Kết thúc giải bắn súng vô địch Đông Nam Á 2008

Hết hội lại... nghỉ dài

Đã là VĐV chuyên nghiệp, chẳng ai muốn phải tập “chay” nhưng đa phần các xạ thủ ở đội tuyển bắn súng quốc gia sẽ chỉ tập “chay” từ nay cho tới hết năm. Đơn giản chỉ vì… hết đạn.

Lên tuyển một năm, bắn đạn thật một tháng
Đó là điệp khúc quen thuộc của dân bắn súng ở Trung tâm HLTTQG 1 (Nhổn-Hà Nội). Lý do chính, thiếu kinh phí nên số đạn chuyển về các đội tuyển ít nên VĐV phải bắn cầm chừng. Có xạ thủ lên tuyển hai năm nhưng HLV tổng kết thời gian bắn đạn thật chỉ kéo dài trong hai tháng. Thời gian còn lại, xạ thủ chủ yếu luyện thể lực. Thế mới có chuyện, các nữ xạ thủ ở Nhổn cực khoẻ. Sáng dậy chạy “súc miệng” ba vòng quanh Trung tâm, mỗi vòng 800m; chống đẩy ba lượt, mỗi lượt ba mươi cái.

Tình trạng thiếu đạn là căn bệnh kinh niên của các đội. Đơn cử như đội tuyển bắn đĩa bay nội dung Skeet (còn một nội dung nữa là Trap), theo tính toán của HLV Lã Kiều Phong thì: “Một năm, sáu thành viên trong đội Skeet cần 30.000 viên đạn nhưng chỉ được cấp 5.000 viên. Riêng giải vô địch bắn súng Đông Nam á (SEASA) 2008, đã tốn 600 viên bắn dự thi. Thành ra đội chỉ bắn dè xẻn 4.400 viên trong cả năm, thực chất là chưa đến một tháng”.

Tôi hỏi vui: “Hết đạn chắc anh lại cho quân luyện món thể lực cho đỡ buồn?”. HLV Kiều Phong thẳng thắn thừa nhận: “Kết thúc SEASA 2008 đội hết đạn luôn, sẽ phải tập “chay” đến hết năm nay. 2009 là năm có SEA Games 25 nhưng chừng nào đạn về thì... còn phải chờ trên quyết”.

Chậm trễ trong khâu xã hội hoá
Ba kỳ SEASA liên tiếp, đoàn Việt Nam giành vị trí số 1. Đặc biệt SEASA 2008 đoạt tới 26 HCV, trong khi đoàn xếp thứ hai Indonesia chỉ đoạt 5 HCV. Một khoảng cách diệu vợi. Nhưng chỉ cần bước vào SEA Games, thế thượng phong của bắn súng Việt Nam biến mất. ở SEA Games 24 vừa qua, thành tích của bắn súng Việt Nam chỉ là 7 HCV, xếp sau Thái Lan (11 HCV), Singapore (8 HCV). Lý giải điều này, bà Nguyễn Thị Nhung, HLV trưởng đội tuyển bắn súng quốc gia cho hay: “Bắn súng Việt Nam muốn có bước tiến vượt bậc cần phải được đầu tư mạnh mẽ hơn nữa”. Lý do này không mới vì bộ môn nào cũng kêu thiếu kinh phí tập huấn, trang bị cơ sở vật chất. Có lẽ, tâm sự của Phó Tổng thư ký Liên đoàn bắn súng Đông Nam á, ông Kyu Chung Hsing xác đáng hơn cả: “Bắn súng Việt Nam chậm trễ trong việc xã hội hoá nên không thu được các khoản tiền từ xã hội để đầu tư ngược lại”.

Nhìn sang Singapore, Malaysia, Thái Lan đều có trường bắn hiện đại, đặt trong khuôn viên khu du lịch, công viên. Đội tuyển bắn súng quốc gia tập luyện theo giờ quy định. Hết giờ mời ra cho dân vào bắn. Tiền đạn, tiền thuê súng thu được, nhà nước, liên đoàn bắn súng lại đầu tư cho cơ sở vật chất, cải thiện đời sống của xạ thủ. Đó mới thực sự là xã hội hoá. Còn ở SEASA 2008, cũng có tới 5, 6 nhà tài trợ cho giải nhưng khi giải kết thúc, chúng tôi được nghe các HLV than phiền: “Tiền tài trợ chủ yếu chỉ đến tay ban tổ chức, còn ở dưới, xạ thủ có được hưởng mấy đâu”, nghe thật buồn lòng. Không lẽ đoàn Việt Nam đoạt được nhiều huy chương cũng là cách cải thiện đời sống cho tuyển thủ (vì HCV được thưởng cả thảy 30 triệu đồng). Nếu đúng vậy thì quả là chuyện buồn hơn vui cho bắn súng nước nhà./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên