4.000 tỷ đồng cho đường Mỹ Đình - Bái Đính: Nên hay không?

VOV.VN - "Dự toán tư vấn đưa ra khoảng 4.000 tỷ đồng là số tiền không nhỏ. Các nhà quản lý cần cân nhắc kỹ"

Hồi giữa tháng 7/2013, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có quyết định cho phép lập dự án đầu tư tuyến đường Mỹ Đình (Hà Nội) - Ba Sao (Hà Nam) - Bái Đính (Ninh Bình) (gọi tắt là dự án Mỹ Đình - Bái Đính).

Tuyến đường sẽ đi qua địa phận 4 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Ninh Bình nhằm bổ sung, hỗ trợ mạng lưới giao thông quốc gia theo trục Bắc – Nam, gắn kết phát triển kinh tế xã hội các địa phương, đồng thời là tuyến đường kết nối các điểm du lịch khu vực Bái Đính - Ba Sao - Chùa Hương với Thủ đô Hà Nội.

Nhiều con đường đang đi về một hướng

Mặc dù đến thời điểm này vẫn chưa có quyết định chính thức cho dự án xây dựng tuyến đường Mỹ Đình – Bái Đính, song câu chuyện này đã nhận được những ý kiến khác nhau của nhiều nhà nghiên cứu, các chuyên gia, cán bộ ngành giao thông vận tải… bày tỏ quan điểm về chủ trương mục đích, thời điểm đầu tư cũng như hiệu quả của dự án này mang lại.

Bản đồ dự án tuyến đường Mỹ Đình - Bái Đính.

Ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho rằng, xây dựng thêm đường sẽ tăng cường hạ tầng giao thông, tăng năng lực vận tải, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương. Đây luôn là chủ trương đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của người dân.

Tuy nhiên, ông Thanh cũng phân vân, bởi hiện nay, theo hướng tuyến đường bộ về phía Nam, ngoài tuyến quốc lộ 1A cũ đã có thêm đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đường 1A đoạn Phủ Lý - Ninh Bình cũng đang được mở rộng, đường Hồ Chí Minh… nay lại đầu tư thêm một con đường đồng hướng là điều cần phải xem xét kĩ lưỡng về quy mô đầu tư cũng như thời điểm triển khai.

“Nên cân nhắc thời điểm đầu tư cho phù hợp và phải xem xét đến khả năng, nguồn lực tài chính của đất nước làm cơ sở cho quy mô dự án. Trong khi hiện nay, đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, nối tiếp là đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình vẫn chưa được khai thác hết công suất, giờ lại đầu tư thêm một khoản tiền lớn vào tuyến đường này thì cần phải tính toán kĩ khả năng khai thác, tránh lãng phí”, ông Thanh nói.

Bày tỏ quan điểm về hiệu quả của dự án này, ông Thanh cho biết, trong khi nhiều dự án giao thông khác trên cả nước đang phải thi công dở dang, chậm tiến độ vì thiếu vốn, vì thế nên tập trung nguồn lực, khả năng tài chính vào các công trình đã khởi công và đang thi công, rút ngắn thời gian hoàn thành tạo nên hiệu quả cao hơn, tránh đầu tư dàn trải khiến đất nước trở thành "đại công trường" bộn bề với công trình, dự án nào cũng dở dang sẽ làm giảm hiệu quả đầu tư và gây lãng phí.

“Đầu tư xây dựng tuyến đường này ở thời điểm hiện tại đã đúng lúc chưa thì các cơ quan chức năng cần phải xem xét. Với dự toán tư vấn đưa ra khoảng 4.000 tỷ đồng là số tiền không nhỏ. Trong khi cả tuyến quốc lộ 1A đang đồng loạt mở rộng cùng nhiều dự án khác, cứ xây dựng dự án rồi lại đi chạy tiền, chắp vá là điều các nhà quản lý cần cân nhắc”, ông Thanh bày tỏ.

TS. Nguyễn Văn Thụ, Giảng viên ngành Quy hoạch và Quản lý Giao thông đô thị thuộc trường Đại học GTVT Hà Nội cũng phân tích, nếu kêu gọi được nguồn lực đầu tư, tài trợ hoặc xã hội hóa để xây dựng tuyến đường này là điều nên làm. Nhưng ông cũng cho rằng, nếu chỉ tính việc triển khai dự án trong lúc này bằng nguồn ngân sách nhà nước e rằng sẽ là rất khó khăn. Vì thế chỉ nên đầu tư với quy mô nhỏ hoặc triển khai xây dựng dần từng bước nếu thấy thật sự cấp thiết.

“Tôi chưa thể đánh giá được tác động, mức độ ảnh hưởng cũng như hiệu quả từ dự án này mang lại bởi chưa có dự án chi tiết từ chủ đầu tư. Về mặt chủ trương, mục đích thì khi tăng cường được hạ tầng giao thông sẽ thúc đẩy nhiều ngành kinh tế khác trong đó có du lịch. Tuy vậy, quy mô dự án như thế nào, tiến trình triển khai ra làm sao và thời điểm nào thích hợp là điều cần phải được cân nhắc”. TS. Nguyễn Văn Thụ chia sẻ.

Đến cuối năm 2013 mới lập xong dự án

Từ báo cáo nghiên cứu sơ bộ của đơn vị tư vấn thiết kế (Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT - TEDI) cho thấy, dự án đường Mỹ Đình - Bái Đính sẽ có tổng chiều dài khoảng 91,5 km, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường ô tô cấp II, 4 làn xe, với tốc độ 100 km/h. Tuy nhiên, hiện nay trên tuyến đang có sẵn một số đoạn tuyến đã được triển khai xây dựng theo các dự án khác, đường Mỹ Đình - Bái Đính sẽ kết nối các đoạn tuyến này với nhau. Vì thế, tổng chiều dài toàn tuyến Mỹ Đình - Bái Đính cần phải nghiên cứu chỉ là 52,5 km.

Theo Tổng cục Đường bộ VN (ĐBVN), hiện cơ quan này đang xem xét lựa chọn 1 trong 3 phương án hướng tuyến Mỹ Đình - Bái Đính được tư vấn đề xuất bao gồm: Xây dựng đường theo hướng tuyến ĐT477B; hướng tuyến phía Bắc núi Đồng Quyển (Ninh Bình) và hướng tuyến tránh khu vực bảo tồn, du lịch Vân Long (Ninh Bình) về hướng Tây. Tương ứng với các hướng tuyến này, tổng dự toán cho dự án sẽ vào khoảng 3.400 tỷ đồng; 3.500 tỷ đồng và 4.300 tỷ đồng.

Đánh giá về tiến độ lập phương án hướng tuyến của dự án này, ông  Nguyễn Đức Thắng, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho rằng, dự án đường Mỹ Đình – Bái Đính có quy mô lớn, phức tạp về kỹ thuật đòi hỏi các đơn vị liên quan cần tiếp thu ý kiến của các cơ quan, đơn vị về các vấn đề quy mô, hướng tuyến, lưu lượng xe... Đơn vị tư vấn dự án cần nghiên cứu tính toán phương án phân kỳ đầu tư phù hợp với nguồn lực, nhu cầu đầu tư và đảm bảo hợp lý các yếu tố kỹ thuật.

Tại cuộc họp chuẩn bị cho bước lập dự án với các cơ quan thuộc Bộ GTVT và đại diện UBND các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT  Trương Tấn Viên cũng cơ bản thống nhất với nghiên cứu của đơn vị tư vấn thiết kế và cho rằng, việc xây dựng tuyến đường Mỹ Đình – Bái Đính kết nối các điểm văn hóa là rất cần thiết, tạo những hành trình xuyên suốt, liên kết các điểm du lịch, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch cho toàn vùng.

Qua trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Thắng cho biết, hiện Tổng Cục mới đang lập báo cáo phân kì cho dự án này, qua đó sẽ làm căn cứ để xem xét lập dự án. “Chỉ khi thấy dự án thật sự có tính khả thi, Tổng cục ĐBVN mới tiếp tục xem xét đề xuất triển khai. Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2013, Tổng cục ĐBVN mới có thể hoàn thành xong công tác lập dự án”, ông Thắng cho hay.

Được biết, Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên cũng đã lưu ý chủ đầu tư, tư vấn thiết kế và các đơn vị liên quan về phạm vi nghiên cứu, hướng tuyến, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, phương án kết nối, kinh phí đầu tư của dự án này. Trong đó nêu rõ, các đơn vị cần xác định rõ về điểm đầu, hướng tuyến cho đến điểm cuối dự án.

Theo Thứ trưởng Viên, trước mắt cấp đường đầu tư xây dựng tiêu chuẩn sẽ là 2 làn xe, riêng những đoạn tuyến quan trọng phục vụ phát triển du lịch mới cần thiết kế 4 làn xe, đồng thời tận dụng triệt để những đoạn tuyến đã có, tránh lãng phí đầu tư, tạo hiệu quả công trình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đường Pháp Vân - Cầu Giẽ được nâng cấp lên 6 làn xe
Đường Pháp Vân - Cầu Giẽ được nâng cấp lên 6 làn xe

VOV.VN -Giai đoạn 2 sẽ thi công mở rộng đủ 6 làn xe và Nexco liên doanh với nhà đầu tư trong nước thực hiện dự án.

Đường Pháp Vân - Cầu Giẽ được nâng cấp lên 6 làn xe

Đường Pháp Vân - Cầu Giẽ được nâng cấp lên 6 làn xe

VOV.VN -Giai đoạn 2 sẽ thi công mở rộng đủ 6 làn xe và Nexco liên doanh với nhà đầu tư trong nước thực hiện dự án.

Tắc đường nghiêm trọng tại 2 đầu tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ
Tắc đường nghiêm trọng tại 2 đầu tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ

Hàng ngàn ô tô, xe máy trên tuyến đường này phải xếp hàng chờ thông tuyến đoạn đường tắc kéo dài khoảng 10 kilômét.

Tắc đường nghiêm trọng tại 2 đầu tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ

Tắc đường nghiêm trọng tại 2 đầu tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ

Hàng ngàn ô tô, xe máy trên tuyến đường này phải xếp hàng chờ thông tuyến đoạn đường tắc kéo dài khoảng 10 kilômét.

Nghiên cứu làm đường sắt trên cao Hà Nội – Ninh Bình
Nghiên cứu làm đường sắt trên cao Hà Nội – Ninh Bình

VOV.VN - Thủ tướng giao UBND các địa phương phối hợp với Bộ GTVT bàn về cơ chế vốn cho dự án này.

Nghiên cứu làm đường sắt trên cao Hà Nội – Ninh Bình

Nghiên cứu làm đường sắt trên cao Hà Nội – Ninh Bình

VOV.VN - Thủ tướng giao UBND các địa phương phối hợp với Bộ GTVT bàn về cơ chế vốn cho dự án này.