Nam sinh viên với ý tưởng kinh doanh sáng tạo từ xơ dừa

VOV.VN - Từ những mảng xơ dừa thô ráp, nam sinh viên đã tạo nên một sản phẩm có giá trị cao, mang bản sắc văn hóa quê hương.

Với bàn tay khéo léo cùng sự am hiểu về ngành thủ công mỹ nghệ, mới đây, Nguyễn Phúc Sang, sinh viên năm nhất Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM đã khiến nhiều người thích thú khi lần đầu tiên giới thiệu chiếc nón du lịch bằng xơ dừa. Nguyên liệu dễ kiếm, rẻ tiền, sản phẩm thân thiện với môi trường và chi phí sản xuất thấp là những ưu điểm của loại nón độc đáo này.

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống trên 30 năm làm hàng thủ công mỹ nghệ tại tỉnh Bến Tre, từ nhỏ, Nguyễn Phúc Sang đã sớm thể hiện niềm đam mê trong lĩnh vực này.

Mới đây, trong một lần phụ cha mẹ làm xơ dừa ép ly dùng để trồng hoa lan, Sang vô tình làm rơi ly xuống đất. Chiếc ly lật úp khiến Sang liên tưởng đến chiếc nón du lịch rộng vành. Ngay lúc đó, chàng sinh viên năm thứ nhất này đã lên ý tưởng cho một sản phẩm mới lạ, độc đáo, đó là nón xơ dừa.

Sinh viên Nguyễn Phúc Sang giành ngôi quán quân cuộc thi Ý tưởng kinh doanh với chiếc nón xơ dừa độc đáo.
Tại Bến Tre, trước nay xơ dừa là loại phế phẩm mang lại giá trị kinh tế thấp vì chỉ chủ yếu làm chất đốt hoặc xuất khẩu dưới dạng thô. Với dự án này, xơ dừa được xử lý khéo léo để tạo nên sản phẩm tinh tế hứa hẹn mang lại nguồn thu cao, đồng thời góp phần cải thiện môi trường sống cho người dân địa phương.

Từ lúc lên ý tưởng đến khi sản phẩm đầu tiên thành hình, Sang mất khá nhiều thời gian cho việc thiết kế, chọn khuôn và chế tạo hỗn hợp keo kết dính. Theo chàng sinh viên xứ dừa Nguyễn Phúc Sang, việc tìm ra công thức chế tạo keo quyết định sự thành công cho cả quá trình sản xuất.

“Xơ dừa là vật liệu khó kết dính với nhau cho nên quan trọng là phải có công thức keo kết dính nhưng không để xơ dừa bị biến dạng, không gây khó chịu cho người đội. Sau khi nghiên cứu thành công công thức chế tạo keo kết dính, khi ép xơ dừa bảo đảm ngâm nước mấy tiếng đồng hồ mũ vẫn không bị mốc hay hư hại, biến dạng ”, Sang chia sẻ.

Không đơn giản chỉ là tạo ra sản phẩm để kinh doanh, điều Sang muốn hướng đến là quảng bá hình ảnh quê hương với khách du lịch. Chàng sinh viên năng động này đã lên một kế hoạch khá chi tiết nhằm thuyết phục thị trường trong nước, tiến tới xuất khẩu nón ra nước ngoài trong thời gian tới.

Với ý tưởng thú vị và chiến lược kinh doanh sáng tạo, vừa qua, dự án “Nón du lịch làm bằng xơ dừa” của sinh viên Nguyễn Phúc Sang đã giành được ngôi vị quán quân trong cuộc thi “Ý tưởng kinh doanh” do Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP HCM tổ chức.

TS. Nhan Cẩm Trí, Phó trưởng Khoa Quản trị kinh doanh nhà trường, thành viên Ban tổ chức cuộc thi cho rằng, chính việc tận dụng được nguồn nguyên liệu rẻ tiền, thân thiện với môi trường sẽ giúp sản phẩm có tính cạnh tranh cao.

“Loại nón này trên thị trường chưa có cho nên trở thành sản phẩm mới lạ, độc đáo. Sản phẩm của Sang cho thấy chi phí để làm nên một chiếc nón là khả thi nên đây là một dự án hoàn toàn có thể thực hiện được trong thực tiễn”, TS. Nhan Cẩm Trí nêu rõ.

Ngay tại cuộc thi “Ý tưởng kinh doanh”, dự án của Nguyễn Phúc Sang đã nhận được lời mời hỗ trợ từ 4 doanh nghiệp tại TP HCM. Đánh giá cao sự sáng tạo và tính khả thi của dự án, ông Trần Hữu Đoàn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Sin quyết định hỗ trợ cho chàng sinh viên trẻ dưới hình thức tư vấn phát triển dự án và đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm.

“Đề tài này hiện còn khá thô sơ chưa có quy trình sản xuất tiêu chuẩn. Đây chỉ mới là ý tưởng với mẫu sản phẩm ban đầu. Vì vậy, tác giả cần nhận được sự hỗ trợ đầu tư của các doanh nghiệp để làm ra sản phẩm hoàn chỉnh với mẫu mã đẹp hơn và tiến tới phát triển thêm nhiều mẫu mã khác nữa”, ông Đoàn nêu rõ.

Hiện Nguyễn Phúc Sang đang khẩn trương hoàn thiện phần khuôn nón để hiện đại hóa quy trình sản xuất cũng như phát triển thêm nhiều mẫu mã, loại hình sản phẩm mới nhằm sớm đưa sản phẩm ra thị trường. Nam sinh viên này tiếp tục tham gia một cuộc thi khởi nghiệp do TP HCM tổ chức với mong muốn lan tỏa ý tưởng kinh doanh của mình và tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp.

Từ những mảng xơ dừa thô ráp - loại nguyên liệu ít ai quan tâm đến - Sang đã tạo nên một sản phẩm có giá trị cao, mang bản sắc văn hóa quê hương xứ dừa. Tuy còn chặng đường dài phía trước nhưng em luôn tin rằng sản phẩm độc đáo, thân thiện của mình sẽ được người tiêu dùng hào hứng đón nhận./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sinh viên khởi nghiệp: Vốn không phải là quyết định
Sinh viên khởi nghiệp: Vốn không phải là quyết định

VOV.VN - Nguồn lực tạo ra khởi nghiệp thành công không phải là vốn mà chính là nguồn lực phi tài chính khi biết cách tạo nguồn lực từ chính mình.

Sinh viên khởi nghiệp: Vốn không phải là quyết định

Sinh viên khởi nghiệp: Vốn không phải là quyết định

VOV.VN - Nguồn lực tạo ra khởi nghiệp thành công không phải là vốn mà chính là nguồn lực phi tài chính khi biết cách tạo nguồn lực từ chính mình.

Sinh viên dân tộc Mông khởi nghiệp giữa Thủ đô
Sinh viên dân tộc Mông khởi nghiệp giữa Thủ đô

Ý tưởng đưa các sản phẩm nông sản của dân tộc Mông ra Hà Nội để giới thiệu và bán sản phẩm đang mang lại thành công cho các bạn sinh viên.

Sinh viên dân tộc Mông khởi nghiệp giữa Thủ đô

Sinh viên dân tộc Mông khởi nghiệp giữa Thủ đô

Ý tưởng đưa các sản phẩm nông sản của dân tộc Mông ra Hà Nội để giới thiệu và bán sản phẩm đang mang lại thành công cho các bạn sinh viên.

Sinh viên khởi nghiệp 2017: Chia sẻ kinh nghiệm gọi vốn đầu tư
Sinh viên khởi nghiệp 2017: Chia sẻ kinh nghiệm gọi vốn đầu tư

VOV.VN - 20 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã chia sẻ những kinh nghiệm để đạt được thành công trong kêu gọi nguồn vốn đầu tư với nhiều mức.

Sinh viên khởi nghiệp 2017: Chia sẻ kinh nghiệm gọi vốn đầu tư

Sinh viên khởi nghiệp 2017: Chia sẻ kinh nghiệm gọi vốn đầu tư

VOV.VN - 20 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã chia sẻ những kinh nghiệm để đạt được thành công trong kêu gọi nguồn vốn đầu tư với nhiều mức.