Agribank đầu tư cho 22.982 ha tái canh cà phê tại Lâm Đồng

(VOV) -Gói tín dụng 3.000 tỷ đồng phục vụ cho tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vừa được Agribank tổ chức

Dịp này, Agribank đã ký kết hợp đồng tín dụng và cung ứng dịch vụ ngân hàng với các hộ sản xuất, doanh nghiệp vay vốn tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trị giá hơn 204 tỷ đồng.

Gói tín dụng để tái canh cây cà phê trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng là một trong những nội dung mà NHNN cam kết với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2 năm 2013 được tổ chức ngày 12/4/2013 tại tỉnh Gia Lai.

Để thực hiện chương trình này, NHNN đã lựa chọn Agribank là ngân hàng chủ lực để triển khai gói tín dụng này, tổng gói tín dụng giao động khoảng 8- 10 nghìn tỷ đồng thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 và 2016.

NHNN sẽ hỗ trợ Agribank bằng nguồn tái cấp vốn từ 4 đến 5 nghìn tỷ đồng cho cả vùng Tây Nguyên để có thể đưa mức lãi suất cho vay về mức 10 – 10,5%/ năm (thấp hơn mức lãi suất cho vay thương mại trung và dài hạn thông thường là 2%/ năm).

Sản xuất cà phê là một trong năm thế mạnh trong phát triển nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng, chiếm trên 60% giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp và đóng góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế hàng năm của tỉnh Lâm Đồng.

Tổng diện tích cà phê của tỉnh Lâm Đồng năm 2012 đạt 145.735 ha chiếm khoảng 26% về diện tích và 28% về sản lượng cà phê của cả nước. Sản lượng xuất khẩu năm 2012 đạt 78.560 tấn với tổng giá trị xuất khẩu đạt 170,7 triêu USD. Phần lớn diện tích cà phê của Lâm Đồng trong độ tuổi từ 10-15 năm (chiếm 62,3%), còn lại diện tích dưới 10 năm tuổi chỉ có khoảng 20.000 ha (tương ứng 15,4 %).

Theo Kế hoạch thực hiện tái canh, cải tạo giống cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2013-2015, Diện tích thực hiện là 22.982 ha. Tổng kinh phí để thực hiện khoảng 4.428,3 tỷ đồng, trong đó vốn hỗ trợ vay ngân hàng chiếm 70%, vốn đối ứng của người dân chiếm 30%.

Mục tiêu của Kế hoạch này là nhằm tập trung cải tạo, tái canh, trồng mới diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp, bị sâu bệnh nặng bằng các giống cà phê cao sản có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, đồng thời xây dựng vùng cà phê bền vững./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên