200.000 doanh nghiệp hiện không biết ở đâu: Thật khó lý giải!
VOV.VN - Gần 200.000 doanh nghiệp, 600.000 hộ gia đình, cá nhân đang kinh doanh mà bỗng dưng các cơ quan nhà nước không biết được họ ở đâu nữa?
Thảo luận tại hội trường chiều nay (1/11) về Nghị quyết khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với chủ trương khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, tuy nhiên phải thực sự đối với các đối tượng không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.
200.000 doanh nghiệp đang kinh doanh, không biết ở đâu?
Đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đăk Lăk) nêu băn khoăn: “Trong số 7 nhóm đối tượng được dự kiến cho hưởng chính sách này, tôi còn rất băn khoăn đối với nhóm đối tượng là người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế”.
Đại biểu Ngô Trung Thành, đoàn Đăk Lăk. |
Đại biểu đoàn Đăk Lăk cho rằng trong nền kinh tế thị trường, việc các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh thay đổi địa điểm kinh doanh, địa chỉ liên lạc là điều hết sức bình thường và phổ biến. Luật pháp của Nhà nước ta đã quy định rõ, khi thay đổi địa chỉ liên lạc thì doanh nghiệp phải báo cáo với cơ quan đăng ký kinh doanh.
“Việc các doanh nghiệp khi thay đổi địa chỉ mà không báo cáo là việc làm sai của doanh nghiệp. Nhưng vấn đề đặt ra là khi doanh nghiệp làm sai như vậy, mà cơ quan quản lý nhà nước không làm gì để có thể biết được các doanh nghiệp đó hiện đang hoạt động ở đâu? Còn kinh doanh hay không còn kinh doanh nữa? Nếu quả thật như vậy thì đây là một lỗ hổng quá lớn trong quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, quản lý dân cư”, đại biểu Ngô Trung Thành nêu rõ.
“Tôi thấy khó có thể lý giải thuyết phục được lý do tại sao mà có tới gần 200.000 doanh nghiệp, gần 600.000 hộ gia đình, cá nhân đang kinh doanh mà bỗng dưng các cơ quan nhà nước không biết được họ đang ở đâu nữa? Việc này dẫn đến không chỉ Nhà nước không thu được thuế, gây thất thu cho ngân sách, mà hệ lụy còn gần 800.000 chủ doanh nghiệp đang làm gì? Có vi phạm pháp luật hay không, chúng ta cũng không thể biết được”, ông Thành nhấn mạnh.
Đại biểu đoàn Đăk Lăk cũng đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo làm rõ thêm và có giải pháp như thế nào trong thời gian tới để có thể quản lý được và tránh thất thu thuế từ nhóm đối tượng này.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, đoàn Nghệ An. (Ảnh: Quốc hội). |
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An) cũng nêu sự quan ngại về các nhóm đối tượng được xóa tiền nợ thuế theo Nghị quyết của Quốc hội về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.
Một trong các nhóm đối tượng được xóa tiền nợ thuế theo Nghị quyết là các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức đã và đang nộp hồ sơ xin giải thể, nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và đánh giá tác động của cơ quan soạn thảo cũng dựa trên những trường hợp thực tế đã nộp hồ sơ giải thể phá sản, mà cơ quan thuế đã thống kê.
Theo đại biểu tỉnh Nghệ An, cách diễn đạt trong Nghị quyết có thể phát sinh các trường hợp mà chúng ta chưa lường hết. Đó là trường hợp các doanh nghiệp vẫn đang hoạt động và bị nợ thuế, bao gồm cả các trường hợp có nợ lớn liên quan đến nghĩa vụ tài chính về đất đai. Khi Nghị quyết này được ban hành, các đơn vị này mới làm hồ sơ xin giải thể, hoặc nộp hồ sơ thủ tục phá sản.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền đề nghị Nghị quyết phải quy định rõ hơn về thời điểm để xác định là người nộp thuế đã nộp đơn xin giải thể hoặc phá sản phải là trước khi Nghị quyết này được ban hành, hoặc là trước thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.
“Trong trường hợp quy định thiếu rõ ràng, một số cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức dạng này có thể tận dụng để hợp thức hóa các thủ tục trong khoảng thời gian từ lúc Nghị quyết được ban hành cho đến lúc Nghị quyết có hiệu lực thi hành để trốn nợ”, ông Hiền nêu rõ.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền cũng kiến nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ hơn đối với trường hợp đang nợ nghĩa vụ thuế tài chính liên quan đất đai, do trên thực tế có nhiều trường hợp trốn nợ gốc có thể không lớn nhưng thời gian nợ kéo dài. Ngoài ra, giá đất để làm cơ sở tính nghĩa vụ tài chính của giai đoạn trước rất nhỏ so với giá trị trên thị trường hiện nay.
“Qua nghiên cứu hồ sơ dự thảo Nghị quyết, tôi cho rằng trong báo cáo giải trình đánh giá chưa làm rõ được thực trạng nợ, nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai từ trước đến nay như thế nào. Vì vậy, việc cho phép xóa tiền phạt chậm nộp liên quan đến nghĩa vụ tài chính về đất đai, tôi thấy rằng cần cân nhắc kỹ hơn”, đại biểu đoàn Nghệ An nêu rõ./. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: “Huy động từ thuế, phí có xu hướng giảm dần”
Doanh nghiệp chưa dám chạy hết tốc độ do thiếu hành lang pháp lý