Vì sao đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường?

VOV.VN - Bộ Tài chính và Bộ Y tế đề xuất bổ sung đồ uống có đường vào nhóm mặt hàng phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đề xuất này có trong dự thảo Tờ trình báo cáo Chính phủ về xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi.

Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường sẽ giúp giảm tiêu dùng sản phẩm không lành mạnh, từ đó giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong do các bệnh liên quan đến tiêu dùng các sản phẩm này gây ra, đồng thời giúp gia tăng ngân sách thông qua thuế. Tuy nhiên, cùng có ý kiến cho rằng, chính sách thuế này nếu được áp dụng sẽ kéo theo hàng loạt tác động không chỉ với các doanh nghiệp nước giải khát mà còn ảnh hưởng tới các đơn vị sản xuất bao bì, mía đường, vận chuyển và bán lẻ.

Nước ngọt có ga là thứ đồ uống dường như không thể thiếu của gia đình chị Nguyễn Thuỳ Dung ở Đống Đa, Hà Nội. Từ nhỏ, 2 con của chị đã thường xuyên sử dụng thức uống khoái khẩu này, do vậy gia đình chị Dung không khỏi băn khoăn trước đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.  

“Nếu mà áp thuế cao đối với nước ngọt thì giá của sản phẩm tăng lên, ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của người tiêu dùng chúng tôi” - chị Nguyễn Thuỳ Dung nói.

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt, giá nước ngọt có ga sẽ tăng lên, nhưng anh Nguyễn Trọng Dự ở Gia Lâm, Hà Nội lại coi đây là cơ hội để gia đình thực hiện mục tiêu giảm cân. Anh Dự cho biết, vợ chồng anh đang thực hiện chế độ ăn ít đường để cải thiện tình trạng thừa cân, đồng thời cũng muốn 2 con hạn chế sử dụng đồ uống có đường để không rơi vào tình trạng béo phì có thể xảy ra.

“Tôi cũng đã được tiếp cận với thông tin về tác hại của việc sử dụng quá nhiều đồ uống có đường có thể dẫn tới thừa cân, béo phì và nhiều bệnh tật khác. Tôi thấy ở các nước phát triển họ thực hiện chính sách này rồi” - anh Nguyễn Trọng Dự nói.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mức tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam tăng rất nhanh trong những năm qua, mức tăng trung bình gần 20%/năm. Hiện nay mỗi người Việt Nam tiêu thụ hơn 46g đường một ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50g/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Bà Vũ Thị Minh Hạnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế, cho biết ngoài béo phì, tiểu đường tuýp 2, tim mạch, bệnh gout… sử dụng nhiều đồ uống có đường còn có thể gây hại lâu dài, đặc biệt là ở trẻ em.

"Ở Việt Nam, vấn đề sử dụng đồ uống có đường trong nhóm thiếu niên, nhóm vị thành niên, gia tăng, thiếu kiểm soát như hiện nay thì chúng ta cũng tiên lượng là khoảng 5-10-15 năm nữa chúng ta sẽ có một thế hệ thanh niên trong tình trạng thừa cân béo phì với gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm, tim mạch, tiểu đường… và sẽ dẫn đến tình trạng gánh nặng bệnh tật và kèm theo đó là chi phí cho hệ thống y tế sẽ phải gánh chịu rất nặng nề" - bà Vũ Thị Minh Hạnh nói.

Theo ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, hiện nay đã có hơn 100 nước và vùng lãnh thổ áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường và việc này đã mang lại hiệu quả. Thực tế, tại Thái Lan cho thấy, 2 năm sau khi thực hiện đánh thuế đồ uống có đường, lượng tiêu thụ trung bình hàng ngày giảm 2,8% trong đó tiêu thụ đồ uống có ga giảm nhiều nhất, với mức tiêu thụ trung bình hàng ngày giảm 17,7%.

“Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo mạnh mẽ về việc cần giảm dung nạp lượng đường tự do mỗi ngày với cả người lớn và trẻ em xuống mức dưới 10% tổng năng lượng nạp vào và sẽ có lợi hơn cho sức khỏe nếu giảm xuống dưới 5% (tương đương 25 gram hoặc 6 muỗng cà phê). WHO cũng khuyến cáo áp thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức 20% để điều chỉnh hành vi của người dùng, qua đó giảm thiểu tác hại của đồ uống có đường, đánh vào lượng đường trong sản phẩm…” - ông Nguyễn Tuấn Lâm nói.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến trái chiều, khi một số quốc gia khác sau một thời gian áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường thì tỷ lệ thừa cân béo phì không những không giảm mà còn tăng. Chẳng hạn như ở Chile, ở giai đoạn 2009-2010, tỉ lệ béo phì ở nam và nữ lần lượt là 19,2% và 30,7%. Sau khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm 2014 thì đến giai đoạn 2016-2017, tỉ lệ béo phì ở cả nam và nữ đều tăng lần lượt là 30,3% và 38,4%. Hoặc ở một số nước, chính sách thuế này không có tác động đáng kể đến việc cải thiện sức khoẻ cộng đồng.

