Trò chuyện với một người yêu Hà Nội

Họa sĩ Vũ Tân Dân bày tỏ mong ước lớn nhất của mình là mong có một ngày được dạo bản “Người Hà Nội” của cố nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi ngay bên chân Tháp Rùa…

Là một nghệ sĩ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, ông rất yêu và gắn bó với nơi này.
Ông tâm sự : “Tôi đã đi khắp nơi trên quả đất này nhưng tôi yêu cái góc nhỏ này nhất. Ngồi đây tôi có thể thấy cuộc sống đang diễn ra ngoài kia và tôi cứ mải miết vẽ. Nhiều lúc tôi chả biết mình đang làm gì, tôi đang làm những việc vô nghĩa, mong sao ghép lại những việc vô nghĩa này lại nó có cái gì đó ý nghĩa….chỉ đơn giản thế thôi..” 

Vài nét về hoạ sỹ Vũ Dân Tân

Sinh năm 1946 tại Hà Nội, Vũ Dân Tân là con trai duy nhất của nhà viết kịch Vũ Đình Long- ông chủ Nhà xuất bản Tân Dân, chủ bút tờ Tiểu thuyết thứ 7 của Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ 20.

Học vẽ tự do, học piano từ chị gái vốn là người chuyên dạy đàn.

Tranh của ông đã từng được mời dự nhiều triển lãm danh tiếng trên thế giới, được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Nga, Queensland Art gallery và Ngân hàng Thế giới...

Các tác phẩm hội họa đặc sắc nhất của ông là những chiếc... mặt nạ. Giới văn nghệ sĩ Hà Nội gọi ông là "Tân mặt nạ"

Hiện đang sống và sáng tác tại Salon Natasa của mình ở 30 phố Hàng Bông-Hà Nội.

* Nghe nói ông đang miệt mài giao hưởng hóa tác phẩm Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, ông có thể cho biết thêm về điều này ?

Họa sĩ Vũ Tân Dân: Đó là bản concerto cho piano với dàn nhạc, lấy chủ đề Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi. “ Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây, đây lắng hồn núi sông ngàn năm…” bản cổ của Nguyễn Đình Thi hay lắm, tôi thấy đầy chất piano. Về hình thức âm nhạc, Người Hà Nội không chỉ là một ca khúc, tôi phát hiện ra rằng nó là bản giao hưởng mà có piano vì Nguyễn Đình Thi viết bài này bằng piano. Khi Nguyễn Đình Thi qua một ngôi nhà hoang, ông thấy có cây đàn piano, ông đã cao hứng sáng tác, xuất thần tạo nên một tác phẩm tuyệt vời . Tôi nhìn thấy ở đấy những yếu tố anh hùng ca, yếu tố trữ tình và rất Hà Nội, thành ra tôi muốn khai thác nó, thể hiện qua cách nhìn của tôi, một con người sống thời đại ngày nay. Bản nhạc ra đời khi tôi mới sinh- năm 1946 và bây giờ thì Nguyễn Đình Thi mất rồi mà tôi vẫn sống, tôi muốn đưa nó về với đúng thực chất của nó là một bản giao hưởng có piano và tôi hy vọng nó sẽ tuyệt đẹp! 

* Ông có ý tưởng sẽ chơi bản Người Hà Nội bên cạnh tháp Rùa, vậy ông đã có chuẩn bị gì cho việc này ?

Họa sĩ Vũ Tân Dân: Biểu diễn bên Tháp Rùa có vẻ là một sự không tưởng. Tuy vậy tất cả những hiện thực, những gì mà có thể hiện thực hoá được chính đều bắt đầu bằng những thứ không tưởng. Việc này còn nhiều cái rất khó, nhưng hình ảnh ấy luôn xuất hiện trong đầu tôi. Không đâu có một cái hồ nằm giữa thành phố, lại có một cái tháp nhỏ giữa hồ và có một bản hùng ca tuyệt vời về Hà Nội. Một vẻ đẹp như thế của Hà Nội! Tôi vẫn nuôi hy vọng về điều đó và đang viết bản nhạc. 

* Ở thành phố Viên bên nước Áo có những nhạc công ngoài đường phố chơi violin cho mọi ngưòi nghe và điều này đã trở thành một nét đặc trưng không thể thiếu của Viên. Nó thể hiện sự lịch lãm, hào hoa và kiểu cách của thành phố này. Ở Hà Nội nếu có những chiếc đàn piano bên hồ Gươm cho mọi người biểu diễn thì sẽ là một ý tưởng hay ?

