90% người tiêu dùng không biết đến tổ chức bảo vệ mình
VOV.VN -Mỗi năm, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tiếp nhận khoảng 1.000 vụ khiếu nại của người tiêu dùng
Người tiêu dùng cần liên kết để có giải pháp hiệu quả bảo vệ quyền của mình, đồng thời luật pháp cần tạo điều kiện thực tế cho các tổ chức đại diện người tiêu dùng hoạt động.
Đó là những kiến nghị được đưa ra tại Hội thảo “Quyền của người tiêu dùng Việt Nam: Các vấn đề và giải pháp” do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức nhân ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới 15/3.
Tuy nhiên, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ người tiêu dùng thực hiện việc khiếu nại, vì sợ mất thời gian, do không tin vào những cơ chế khiếu nại, khiếu kiện có sẵn. Đáng chú ý có tới 90% người tham gia khảo sát không biết đến bất kỳ cơ quan, hiệp hội, tổ chức bảo vệ tiêu dùng nào.
Ông Lê Quang Bình - Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường cho biết: “Chúng ta đã có Luật Bảo vệ quyền người tiêu dùng rồi nhưng nhiều người tiêu dùng không biết đến quyền của mình. Có nghĩa là Luật này còn xa xôi và chưa thực sự hữu ích cho họ. Thứ hai là ngay bản thân người tiêu dùng còn không biết và không tin vào cơ chế khiếu nại hoặc khiếu kiện mà mình có thể dựa vào đó để bảo vệ quyền lợi của mình. Tôi nghĩ đây là vấn đề cốt lõi mà cần tập trung giải quyết trong thời gian tới”.
Mỗi năm, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tiếp nhận khoảng 1.000 vụ khiếu nại của người tiêu dùng, tuy nhiên con số này chưa phản ánh được thực trạng thiệt hại của người tiêu dùng, mặc dù các trường hợp khiếu nại mà Hội hỗ trợ giải quyết thành công trên 80%.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho rằng, người tiêu dùng cần ý thức rõ về việc liên kết để tự bảo vệ quyền lợi của mình. Thực tế cho thấy, phong trào tẩy chay của người tiêu dùng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hay sản phẩm dịch vụ kém chất lượng có tác động mạnh hơn cả chế tài xử phạt bởi hậu quả đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm sẽ lớn hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đề xuất, nhà nước cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao sự chủ động của người dân về quyền người tiêu dùng, cơ chế khiếu nại sẵn có; Tăng cường giám sát, xử lý sai phạm của doanh nghiệp; Xây dựng cơ chế tài chính cho các quỹ bảo vệ người tiêu dùng...
Cùng quan điểm này, bà Phạm Quế Anh, Giám đốc Tổ chức Tín thác và đoàn kết vì người tiêu dùng (CUTS) cho rằng cần đơn giản hoá thủ tục khiếu kiện tập thể có đại diện cho các cộng đồng người tiêu dùng chủ động bảo vệ quyền của mình; Tạo điều kiện cho các hội bảo vệ quyền của người tiêu dùng, các tổ chức xã hội khởi kiện với mục đích lợi ích công cộng.
Bà Phạm Quế Anh phân tích: “Cần phải tạo ra hệ thống giải quyết tranh chấp, giải quyết khiếu nại gần với người tiêu dùng nhất. Luật Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam năm 2010 có điều khoản cho phép những hội, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được phép khởi kiện vì lợi ích công cộng. Tuy nhiên để khởi kiện, bảo vệ lợi ích công cộng, đại diện cho nhiều người tiêu dùng thì phải có kinh phí. Ở một số quốc gia trên thế giới, như ở Ấn Độ, họ có quỹ phúc lợi của người tiêu dùng, họ đặt ra để có kinh phí để cho tổ chức như Hội bảo vệ người tiêu dùng có thể hoạt động được”.
Các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng, việc đẩy mạnh hoạt động bảo vệ quyền của người tiêu dùng không chỉ có ý nghĩa xã hội mà còn trực tiếp tác động lên tính hiệu quả, đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp và từ đó đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế lành mạnh, bền vững./.