4 tỉnh phía Bắc đối thoại với doanh nghiệp để khơi thông hoạt động xuất, nhập khẩu
VOV.VN - “Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu tại 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên” là chủ đề của Hội nghị đối thoại do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng nay (2/3) tại thành phố Hải Dương.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh liên kết vùng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên đã có sáng kiến “Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông”. Đây là một thỏa thuận quan trọng nhằm tăng cường phối hợp khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của 4 địa phương dọc theo trục đường cao tốc từ Hà Nội – Hải Phòng đến cửa khẩu Móng Cái – Quảng Ninh. Hội nghị đối thoại hôm nay là một hoạt động thiết thực thúc đẩy thực hiện Thỏa thuận “Kết nối kinh tế Trục cao tốc phía Đông” trong năm 2023 với trọng tâm cải thiện môi trường kinh doanh và xúc tiến thương mại.
“Việc doanh nghiệp tham gia tích cực hơn vào hoạt động đối thoại góp ý xây dựng chính sách sẽ góp phần cải thiện các quy định pháp luật gắn với thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như sự phát triển của nền kinh tế. Hội nghị đối thoại hôm nay thúc đẩy tương tác trực tiếp, tăng cường quan hệ hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan chính quyền trong xây dựng, phát triển vận hành các chính sách liên quan sản xuất kinh doanh, xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp”, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp ghi nhận, những năm qua, các bộ ngành rất tích cực cải cách các thủ tục hành chính để thuận lợi hoá thương mại. Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, hệ thống thông quan tự động được đưa vào vận hành, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thông quan… Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại về một số vấn đề kiểm tra chuyên ngành, logicstics… Các đại biểu cũng nhận định, khâu hải quan chỉ chiếm khoảng 30% trong quy trình để thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu, do đó cần sự vào cuộc đồng bộ của các bộ ngành và chính quyền địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp.
“Về phía Hải Dương, chúng tôi cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư và thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu; trường hợp có khó khăn, vướng mắc thuộc trách nhiệm giải quyết của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành chúng tôi cam kết sẽ chỉ đạo giải quyết nhanh nhất”, ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương cam kết.
Để hoạt động thương mại xuyên biên giới thuận lợi và giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu giảm thiểu khó khăn, các doanh nghiệp và các Hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị các bộ, ngành thống nhất hướng dẫn quy định để doanh nghiệp xuất, nhập khẩu thực sự chỉ qua “một cửa”. Đồng thời, cần rút gọn hơn nữa thời gian kiểm tra thông quan, kiểm tra chuyên ngành, xem xét bổ sung các quy định theo các cam kết Hiệp định thương mại tự do FTA.
Lãnh đạo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định, sẽ tiếp tục chủ động tập hợp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để kiến nghị giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng cường quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp với các cơ quan thuế, hải quan, thực hiện các hoạt động đối thoại giúp củng cố mối quan hệ đối tác giữa chính quyền và doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu; tăng cường tiếng nói của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách tạo thuận lợi thương mại trong thời gian tới./.