Họa sĩ Vũ Tân Dân: Tôi luôn luôn nghĩ về chuyện xung quanh hồ sẽ có những cây đàn piano cũ kỹ để đó và bất kỳ

người nào cũng có thể chơi được hoặc ở những giờ nhất định sẽ có người chơi đàn. Khi tôi đi các nước, thấy những người đánh đàn rong, tôi luôn mơ ước Hà Nội có những hình ảnh như thế. Tôi sẵn sáng đánh đàn ở những nơi như thế...  

*Gần đây người ta đã tái hiện một chiếu hát xẩm trong chợ đêm trước của chợ Đồng Xuân. Có vẻ như thế thì phù hợp hơn việc chơi đàn piano ở Hồ Gươm ?.

Họa sĩ Vũ Tân Dân: Thực ra mà nói thì hát xẩm đã có trước từ lâu lắm, nó cũng là phần linh hồn của Hà Nội. Nhưng người ta đã tạo ra piano. Jean Sabatians Bach đã viết những bản bình quân luật cho piano cách đây hơn 300 năm. Piano ra đời và Hà Nội đã có piano. Tôi nghĩ piano sẽ xuất hiện cùng hát xẩm là điều có lý hơn cả. Và sẽ còn nhiều thứ khác nữa vì cuộc sống phát triển không ngừng, ví dụ như Grafity, Hiphop, trường phái nhạc Electronic… Hãy rộng lòng chấp nhận mọi thứ, Hà Nội là thế. Ngày xưa có đền, có đình và lúc nào đó có nhà thờ. “Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân”- đó là một hình ảnh đẹp về Hà Nội. Hà Nội không thể thiếu được tiếng chuông nhà thờ và cả tiếng chuông chùa. Hát xẩm và pianô trên phố là một điều theo tôi, rất Hà Nội.

Hà Nội đã tồn tại 1000 năm, nó có dấu ấn tất cả, từng thời gian, từng khoảnh khắc. Bom đạn dội xuống, căn nhà đổ cùng với tiếng đàn piano vẫn vang lên ("Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ..."- Em ơi Hà Nội phố của nhạc sĩ Phú Quang- LB). Đấy là Hà Nội. Yêu lắm Hà Nội, một mảnh đất thiêng liêng.

* Hà Nội đã thay đổi rất nhiều. Ông có thể kể về những dấu tích, địa điểm nào mà từ khi sinh ra đến giờ ông thấy nó vẫn còn nguyên hoặc chưa bị thay đổi nhiều ?

Họa sĩ Vũ Tân Dân: Nếu bây giờ ta cứ đi quanh hồ Gươm thì thấy thay đổi rất nhiều, có thêm nhiều cái mới. Nhưng nhìn sâu, nhìn kỹ lại thì vẫn như thế. Tôi đi quanh hồ Gươm và vẫn có cảm giác như ngày xưa mặc dù có thể đường đi lát đá sạch sẽ hơn. Dịp Tết vừa rồi tôi đi quanh Hồ Gươm thấy có rất nhiều cái mới, rất nhiều chậu hoa mới, rất

nhiều cây hoa mới, nhưng mà tôi vẫn bảo: trời ơi, vẫn như ngày xưa!. Với cảm nhận của tôi cái mới không làm mất đi vẻ nguyên si. Đi qua một ngôi chùa, đi qua cầu Thê Húc, chạm vào, vẫn cảm giác như ngày xưa, dường như không gì thay đổi. Tôi nghĩ rằng đó là do có một linh hồn Hà Nội, một sức mạnh của Hà Nội.

Tôi nghĩ cuộc đời luôn như thế, không cũ đi, cổ kính nhưng lại luôn như mới. Vì thế bạn có thể đặt một câu hỏi rằng nếu như tôi đặt một cái piano cạnh Tháp Rùa và chơi một bản nhạc về Hà Nội thì mọi người có thích không, và có ủng hộ những ý tưởng đấy không ? Tôi cho rằng đó là một hình ảnh rất đẹp của Hà Nội. 

* “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Ông có thể chia sẻ hiểu biết, quan điểm của ông về nếp sống của người Hà Nội xưa và thời bây giờ ?

