Chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp - then chốt trong khởi nghiệp
VOV.VN - Hiện cả nước có khoảng trên 5 triệu hộ kinh doanh phi chính thức và chính thức nhưng các hộ này chưa phải là doanh nghiệp.
Năm 2016 vừa qua đang được xem là mốc son cho tinh thần khởi nghiệp. Con số hơn 110.000 doanh nghiệp được thành lập với chất lượng cao đã khẳng định rõ điều đó. Thực tế này đang tạo đà thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020.
Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về nội dung này.
Chú thích ảnh |
PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tinh thần khởi nghiệp trong năm 2016 vừa qua, đặc biệt là sự góp mặt của các bạn trẻ lần đầu tiên tham gia thương trường?
Ông Vũ Tiến Lộc: Có thể nói năm 2016 vừa qua là năm của tinh thần khởi nghiệp, cũng như tinh thần khởi nghiệp đã được khơi dậy từ Nghị quyết Đại hội lần thứ 12 của Đảng, cũng như Nghị quyết 35 về phát triển doanh nghiệp và từ động thái rất tích cực của Chính phủ mới. Một Chính phủ coi nhiệm vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm. Một Chính phủ được thiết kế theo Chính phủ kiến tạo.
Năm 2016 đã đi vào lịch sử như là năm đầu tiên đất nước ta có lượng doanh nghiệp thành lập trong năm vượt qua con số 110.000 doanh nghiệp với chất lượng cao hơn.
Bên cạnh việc khởi sự, thành lập doanh nghiệp để nâng cao nhanh chóng số lượng doanh nghiệp, đóng góp vào tăng trưởng, giải quyết công ăn việc làm, xu hướng quan trọng cũng được nhắc tới là phong trào startup, một phong trào khởi nghiệp dựa trên sự sáng tạo.
Chúng ta rất mừng trong năm qua rất nhiều học sinh, sinh viên đã bắt đầu khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong lĩnh vực doanh nghiệp dựa trên cơ sở sự sáng tạo.
Đã có những điển hình tiên tiến trong những lĩnh vực này. Năm qua, cũng là năm các Chương trình khởi nghiệp của sinh viên, học sinh được hỗ trợ rộng khắp từ các cơ quan Chính phủ, các tổ chức chính trị xã hội và các địa phương.
PV: Vậy để tiếp tục hội nhập với xu thế chung của thế giới, nhìn lại năm 2016 về vấn đề khởi nghiệp chúng ta cần rút ra những bài học gì, thưa ông?
Ông Vũ Tiến Lộc: Trước hết phải nói rằng, để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và thúc đẩy phát triển phong trào khởi nghiệp dựa trên cơ sở sáng tạo, vai trò của môi trường kinh doanh, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng rất quan trọng.
Nhưng so với những chuẩn mực tiên tiến của thế giới của ASEAN vẫn còn khoảng cách khá xa. Bởi vì, nội dung giảng dạy của nhiều trường Đại học, Cao đẳng cũng như dạy nghề, đặc biệt hệ thống dạy nghề còn rất nhiều hạn chế, còn chưa vươn tới được các chuẩn mực quốc tế. Từ đó, các doanh nghiệp rất khó tìm được đội ngũ nhân lực phù hợp với yêu cầu của mình, ít gắn với thực tiễn, tính thực dụng không cao.
Trong khi đó, xã hội cần các kỹ năng một đằng thì lao động lại được các cơ sở đào tạo theo một nẻo. Cho nên việc gấp rút cải cách chất lượng các cơ sở đào tạo để tạo ra nguồn nhân lực có thể đáp ứng được với yêu cầu của doanh nghiệp đang là một yêu cầu hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
Cùng với đó là vấn đề cơ sở hạ tầng cho sự phát triển của các doanh nghiệp cũng đang là một trong những yêu cầu cấp bách đặt ra trong những năm tới. Chỉ khi chúng ta giải quyết được các yêu cầu, những vấn về cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng nhân lực và nâng cấp được cơ sở hạ tầng đạt tới chuẩn mực tiên tiến của ASEAN và thế giới thì lúc đó nó mới có thể làm bệ đỡ cho sự phát triển của doanh nghiệp.
PV: Thưa ông, vấn đề đặt ra đã rõ, vậy cần những giải pháp nào để nâng tầm phong trào khởi nghiệp, hướng tới một triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020?
Ông Vũ Tiến Lộc: Để đạt được số lượng 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020, một mặt chúng ta cần cải thiện môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, cần có một số giải pháp, chương trình cụ thể.
Trong đó, chương trình chuyển đổi các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp phải là chương trình then chốt. Chúng ta đang có khoảng 4 triệu các hộ kinh doanh hoạt động trong khu vực phi chính thức và có trên 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong khu vực chính thức, nhưng họ chưa phải là doanh nghiệp.
Muốn chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp, phải đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với việc thành lập và vận hành doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Cần có các chính sách hỗ trợ về thuế và tín dụng.
Hiện nay, các bộ ngành đang phối hợp với nhau để xây dựng chương trình này. Tôi cho rằng, chương trình chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp sẽ là một chương trình mang tính chất quyết định giúp hoàn thành mục tiêu đạt 1 triệu hộ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020.
Tuy nhiên, việc thay đổi, chuyển đổi các hoạt động của doanh nghiệp là quan trọng nhưng quan trọng hơn phải đảm bảo cho nó hoạt động hiệu quả. Việc cải thiện môi trường kinh doanh và những nỗ lực thúc đẩy sự liên kết của các doanh nghiệp này.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ có thể tồn tại và phát triển trong toàn cầu với điều kiện họ phải liên kết với nhau. Đặc biệt là sự liên kết của các doanh nghiệp nhỏ và vừa với các doanh nghiệp FDI. Để đảm bảo các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có thể tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhà nước cũng cần có những chính sách khuyến khích thúc đẩy sự liên kết này./.
PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!./.