Nhiều rảo cản doanh nghiệp khởi nghiệp

VOV.VN - Thủ tục hành chính cùng các quy định về thuế, khó khăn trong tiếp cận vốn... là những rào cản không nhỏ để các doanh nghiệp bắt tay khởi nghiệp.

Năm 2016 được chọn là Năm quốc gia khởi nghiệp, mục tiêu đến năm 2020, cả nước có một triệu doanh nghiệp hoạt động. Song, thực tế, số doanh nghiệp khởi nghiệp và thành công vẫn còn khá thấp. Thủ tục hành chính, các quy định về thuế, quy định trong cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, khó khăn trong tiếp cận vốn... là những rào cản không nhỏ để các doanh nghiệp bắt tay khởi nghiệp.

Không tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ của ngân hàng nên không có vốn đầu tư công nghệ, cơ sở hạ tầng là một trong những khó khăn của Công ty TNHH Thực phẩm Ngôi sao sáng khi khởi nghiệp. Đây cũng là một trong những khó khăn chung của hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt đối với các bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp, đa phần mới tốt nghiệp đại học hoặc vẫn đang là sinh viên nên luôn gặp nhiều khó khăn để biến ý tưởng của mình trở thành hiện thực.

Cứ khoảng 100 người khởi nghiệp thì có tới 80% đứng trước nguy cơ giải thể trong hai năm đầu hoạt động. (Ảnh minh họa: KT)
Ông Nguyễn Phú Quý, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Ngôi sao sáng cho biết, khó khăn hiện tại lớn nhất của doanh nghiệp là huy động nguồn vốn. Có những nguồn hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, nhưng không biết làm thế nào để tiếp cận được các nguồn vốn đó, có quá nhiều quy trình phức tạp.

Ở Việt Nam, dù số lượng các quỹ nước ngoài, tập đoàn, nhà đầu tư, các hợp đồng đầu tư mạo hiểm gia tăng trong vài năm gần đây, nhưng do sức ép bảo toàn vốn cho nhà đầu tư nên các quỹ đầu tư quốc tế cũng không dám mạo hiểm rót vốn vào mà chỉ đầu tư nhỏ giọt. Không chỉ khó khăn về vốn, những rắc rối về thủ tục hành chính và môi trường đầu tư, cơ chế, chính sách chưa rõ ràng đã khiến không ít doanh nhân trẻ phải ra nước ngoài đăng ký kinh doanh, dù công ty hoạt động tại Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Peacesoft, chính sách của Việt Nam liên tục thay đổi và môi trường kinh doanh, các quy định pháp lý nhiều khi thiếu thống nhất, kém minh bạch nên đặt doanh nghiệp và nhà đầu tư vào nhiều rủi ro.

“Bỏ tiền đầu tư vào doanh nghiệp nhưng nếu ngộ nhỡ nhà nước thay đổi chính sách, hoặc thêm các giấy phép con, có thêm các quy định phức tạp thì có thể qua 1 ngày là doanh nghiệp có thể sụp đổ và phá sản. Đây có thể nói là một trong những khó khăn khó được lường trước nhiều nhất về môi trường kinh doanh”, ông Bình lo ngại.

Theo thống kê, cứ khoảng 100 người khởi nghiệp thì có tới 80% đứng trước nguy cơ giải thể trong hai năm đầu hoạt động. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc thiếu kiến thức về quản trị điều hành doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm 50%), thiếu vốn (chiếm 40%) và thiếu kinh nghiệm thực tế trong môi trường kinh doanh (chiếm 30%).

Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, khởi nghiệp luôn mạo hiểm và rủi ro, trong khi tại Việt Nam, các quỹ đầu tư còn gặp nhiều vướng mắc về pháp lý, chưa kể nếu thất bại thì không có hỗ trợ gì, vì vậy chưa thu hút được nhiều “nhà đầu tư thiên thần”.

“Quỹ đầu tư mạo hiểm là các nguồn vốn để giúp cho chính những doanh nghiệp, cá nhân có những sản phẩm đổi mới sáng tạo nhưng họ không biết thương mại hóa như thế nào. Các quỹ mạo hiểm đấy gồm có quỹ đầu tư thiên thần, quỹ hạt mầm, quỹ huy động đám đông... quỹ này giúp cho sản phẩm đổi mới sáng tạo bắt đầu từ ý tưởng cho đến làm sản phẩm mẫu, kế hoạch kinh doanh, tiếp thị, đến khi ra được thị trường. Đấy là kênh mà hiện chưa có khung khổ pháp lý chính thức để hợp thức hóa mà nguồn vốn ấy trong dân cư của chúng ta rất nhiều”, Thứ trưởng Đông phân tích.

Trước mục tiêu từ nay đến năm 2020, Việt Nam phải đạt ít nhất 1 triệu doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, trở thành quốc gia khởi nghiệp, Thủ đô khởi nghiệp cũng đồng nghĩa với việc giải phóng tối đa tất cả tiềm năng của người dân trong việc phát triển kinh tế, dựa trên việc mỗi người tự tìm lấy lợi thế sở trường của mình với sự hỗ trợ tối đa của Chính phủ.

Song, để đạt được mục tiêu này, Chính phủ và các bộ ngành cần đồng hành cùng doanh nghiệp, coi mình là một nhà ươm tạo ban đầu cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

“Hiện thành phố đang xây dựng các quy chế, quy trình trên tinh thần rút ngắn các thủ tục và thời gian cấp phép. Chấn chỉnh lại toàn bộ tác phong, đặc biệt cách làm việc của cả bộ máy hành chính và đối với từng bộ phận cụ thể nhằm tiến tới thực hiện tất cả các thủ tục hành chính một cửa liên thông. Thành phố sẽ là cầu nối để tạo cho các doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn ngân hàng, để từ đó các cá nhân và các hộ cá thể sẽ đăng ký để trở thành các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả trong tương lai”,  ông Chung chỉ rõ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đăng ký cũng như rút lui khỏi thị trường thuận lợi, đơn giản nhất có thể. Quy định về quỹ đầu tư mạo hiểm cũng sẽ được đưa vào luật này, trong đó, quan điểm của Nhà nước là để thị trường tự quản lý, Nhà nước không can thiệp mà chỉ công nhận hình thức quỹ này trong hệ thống tài chính của Việt Nam.

Còn theo các chuyên gia kinh tế, các Quỹ đầu tư hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp không nên giao nhiều cho cơ quan nhà nước quản lý, mà chủ yếu là để các tổ chức Phi Chính phủ, các tổ chức của cộng đồng quản lý, với các quy chế chặt chẽ để tránh tình trạng lợi ích nhóm thao túng, chi phối. Như vậy, cũng sẽ tránh được lối làm việc hành chính quan liêu không thuận lợi mà còn cản trở doanh nghiệp khởi nghiệp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Kinh nghiệm quý về khởi nghiệp của nữ CEO nổi tiếng nước Mỹ
Kinh nghiệm quý về khởi nghiệp của nữ CEO nổi tiếng nước Mỹ

VOV.VN - Trò chuyện với các bạn trẻ mới khởi nghiệp tại Việt Nam, nữ CEO Mỹ nổi tiếng cho hay, vào thời điểm khó khăn nhất bà đã tìm thấy sức mạnh phi thường.

Kinh nghiệm quý về khởi nghiệp của nữ CEO nổi tiếng nước Mỹ

Kinh nghiệm quý về khởi nghiệp của nữ CEO nổi tiếng nước Mỹ

VOV.VN - Trò chuyện với các bạn trẻ mới khởi nghiệp tại Việt Nam, nữ CEO Mỹ nổi tiếng cho hay, vào thời điểm khó khăn nhất bà đã tìm thấy sức mạnh phi thường.

Cộng đồng khởi nghiệp đã có không gian làm việc chung
Cộng đồng khởi nghiệp đã có không gian làm việc chung

VOV.VN - Với không gian chung, các nhà đầu tư và các thành viên khởi nghiệp có thể giao lưu nghiên cứu, sáng tạo đưa ra những ý tưởng và sản phẩm mới.

Cộng đồng khởi nghiệp đã có không gian làm việc chung

Cộng đồng khởi nghiệp đã có không gian làm việc chung

VOV.VN - Với không gian chung, các nhà đầu tư và các thành viên khởi nghiệp có thể giao lưu nghiên cứu, sáng tạo đưa ra những ý tưởng và sản phẩm mới.

Nữ sinh khởi nghiệp với 3 triệu đồng và son môi tự chế từ gấc
Nữ sinh khởi nghiệp với 3 triệu đồng và son môi tự chế từ gấc

Ý tưởng tạo ra một thỏi son tự chế từ gấc của Vinh Nữ Diệu Mơ nhen nhóm từ những mùa đông lạnh giá trên quê hương cô.

Nữ sinh khởi nghiệp với 3 triệu đồng và son môi tự chế từ gấc

Nữ sinh khởi nghiệp với 3 triệu đồng và son môi tự chế từ gấc

Ý tưởng tạo ra một thỏi son tự chế từ gấc của Vinh Nữ Diệu Mơ nhen nhóm từ những mùa đông lạnh giá trên quê hương cô.