11 cô gái người Dao cùng nhau khởi nghiệp

VOV.VN - 11 cô gái trẻ người Dao ở bản Nặm Dất, xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn đã đứng ra thành lập mô hình Hợp tác xã, biến những sản vật địa phương thành hàng hóa để cùng nhau vươn lên thoát nghèo.

 

"Thủ lĩnh" của HTX Nông nghiệp sạch Tân Sơn là Lý Thị Ba, một cô gái người Dao đầy nghị lực. 18 tuổi lấy chồng, nhưng 20 tuổi, chị Lý Thị Ba vẫn quyết định theo học một lớp Trung cấp Luật với mong muốn tìm ra hướng đi mới cho bản thân.

Năm 2016, khi đó mới 27 tuổi, Lý Thị Ba đã vận động thêm 10 chị em khác trong bản để thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Tân Sơn. 11 cô gái người Dao quyết tâm phải thay đổi cuộc sống của mình trước ánh mắt nghi hoặc, thậm chí cả sự phản đối của người thân.

Chị Lý Thị Ba nhớ lại: “Lúc đầu, tôi không được gia đình ủng hộ đâu, vì quan niệm của đồng bào người Dao vùng cao còn khá khó khăn, nặng nề, nhất là với các ông chồng khá bảo thủ, đó là quan niệm phụ nữ thì không nên ra ngoài nhiều, đàn ông thì được thoải mái hơn. Còn trong kinh tế thì đàn ông sẽ làm chủ, phụ nữ thường không có quyền gì về quản lý tài chính…”.

Khi mới khởi nghiệp, Lý Thị Ba cùng với những thanh niên khác góp vốn, vay mượn được 500 triệu đồng để thực hiện mô hình HTX theo kiểu tổng hợp, trồng, mua bán, trao đổi các sản phẩm bản địa như gừng, rau sạch, bí xanh, lúa nếp nương và chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên, thiếu những mặt hàng chủ lực khiến việc kinh doanh chưa thực sự hiệu quả. Thậm chí một số dự án trồng rau sạch đã thất bại khi không được người dân hưởng ứng.

Nhận thấy sản phẩm gạo nếp nương của đồng bào Dao ở Tân Sơn được ưa chuộng, lại có thể tạo được sự khác biệt với hàng trăm sản phẩm khác đang có trên thị trường, HTX đã quyết định tập trung xây dựng sản phẩm này thành mặt hàng chủ lực. Hiện HTX đã mở rộng liên kết với hơn 30 hộ dân, trồng trên diện tích hơn 20ha và xây dựng thành công thương hiệu gạo nếp nương Đâyzang với tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Chị Lý Thị Ba lý giải, “Đâyzang” tiếng Dao là gạo nương vàng, loại gạo có vị thơm đặc trưng vốn chỉ được người Dao trồng ở một số ít khu vực trong xã.

“Sản phẩm gạo nếp Đâyzang trước bà con chỉ trồng sử dụng hoặc làm quà, có một dạo còn bỏ do không có kỹ thuật chăm sóc, trồng ít nên chuột và sâu bệnh phá hại không được thu hoach. Khi HTX thành lập đã chú trọng mẫu mã, bao bì và xây dựng thương hiệu OCOP 3 sao, nhờ đó hiện sản phẩm không đủ cung ứng ra thị trường. Năng suất cũng đã tăng lên nhiều lần do được hướng dẫn kỹ thuật và cách chăm sóc”, chị Lý Thị Ba thông tin thêm.

Vùng đất Tân Sơn chủ yếu là rừng già, núi cao và nhiều nương rẫy bạc màu. Với sự hỗ trợ của tỉnh, HTX đã tiếp tục phát triển sản phẩm Cà gai leo ở dạng nguyên liệu trên quy mô 5 ha. Theo chị Lý Thị Ba, loại dược liệu này dễ trồng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và đặc biệt là thị trường tiêu thụ khá tốt. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX đã đầu tư hệ thống nhà lưới, quạt sấy để phơi giữ, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Hiện nay, lúa nếp nương được cung ứng cho 2 siêu thị ở Hà Nội còn sản phẩm Cà gai leo cũng được một doanh nghiệp ở tỉnh Thái Bình bao tiêu toàn bộ. 

Những buổi họp trao đổi kinh nghiệm, bàn phương án sản xuất thường được triển khai ngay trên nương. Mỗi ý tưởng, dự án mới đều được các chị thống nhất, phân công cụ thể để có thể phù hợp nhất với từng nhóm hộ. HTX được tổ chức khá quy củ khi chia các thành viên theo từng tổ, có tổ trưởng, tổ phó cho từng dự án.

