5 dự án giao thông có nguy cơ bị điều chuyển vốn do chậm giải ngân
Một số dự án đang triển khai tại Hòa Bình, Long An, Quảng Nam, Kon Tum… có thể bị điều chuyển vốn nếu không đạt mức giải ngân 85% kế hoạch vốn sau 3 tháng nữa.
Đây là kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại tại cuộc họp về xử lý các dự án vướng mắc, chậm tiến độ có nguy cơ ảnh hưởng đến kết quả giải ngân năm 2020.
Tư lệnh ngành GTVT cho biết là theo yêu cầu tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ, Bộ GTVT cần giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2020 bao gồm cả kế hoạch năm và kế hoạch kéo dài; trong đó: đến hết tháng 8/2020 phải giải ngân hết vốn kéo dài của năm 2019 và các năm trước, đến hết tháng 11/2020 giải ngân tối thiểu 85% kế hoạch năm 2020.
Tuy nhiên, đối với những dự án do Bộ GTVT chủ quản hoặc được cấp vốn qua Bộ GTVT, mặc dù các địa phương (được giao Chủ đầu tư, đại diện Chủ đầu tư) đã vào cuộc chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhưng đến nay vẫn còn một số vướng mắc chưa được xử lý dứt điểm, nhất là các vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, nguy cơ cao không hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2020. Trường hợp không thể hoàn thành kế hoạch giải ngân dự án theo tiến độ, Bộ GTVT sẽ trao đổi thống nhất với địa phương về việc thực hiện (hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền) điều chuyển kế hoạch vốn đối với từng dự án để đảm bảo việc giải ngân 100% vốn.
Theo đó, đối với Dự án đầu tư xây dựng công trình đường kết nối đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 12B đi Quốc lộ 1, Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo chủ đầu tư và các cơ quan liên quan của địa phương khẩn trương xử lý các vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng; tập trung thi công dứt điểm khối lượng còn lại; đồng thời lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án; báo cáo giải ngân hàng tháng phải có xác nhận của Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chặt chẽ tiến độ giải ngân của từng dự án, mục tiêu hoàn thành và giải ngân hết số vốn đã bố trí chậm nhất trước ngày 31/8/2020.
Trường hợp đến 31/8/2020, chủ đầu tư không giải ngân hết kế hoạch, Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chuyển vốn cho dự án khác.
Đối với Dự án nâng cấp mở rộng tuyến đường nối Quốc lộ 1 đến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và đường ven biển tỉnh Quảng Nam (thuộc đoạn tuyến Quốc lộ 40B), Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam tập trung chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan xử lý dứt điểm các các tồn tại, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc di dời hạ tầng kỹ thuật để sớm bàn giao mặt bằng cho dự án để thi công theo đúng tiến độ yêu cầu.
Tại Dự án này, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA 5 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng; lập kế hoạch giải ngân chi tiết và huy động nhân lực, trang thiết bị triển khai thi công, đảm bảo yêu cầu giải ngân 100% kế hoạch vốn. Trường hợp đến ngày 30/11/2020 Dự án không giải ngân đạt tối thiểu 85% kế hoạch, Bộ GTVT sẽ xem xét việc điều chuyển kế hoạch vốn cho dự án khác.
Đối với Dự án tuyến tránh thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, Bộ trưởng Bộ GTVT thống nhất đề xuất việc kéo dài thời hạn hợp đồng tối đa đến 30/10/2020 và giao Cục Quản lý xây dựng và chất lượng CTGT thường xuyên theo dõi, đôn đốc, trong trường hợp dự án không kịp hoàn thành giải ngân theo tiến độ yêu cầu, báo cáo Bộ điều chuyển vốn cho dự án khác.
Đối với Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên Quốc lộ 24 (có số vốn cần giải ngân từ nay đến cuối năm 2020 của dự án còn khoảng 355 tỷ đồng), Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT Kon Tum phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành, chính quyền địa phương, Hội đồng giải phóng mặt bằng tập trung giải quyết, sớm bàn giao mặt bằng cho dự án; đồng thời chỉ đạo nhà thầu thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ yêu cầu. Bộ trưởng Bộ GTVT giao Cục Quản lý xây dựng và chất lượng CTGT theo dõi chặt chẽ về tiến độ, chất lượng đối với dự án này. Trong trường hợp đến ngày 30/11/2020 dự án không giải ngân đạt tối thiểu 85% kế hoạch, Bộ GTVT sẽ xem xét việc điều chuyển kế hoạch cho dự án khác.
Đối với Dự án mở rộng tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua TP. Tân An, tỉnh Long an, Bộ trưởng Bộ GTVT giao Ban QLDA 7, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng CTGT khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh Long An thống nhất phương án xử lý tồn tại, vướng mắc liên quan đến dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Trường hợp không có giải pháp khả thi, yêu cầu Ban QLDA 7 rà soát, xác định phạm vi dừng dự án, số vốn phải cắt giảm để xem xét điều chuyển cho dự án khác theo quy định.
Được biết, năm 2020 Bộ GTVT giải ngân hơn 39.700 tỷ đồng (hơn 35.900 nghìn tỷ đồng kế hoạch năm 2020 và hơn 37.000 tỷ đồng kế hoạch kéo dài). Tính đến hết tháng 6/2020, Bộ GTVT đã giải ngân được hơn 13.300 tỷ đồng, đạt 33,7% kế hoạch năm, cao hơn kết quả giải ngân bình quân chung của cả nước là 28,9%./.