10 năm trồng cao su ở Sơn La: Gỡ nút thắt cho dân bằng cách nào?
VOV.VN - Hiện tỉnh Sơn La có hơn 6.000 hecta cây cao su, tuy nhiên, hiệu quả của loại cây này vẫn đang là câu chuyện cần được nhìn nhận, đánh giá khách quan.
Như đã đề cập ở bài trước, phóng viên VOV đã phản ánh thực tế đời sống khó khăn của nhiều hộ dân Sơn La sau 10 năm góp đất trồng cao su. Và đến thời điểm hiện tại, tỉnh Sơn La có hơn 6.000 hecta cây cao su, trong đó một nửa đã cho mủ, những rừng cao su đã hiện hữu trên nhiều địa phương của tỉnh Sơn La. Thế nhưng, hiệu quả của loại cây này đối với bà con vùng cao Sơn La đang là câu chuyện cần được nhìn nhận, đánh giá khách quan và có giải pháp tháo gỡ. Tương lai của cây cao su trên địa bàn Sơn La thế nào, cuộc sống người dân vùng trồng cao su ra sao?
Theo số liệu Công ty cổ phần cao su Sơn La cung cấp, năm 2018, có 888/1.184 công nhân có mức lương từ 2 triệu đồng trở lên; số còn lại mặc dù có trong danh sách công nhân nhưng không đi làm, do đó không có lương. Con số cho thấy, 1/3 công nhân của công ty không đi làm, đó là một thực trạng cần được nhìn nhận đánh giá khi thực tế nhu cầu việc làm của người dân là rất cao.
Sau 10 năm hiện hữu, nhiều vùng, cây cao su Sơn La đã cho khai thác mủ, nhưng sản lượng mủ thấp |
Toàn tỉnh Sơn La hiện có 7.210 hộ dân góp đất trồng cao su, trong số đó có gần 900 người có thu nhập từ 2 triệu đồng, số còn lại có thu nhập rất thấp. Bà Lò Thị Thân, một hộ dân góp đất trồng cao su tại bản Củ Pe, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn cho biết: “Công ty trả lương ít lắm. Người dân chúng tôi thường phải đi cắm nợ đồ ăn, đồ uống, đồ dùng về, lúc trả thì phải trả cả lãi. Lúc được trả lương, có người không có việc làm thỉ chỉ được trả 200.000 – 300.000/tháng, số tiền này còn chẳng đủ mua gạo để ăn. Vì vậy, ai cũng chán, muốn bỏ cây cao su”.
Những năm đầu trồng cao su, Công ty cổ phần cao su Sơn La có 3.285 công nhân, nhưng đến nay gần 1.300 công nhân nghỉ việc. Lý do công ty đưa ra là do bận làm việc nhà, chuyển làm công việc khác… Thực tế phóng viên trao đổi với những công nhân xin nghỉ việc, họ đều nói: Khi cây cao su khép tán, công việc chăm sóc gần như không có, đồng nghĩa với việc ngày công lao động cũng không, nên thu nhập trong tháng chỉ vài trăm nghìn đồng.
Rừng cao su tại Quỳnh Nhai |
Trao đổi vấn đề này với lãnh đạo huyện Mai Sơn, ông Hà Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn cho biết, trước tình hình đời sống của nhiều hộ còn khó khăn, huyện đã tuyên truyền vận động bà con để yên tâm gắn bó với cây cao su, đồng thời bàn các giải pháp để hỗ trợ giúp đỡ bà con.
“Giải quyết vấn đề này không phải là riêng Công ty cổ phần cao su Sơn La, riêng huyện, xã, hay người dân giải quyết được, mà cần có sự phối hợp, hợp tác để cùng có giải pháp tốt nhất sớm ổn định đời sống cho bà con. Chúng tôi tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền vận động giữ vững an ninh trật tự, giữ vườn cây, vận động nhân dân thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt là cùng các cấp, các ngành quan tâm sớm để giải quyết vấn đề đời sống cho bà con, nhất là công nhân cao su”, ông Hà Văn Bình nói.
Đối với những vùng có điều kiện phát triển kinh tế như Quỳnh Nhai, Mường La…nhờ lòng hồ sông Đà để phát triển nuôi trồng thủy sản, thì bà con góp đất trồng cao su vẫn có thể trang trải cuộc sống. Vậy còn những vùng người dân góp hết đất vào trồng cao su thì họ làm gì để có thu nhập khi những cây cao su chưa cho mủ, hay giá mủ phập phù như hiện nay? Với người nông dân vùng cao, bà con quen với việc thu hoạch hàng năm đều đặn, những diện tích này trước kia trồng ngô, sắn, cây quả… vẫn cho thu đều như thế.
Còn giờ đây 1 thập niên đã trôi qua, 1 thập niên gắn bó với cây cao su nhưng kinh tế vẫn khó khăn, tích lũy không có, trang trải cuộc sống hàng ngày cũng không, vậy làm thế nào để cây cao su mang lại niềm tin, tương lai cho họ, để có thể tiếp tục chờ đợi?
Người trồng cao su Sơn La trao đổi với phóng viên VOV |
Ông Hồ Anh Đức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần cao su Sơn La cho biết, ngoài những năm đầu hỗ trợ vốn cho bà con chăn nuôi bò, trồng cây lương thực ngắn ngày xen khi cao su chưa khép tán, hiện nay, Công ty hỗ trợ thêm cho mỗi nhát cạo mủ đầu tiên 50.000 đồng và đang nghiên cứu đưa cây dược liệu vào trồng dưới tán cao su. Các phương án hỗ trợ khác, công ty đang tính toán; đồng thời đề xuất với Tập đoàn cao su Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan để hỗ trợ bà con.
“Công ty phối hợp với UBND huyện, xã tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân, đồng thời có giải pháp trồng xen hoặc hỗ trợ người dân trong năm đầu tiên khai thác sản lượng chưa cao. Bên cạnh đó, tuyên truyền quyết liệt hơn nữa, trong lúc khó khăn thì công ty cũng đã rất hỗ trợ bà con vùng trồng cao su khó khăn. Rất mong những năm tiếp theo giữa Công ty với Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện phối hợp chặt chẽ để làm sao đời sống bà con được nâng cao hơn”, ông Hồ Anh Đức cho hay.
Trồng cây cao su trên vùng đất Tây Bắc là một chủ trương lớn, có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, là cây đa mục tiêu và bền vững. Tuy nhiên, quá trình triển khai mới thấy nhiều tồn tại, bất cập. Nhiều diện tích cây cao su đã chục năm tuổi chưa có mủ, đời sống nhiều hộ dân gặp khó khăn khi giá mủ cao su giảm sâu, phương án chia sản phẩm cũng chưa có lợi cho người trồng cao su…
Được biết, tỉnh Sơn La đang triển khai việc đánh giá thực trạng phát triển cây cao su, cũng như đời sống bà con vùng trồng cao su để có các giải pháp tháo gỡ những khó khăn hiện tại. Hơn lúc nào hết, sự nhìn nhận, đánh giá khách quan và sớm trợ giúp bà con góp đất trồng cao su là việc làm cần thiết. Có như thế, cây cao su Sơn La mới có thể bám trụ, vươn mình hội nhập cùng với các vùng trồng cao su của các địa phương trong cả nước và đạt được mục tiêu đặt ra về loại cây này trên vùng đất Sơn La, Tây Bắc./.
10 năm trồng cao su, nhiều người dân Sơn La “vỡ mộng” vì thất thu
Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương tổng kết dự án trồng cao su Tây Bắc