Hiện mỗi năm, HXT có doanh thu từ 1-2 tỉ đồng, số lượng thành viên đã tăng lên 15 người và thực hiện liên kết sản xuất với hàng chục hộ dân của 4 bản trong xã. Nhờ đó, thu nhập, đời sống của nhiều người dân ở Tân Sơn, một trong những xã khó khăn nhất tại huyện Chợ Mới, từng bước được nâng lên với trung bình thu nhập khoảng 5-6 triệu đồng/tháng.

Chị Dương Thị Đào, thành viên của HTX Tân Sơn cho biết: "Vào hợp tác xã trồng cây Cà gai leo tôi có thu nhập ổn định. Ở đây rất khó khăn, không có rừng sản xuất mà bây giờ cấm phá rừng làm nương, rẫy nữa nên bà con toàn phải đi làm thuê ở xa thôi, có hợp tác xã này thì bà con đỡ vất vả”.

Chị Triệu Thị Thư khẳng định giờ chỉ việc trồng các nông sản rồi bán cho chị Ba, trồng bao nhiêu cũng tiêu thụ được hết.

Giám đốc HTX nông nghiệp sạch Tân Sơn Lý Thị Ba cho hay, trong thời gian tới, HTX không dừng lại ở việc bán nguyên liệu thô mà sẽ đầu tư máy móc để chế biến thành các sản phẩm như trà, cao Cà gai leo và nâng cấp sản phẩm gạo nương lên tiêu chuẩn OCOP 4 sao, đồng thời mở rộng thêm quy mô các dự án chăn nuôi gia súc, trồng rau sạch.

Nói về mô hình kinh tế và quyết tâm của những cô gái dân tộc Dao này, chị Ma Thị Mận, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Kạn nói: “Chúng tôi đánh giá rất cao tinh thần quyết tâm khởi nghiệp của những nữ thanh niên dân tộc Dao trong Hợp tác xã. Điều này khẳng định khát vọng vươn lên và vị thế của những nữ thanh niên dân tộc thiểu số. Mặc dù con đường khởi nghiệp phía trước còn khó khăn, nhưng tổ chức đoàn, hội liên hiệp thanh niên tỉnh cũng tin là các bạn ấy sẽ là người dám nghĩ, dám làm, biết phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có để góp phần xứng đáng cho sự phát triển của địa phương”.

Vượt qua định kiến, vượt qua những khó khăn của bước đầu khởi nghiệp, các cô gái trẻ người Dao ở Tân Sơn đã tự thay đổi cuộc sống kinh tế gia đình. Và với những nữ thanh niên này, thành công nhất đó là đã khẳng định được khả năng, vai trò và vị thế của mình trong gia đình cũng như ngoài xã hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhiều thanh niên Đà Nẵng "đổi đời" từ mô hình khởi nghiệp
Nhiều thanh niên Đà Nẵng "đổi đời" từ mô hình khởi nghiệp

VOV.VN - Tại thành phố Đà Nẵng xuất hiện nhiều thanh niên đi đầu trong phong trào khởi nghiệp để phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Nhiều thanh niên Đà Nẵng "đổi đời" từ mô hình khởi nghiệp

Nhiều thanh niên Đà Nẵng "đổi đời" từ mô hình khởi nghiệp

VOV.VN - Tại thành phố Đà Nẵng xuất hiện nhiều thanh niên đi đầu trong phong trào khởi nghiệp để phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Cô gái 9X khởi nghiệp thành công với mô hình món ăn, thức uống “tí hon” làm từ đất sét
Cô gái 9X khởi nghiệp thành công với mô hình món ăn, thức uống “tí hon” làm từ đất sét

VOV.VN - Bằng niềm đam mê sáng tạo, sự tỉ mỉ trong từng sản phẩm, Phạm Thùy Thanh Thảo đã khởi nghiệp thành công với mô hình “tí hon” làm từ đất sét.

Cô gái 9X khởi nghiệp thành công với mô hình món ăn, thức uống “tí hon” làm từ đất sét

Cô gái 9X khởi nghiệp thành công với mô hình món ăn, thức uống “tí hon” làm từ đất sét

VOV.VN - Bằng niềm đam mê sáng tạo, sự tỉ mỉ trong từng sản phẩm, Phạm Thùy Thanh Thảo đã khởi nghiệp thành công với mô hình “tí hon” làm từ đất sét.

Tấm gương khởi nghiệp thành công của cựu chiến binh ở Bắc Kạn
Tấm gương khởi nghiệp thành công của cựu chiến binh ở Bắc Kạn

VOV.VN - Nghị lực cũng như những thành công của cựu chiến binh Trương Văn Phấn cũng là minh chứng cho một điều: Khởi nghiệp không khi nào là muộn!

Tấm gương khởi nghiệp thành công của cựu chiến binh ở Bắc Kạn

Tấm gương khởi nghiệp thành công của cựu chiến binh ở Bắc Kạn

VOV.VN - Nghị lực cũng như những thành công của cựu chiến binh Trương Văn Phấn cũng là minh chứng cho một điều: Khởi nghiệp không khi nào là muộn!