100% đại biểu Quốc hội có mặt đồng ý phê chuẩn Hiệp định CPTPP
VOV.VN - Chiều nay, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan với 100% đại biểu có mặt tán thành.
Chiều nay (12/11), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan, với 469/496 đại biểu Quốc hội tham gia tán thành, đạt tỷ lệ 96,70% tổng số đại biểu. Như vậy, tất cả các đại biểu tham gia biểu quyết đều tán thành Nghị quyết này, và cho đến nay đây cũng là Nghị quyết nhận được sự đồng thuận cao nhất tại Nghị trường ở Kỳ họp lần này.
Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết Phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. |
Theo Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và các tổ chức, cơ quan có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các dự án và các văn bản pháp luật khác để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới kịp thời, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP.
Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để bảo đảm tận dụng và phát huy các cơ hội, lợi ích mà Hiệp định CPTPP đem lại; đồng thời xây dựng, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa và xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định CPTPP; thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ nội dung Hiệp định để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân về việc Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP.
Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục phê chuẩn Hiệp định CPTPP và thông báo thời điểm có hiệu lực đối với Việt Nam.
CPTPP được đánh giá là một hiệp định thương mại tự do chất lượng cao và toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay. |
Có ý kiến cho rằng không nên yêu cầu Chính phủ hàng năm báo cáo Quốc hội về việc thực hiện Hiệp định CPTPP. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, theo quy định của Luật Điều ước quốc tế, hàng năm, Chính phủ sẽ có báo cáo chung về tình hình ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, trong đó có nội dung của Hiệp định CPTPP.
Cũng có ý kiến cho rằng, hành vi đòi hối lộ đã được quy định tại điểm g khoản 2 Điều 354 Bộ Luật Hình sự năm 2015 nên không cần đưa vào Phụ lục 3. Tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã tiếp thu và thể hiện trong dự thảo Nghị quyết.
Ông Nguyễn Văn Giàu cũng cho hay, có ý kiến cho rằng dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6 nên đề nghị Chính phủ phối hợp với các cơ quan đề xuất nội luật hóa ngay trong lần sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng lần này.
Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu |
Ngoài ra, có một số ý kiến đóng góp cụ thể về kỹ thuật văn bản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu và thể hiện trong dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP.
Một số ý kiến đề nghị Chính phủ báo cáo rõ mức độ và lộ trình sửa đổi, bổ sung các Luật để phù hợp Hiệp định CPTPP và đề nghị Chính phủ nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn để thực hiện Hiệp định CPTPP.
UBTVQH khẳng định, đối với các Luật đang và sẽ trình Quốc hội như Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Lao động, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật An toàn thực phẩm…, Quốc hội yêu cầu Chính phủ rà soát, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với các cam kết của Hiệp định.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP hay TPP-11) là hiệp định thương mại tự do giữa Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Tiền thân của CPTPP là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn có 12 nước (Mỹ đã rút khỏi hiệp định này).
CPTPP có hiệu lực từ ngày 30/12 sau khi Australia trở thành nước thứ 6 phê chuẩn hiệp định này, sau New Zealand, Canada, Nhật Bản, Mexico và Singapore. CPTPP gồm 11 nước với tổng giá trị GDP khoảng 10.000 tỷ USD, khoảng 13% GDP toàn cầu.