Từ thực tế này, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu-Bia-Nước giải khát Việt Nam cho rằng, áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường trong giai đoạn này là chưa phù hợp.

“Tôi cho rằng nước ta vừa mới ra khỏi danh sách các nước thu nhập thấp, tỷ lệ thừa cân béo phì chưa nhiều. Trong khi đó, hiện nay, các doanh nghiệp chỉ mới phục hồi sau đại dịch nhưng cùng lúc chịu sức ép trách nhiệm tài chính từ các chính sách khác, như thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2024. Nếu cải cách các loại thuế không phù hợp sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi của doanh nghiệp và mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ” - ông Nguyễn Văn Việt nêu ý kiến.

Hiện đề xuất về việc bổ sung đồ uống có đường vào danh mục chịu thuế tiêu thu đặc biệt, đang được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Tuy nhiên, trước đó tổng hợp ý kiến các Bộ, ngành, địa phương đóng góp ý kiến, có 74 ý kiến nhất trí bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và 26 ý kiến khác.

Bên cạnh quan điểm của số đông là xây dựng chính sách phải có tầm nhìn xa, thuế tiêu thụ đặc biệt là biện pháp hữu hiệu để giảm lượng tiêu thụ đồ uống có đường, qua đó góp phần giảm các bệnh béo phì, tim mạch, thì cũng có ý kiến cho rằng cần đưa ra những căn cứ khoa học xác đáng hơn hoặc cần cân nhắc thời điểm áp dụng chính sách thuế này. Vấn đề này sẽ được Quốc hội và Chính phủ tiếp tục tổ chức thảo luận và đưa ra quyết định phù hợp với tình hình thực tế ở nước ta.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường: Thế giới thực hiện ra sao?
Thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường: Thế giới thực hiện ra sao?

VOV.VN - Tại nhiều quốc gia đã áp dụng thuế cho thấy không đạt hiệu quả trong việc làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì hay điều chỉnh hành vi người tiêu dùng, trái lại còn lại mang đến các tác động tiêu cực tới nền kinh tế cũng như việc làm.

Thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường: Thế giới thực hiện ra sao?

Thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường: Thế giới thực hiện ra sao?

VOV.VN - Tại nhiều quốc gia đã áp dụng thuế cho thấy không đạt hiệu quả trong việc làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì hay điều chỉnh hành vi người tiêu dùng, trái lại còn lại mang đến các tác động tiêu cực tới nền kinh tế cũng như việc làm.

Cơ chế thuế tiêu thụ đặc biệt nào phù hợp với đồ uống có cồn?
Cơ chế thuế tiêu thụ đặc biệt nào phù hợp với đồ uống có cồn?

VOV.VN - Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong vòng 15 năm qua, rượu, bia đã chịu tác động của 5 lần thay đổi Thuế TTĐB, từ mức 50% (năm 2015) lên 55% (năm 2016) và sau đó lên 65% (năm 2018).

Cơ chế thuế tiêu thụ đặc biệt nào phù hợp với đồ uống có cồn?

Cơ chế thuế tiêu thụ đặc biệt nào phù hợp với đồ uống có cồn?

VOV.VN - Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong vòng 15 năm qua, rượu, bia đã chịu tác động của 5 lần thay đổi Thuế TTĐB, từ mức 50% (năm 2015) lên 55% (năm 2016) và sau đó lên 65% (năm 2018).

Có nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với game online?
Có nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với game online?

VOV.VN - Trong khi game online tại Việt Nam đang là thị trường màu mỡ trong mắt các DN nước ngoài, nếu để ngành công nghiệp game ở Việt Nam suy yếu thậm chí sụp đổ bởi các chính sách thuế sẽ là một điều rất đáng tiếc.

Có nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với game online?

Có nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với game online?

VOV.VN - Trong khi game online tại Việt Nam đang là thị trường màu mỡ trong mắt các DN nước ngoài, nếu để ngành công nghiệp game ở Việt Nam suy yếu thậm chí sụp đổ bởi các chính sách thuế sẽ là một điều rất đáng tiếc.