Họa sĩ Vũ Tân Dân: Nhớ lại ngày xưa thì đúng là cũng có cái gì đó khác xa. Ngày xưa khi còn nhỏ tôi sống ở phố Hàng Bông này, phố rất vắng vẻ, thỉnh thoảng có vài chiếc xe đạp đi qua, ô tô thì càng ít, xe máy gần như không có, chỉ có người đi bộ, người đi bán rong, so với gìờ thì giờ quá đông!.

Ngày xưa mọi người khi ra đường ăn mặc rất cẩn thận, nền nã, chỉn chu. Ngay cả tôi, một thằng bé con, nhưng mỗi khi đi đâu thì ở nhà chuẩn bị rất cẩn thận từ cái giầy, cái áo cho đến cái mũ. Và tôi nhớ lại cha tôi cũng vậy, ông ăn mặc rất chỉn chu mỗi khi đi ra đường.

Ngày xưa, tôi nhớ, một người chị của bạn tôi ở cùng phố, đi ra đường và mặc một cái áo vẫn mặc ở nhà thôi, về nhà bị bà mẹ mắng mãi rằng: con không được mặc cái áo để mặc trong nhà đi ra đường!. Những người đạp xích lô, bán phở rong, bán bún chả rong, bán hàng rong ăn mặc cũng rất tươm tất, áo có thể vá nhưng sạch sẽ phẳng phiu…

Bây giờ đi ra đường người ta có vẻ dễ dãi hơn. Nhưng theo tôi cũng không sao vì sự phát triển nó là như thế, bây giờ có thể nhộn nhịp hơn, ồn ã, xô bồ hơn. Một thời người ta cấm mặc áo may ô ra đường, thì theo tôi đấy cũng là một hình thức để tìm lại một cái gì đó...

* Có một nhà nghiên cứu về Hà Nội đã ví Hà Nội như một ngôi làng lớn, bởi là một đô thị lớn nơi hội tụ của giới thương gia, lại là nơi hội tụ các làng nghề từ các nơi đổ về, do vậy cũng phần nào bị ảnh hưởng bởi những yếu tố làng xã, ông nghĩ gì về điều này ?

Họa sĩ Vũ Tân Dân: Theo tôi nói thế cũng đúng vì người Hà Nội cũng là người tứ xứ về và mỗi người mang về đây một cái văn minh, tôi cứ tạm gọi là một cái văn minh làng xã của mình. Hà Nội rộng mở đón nhận tất cả. Hà Nội có Ngũ Xã, Hà Nội có Hàng Thiếc, có Lò Rèn, Lò Đúc… có tất cả những thứ mọi người mang về đây, Hà Nội giàu có là vì thế, nếu không thì có lẽ Hà Nội sẽ nghèo nàn hơn rất nhiều.

Và ta nói về làng xã, thì làng xã ngày xưa cũng tươm tất lắm, chỉn chu lắm. Tôi nhớ ngày xưa những người nhà quê ra Hà Nội cũng ăn mặc chỉnh tề, nói năng đĩnh đạc, đàng hoàng và họ có tự hào, kiêu hãnh của làng quê… chứ không phải Hà Nội là hơn hoặc những người làng xã là yếu thế.

Tôi vẫn hay ăn bánh nếp của một cô ở Đan Phượng và tôi bảo đó là sự thanh lịch của một làng quê ngày xưa. Bây giờ người ta ăn cái bánh nếp to tướng, bán vừa đắt tiền, lại không ngon. Nó phải nhỏ bé đúng kiểu ngày xưa, gói từng lớp lá một, lớp trước lớp sau và đấy là sự thanh lịch của làng quê.

Tôi nghĩ rằng đừng nên nói Hà Nội thanh lịch hơn, hào hoa hơn (nơi khác) mà nên nghĩ rằng chúng ta có cái thanh lịch hào hoa đấy cũng bởi vì các làng quê ngày xưa cũng có thanh lịch hào hoa, họ mang ra đây và nó trờ thành Hà Nội mà thôi, chứ không phải chỉ Hà Nội mới có.

Nếu không có cái bánh nếp ấy thì có lẽ mình cũng nghĩ nhà quê là thô kệch, “chém to kho mặn”. Nhưng không phải vậy, cứ ăn thử một cái bánh nếp nhà quê mà ngày nay người ta vẫn làm như ngày xưa, từ cái lá cho đến cái lạt buộc thì các bạn sẽ thấy đấy là một sự thanh lịch mà chúng ta phải tôn trọng, phải biết nó là nguồn gốc của sự thanh lịch Hà Nội.

* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên