi lên mặt nước từ năm 1991. Trước đây, tôi không để ý lắm nhưng sau này thấy, một số lần cụ Rùa nổi lên là trùng với các sự kiện của đất nước và thành phố. Tôi chỉ nêu lên một vài ví dụ như ngày 27/9/2000, khánh thành khu tưởng niệm vua Lê, cụ Rùa nổi lên gối đầu trên đảo Ngọc từ 8h20 đến 10h20. Vào dịp Đại hội Đảng lần thứ X, nước ta vào APEC, gia nhập WTO, ngày 10/10/2009 nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Thủ đô và 999 năm Thăng long-Hà Nội thì cụ Rùa lại nổi lên. Gần đây nhất, giỗ vua Lê (22/8 âm lịch), 1/10 khai mạc Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội thì cụ Rùa cũng nổi lên và hàng nghìn người được chứng kiến cụ Rùa nổi.

PV: Sự hiện diện của cụ Rùa trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội đã làm tăng thêm không khí náo nức linh thiêng, bởi cụ Rùa chính là hiện thân của một huyền thoại đẹp - huyền thoại Hồ Gươm. Đây có phải là tín hiệu mừng không thưa ông?

PGS, TS Hà Đình Đức: Mừng thì cũng không biết được, chỉ biết rằng, cụ Rùa nổi lên trên mặt nước là điềm lành. Nhiều người quan niệm, được trông thấy cụ Rùa nổi là điều may mắn. Bà Carmella Marine, phu nhân của Đại sứ Mỹ Michael Marine có nói khi sang Việt Nam, bà đã học được các nết sinh hoạt của người dân Hà Nội. Đó là dạy sớm và ngủ trưa. Bà Marin ở gần Bờ Hồ nên hằng ngày, bà dạy sớm đi tập thể dục và rất may mắn là được hai lần nhìn thấy cụ Rùa nổi. Bà Marin nói rằng: “Theo người dân Hà Nội, gặp cụ Rùa là may mắn. Tôi hai lần nhìn thấy cụ Rùa nổi lên mặt nước thì tôi được hai lần may mắn”.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên