90% người Việt bị giảm thu nhập vì Covid-19
Phần lớn thu nhập của người Việt mất vì dịch bệnh bùng phát, trong đó gần phân nửa giảm trên 20%, theo khảo sát của Ipsos.
Hãng nghiên cứu thị trường Ipsos cho biết, khoảng 90% người Việt Nam tham gia khảo sát khẳng định thu nhập trở nên tiêu cực vì sự bùng phát của dịch bệnh và các biện pháp giãn cách xã hội. Gần phân nửa trong số đó bị giảm trên 20% thu nhập, chủ yếu tập trung ở nhóm người lao động phổ thông.
Con số này là kết quả từ khảo sát trực tuyến được thực hiện cùng lúc tại 6 quốc gia Đông Nam Á. Mẫu khảo sát ở Việt Nam được chọn ngẫu nhiên từ 500 người, chia làm ba nhóm có thu nhập thấp dưới 7,5 triệu đồng một tháng, thu nhập trung bình trên 7,5 triệu đồng đến 23,5 triệu đồng và thu nhập cao là trên mức này.
"Thông thường các nghiên cứu chúng tôi chọn 100 mẫu và sai số chấp nhận là 10%. Tuy nhiên, quy mô khảo sát này đến 500 mẫu, sai số khoảng 4% nên kết quả đúc rút có thể mang tính đại diện cho xu hướng của người Việt", bà Ngân Lý – Tổng giám đốc Ipsos Việt Nam nói với VnExpress.
Trước đó, số liệu do Tổng cục Thống kê công bố đầu tuần này cho thấy, 31 triệu người Việt bị mất việc hoặc giảm thu nhập vì Covid-19. Trong đó, số người bị giảm thu nhập chiếm tới 57,3%.
Điều này khiến thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý II giảm còn 5,2 triệu đồng (giảm 525.000 đồng so với quý trước và 279.000 đồng so với cùng kỳ), theo cơ quan thống kê quốc gia.
Còn theo Ipsos, thu nhập bị ảnh hưởng khiến thói quen hàng ngày của người Việt Nam thay đổi đáng kể. 17% hộ gia đình thu nhập thấp phải thắt chặt chi tiêu. Các khoản bị cắt giảm nhiều nhất là du lịch, ăn uống, quần áo và thiết bị điện tử. Trong khi ở chiều ngược lại, các sản phẩm chăm sóc cá nhân như sữa dưỡng thể, sữa rửa mặt, kem đánh răng được dành ngân sách nhiều hơn.
Nhiều người tiêu dùng chia sẻ họ đã hạn chế lui tới những khu chợ thực phẩm tươi sống vì lo ngại dịch bệnh lây lan. 30% cũng cắt giảm tần suất mua sắm tại siêu thị, thay vào đó ưu tiên cho các nền tảng thương mại điện tử hoặc dịch vụ thức ăn giao tận nhà. Sự thay đổi này tiếp tục dẫn đến thói quen thanh toán bằng tiền mặt giảm 46% so với giai đoạn trước đại dịch, bù lại bằng các khoản chi qua ví điện tử và internet tăng vọt.
Phần đông người tham gia khảo sát tự tin về triển vọng kinh tế và thu nhập cá nhân trong nửa cuối năm dù bỏ ngỏ khả năng dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn. Gần 67% dự đoán thu nhập cải thiện, trong khi chỉ 12% cho rằng tình hình tài chính có thể xấu hơn.
Việc tiếp nhận những hành vi mua sắm khác nhau, theo Ipsos, có thể trở thành thói quen lâu dài trong tương lai. Người tiêu dùng bắt đầu tìm kiếm sản phẩm một cách cân nhắc hơn, chọn những nhãn hiệu không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu thiết yếu mà còn có thể mua sắm dễ dàng, mang đến cảm giác được quan tâm và đồng cảm.
Sự chuyển đổi đòi hỏi các nhà bán lẻ, doanh nghiệp cung ứng sản phẩm phải nhanh chóng điều chỉnh chiến lược để nắm bắt nhanh thói quen mới này, không những chỉ là nơi mua, mà còn là cách tìm kiếm thông tin đa kênh.
"Doanh nghiệp cần phải thực sự gắn kết tốt hơn với người tiêu dùng, thận trọng trong chiến lược về giá và luôn sẵn sàng có các giải pháp hỗ trợ người tiêu dùng thông qua các kênh phân phối sản phẩm", bà Ngân Lý nhận định./.