Tổng tập 1.000 năm văn hiến Thăng Long

Trải qua bao thăng trầm, biến cố của thời gian, Hà Nội ngày nay vẫn lưu giữ được hàng nghìn di tích lịch sử văn hóa, cách mạng vô cùng quý giá.  

Đến năm 2010, Thủ đô của chúng ta sẽ tròn 1.000 năm tuổi. Thăng Long – Hà Nội là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi đâu cũng khắc ghi những dấu ấn của ngàn năm văn hiến. Cũng chính từ nơi đây, tinh hoa của dân tộc được kết tinh, hội tụ và lan tỏa, trở thành biểu tượng của nền văn hiến Việt Nam.

Thăng Long – Hà Nội là mảnh đất chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại của đất nước qua các thời kỳ lịch sử, cũng là nơi kết tụ các thành tựu văn hóa của dân tộc. Các thế hệ nối tiếp nhau, những tài năng thuộc mọi lĩnh vực từ mọi miền đất nước đều hội tụ về kinh đô – thủ đô và chính mảnh đất địa linh nhân kiệt “Rồng bay” này đã hun đúc, chắp cánh cho các tài năng nở hoa kết trái.

Trải qua bao thăng trầm, biến cố của thời gian, Hà Nội ngày nay vẫn lưu giữ được hàng nghìn di tích lịch sử văn hóa, cách mạng vô cùng quý giá. Tiêu biểu là Cổ Loa, Thành cổ, Phố cổ, là hàng trăm di tích đình, chùa, miếu, phủ, lộ với biết bao hiện vật đa dạng, tinh xảo chồng xếp trong các tầng văn hóa, phản ánh sinh động một dòng chảy liên tục, rực rỡ hơn 10 thế kỷ. Bên cạnh sự phong phú về văn hóa vật thể, Thăng Long – Hà Nội còn lưu giữ một kho tàng vô giá văn hóa phi vật thể bao gồm các thư tịch Hán Nôm, các tác phẩm, loại hình văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp và dân gian, các nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực, các lễ hội và sinh hoạt văn hóa cộng đồng độc đáo và nhiều loại hình khác.

Điện Kính Thiên

Cùng với việc mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội được bổ sung một kho tàng văn hóa rất phong phú của miền đất xứ Đoài nổi tiếng. Với mong muốn đóng góp cho Thủ đô Hà Nội một món quà hướng tới ngày đại lễ, trong 7 năm qua, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin và Thời báo Kinh tế Việt Nam đã tiến hành tổ chức biên soạn bộ “Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long”. Bộ sách này là kết quả lao động tâm huyết của tập thể đông đảo giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo, nhà giáo… thuộc nhiều lĩnh vực, đúc rút từ tinh hoa của hơn 1.600 bộ sách (tên sách) Hán, Anh, Pháp, Việt và hơn 20.000 bài báo, tạp chí từ 1.000 năm qua viết về Thăng Long – Hà Nội. Đồng thời còn có sự đóng góp công sức to lớn của các cơ quan, đơn vị, bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và Hà Nội.

Với 4 tập sách, dày 12.000 trang, hơn 5.000 tranh, ảnh, trọng lượng gần 25 kg, Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long thực sự là một công trình đồ sộ, thật trân trọng và cảm kích. Sự đồ sộ ở đây không chỉ về quy mô, hình thức mà đặc biệt là công sức, tấm lòng của hội đồng biên soạn, của đông đảo tác giả và các cơ quan, cá nhân tham gia thực hiện.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội, tôi xin gửi lời cảm ơn với hội đồng biên soạn, các tác giả, cơ quan, đơn vị, bộ, ban ngành của Trung ương và Hà Nội đã có những đóng góp thiết thực chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long bằng một công trình văn hóa quý giá.

Tôi hoan nghênh và trân trọng cảm ơn Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin, Thời báo Kinh tế Việt Nam là hai cơ quan đã cùng phối hợp tổ chức cho ra đời công trình văn hóa hết sức có ý nghĩa này! Tôi trân trọng cảm ơn Anh hùng lao động, GS Vũ Khiêu – Chủ tịch Hội đồng biên soạn và GS. Đào Nguyên Cát, Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, những người đã thực sự tâm huyết và bỏ nhiều công sức để bộ sách sớm hoàn thành, chào mừng ngày đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên