Alibaba thách thức pháp luật: Chính quyền địa phương ở đâu?
VOV.VN - Trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước ở đâu khi để Alibaba lộng hành, lừa dối khách hàng trong thời gian dài như vậy?
Cơ quan công an vừa khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Địa ốc Alibaba, đồng thời bắt giam lãnh đạo của công ty này là Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh. Người vi phạm thì sẽ bị cơ quan pháp luật xét xử, tuy nhiên hậu quả của nó rất nghiêm trọng khi có hàng ngàn người đang là bị hại của Alibaba.
Qua vụ việc này vấn đề cần đặt ra đó là, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước ở đâu khi để Alibaba lộng hành, lừa dối khách hàng trong thời gian dài như vậy?
Vụ việc xảy ra tại Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba đã được Công an TPHCM xác định, đó là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, vấn đề dư luận đặt ra, đó là vì sao sự việc tồn tại một cách công khai, dư luận phản ánh nhiều mà đến nay hành vi gian dối đó mới bị vạch mặt. Vậy nếu, cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền ở địa phương nơi Alibaba rao bán dự án “ma” như: Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận vào cuộc sớm hơn thì liệu số người bị hại của Alibaba có lên đến hàng ngàn người?
Sai phạm của Alibaba kéo dài hàng năm trời và thách thức pháp luật. |
Luật sư Trương Thanh Đức- Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO cho rằng, qua thông tin báo chí cho thấy, dấu hiệu vi phạm, dấu hiệu gian lận của Alibaba rất rõ. Trước hiện này chính quyền phải có cảnh báo rõ ràng cho người dân.
“Thấy hiện tượng sai trái như vậy thì cơ quan chức năng cần phải kiểm tra, thanh tra và xử lý kịp thời. Việc này để kéo dài hàng năm trời và thách thức pháp luật. Cơ quan chức năng cần có trách nhiệm hơn, nêu cao vai trò quản lý nhà nước khi để xảy ra sai phạm trên địa bàn của mình”, luật sư Trương Thanh Đức chỉ rõ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hành vi của Công ty Alibaba là lách Luật Đất đai và Luật Kinh doanh Bất động sản bằng cách triển khai khu dân cư, chứ không phải là khu dự án. Họ gom đất nền, đất nông nghiệp và phi nông nghiệp để phân lô, bán nền.
Alibaba đã bỏ qua rất nhiều thủ tục bắt buộc để triển khai dự án, trong đó có thủ tục quan trọng là quyết định giao đất của UBND tỉnh, thành phố khi công bố bán đất nền. Khi đó, cơ quan gần dân nhất là UBND xã, phường đáng lẽ phải giám sát và tham mưu cho UBND quận, huyện, thị xã để kịp thời xử lý, nhưng các đơn vị này không sâu sát, chính vì vậy tạo lỗ hổng để Alibaba vi phạm pháp luật.
Chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân cho rằng, chính quyền địa phương cần rút kinh nghiệm trong giám sát các dự án bất động sản trên địa bàn, tránh tình trạng doanh nghiệp bán xong dự án, rồi cơ quan chức năng mới vào cuộc mới phát hiện dự án có vấn đề thì khi đó, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
“Qua vụ việc này cần rút kinh nghiệm xem trong quy trình đã sai sót khâu nào, như cấp phép, thanh tra, kiểm tra… Thời gian tới, chúng ta nên tăng cường đôn đốc kiểm tra, thấy công ty nào có biểu hiện mua bán bất động sản thì chúng ta kiểm tra, nếu họ thiếu, chưa hoàn thiện thì hướng dẫn, không phải xong hết rồi mới kiểm tra, thanh tra”, ông Nhân khuyến cáo.
Theo các luật sư, để quản lý chặt chẽ việc kinh doanh bất động sản, tránh tình trạng dự án bất động sản “ma”, ngoài việc khách hàng cần tìm hiểu về dự án thì trách nhiệm của chính quyền địa phương là cung cấp đầy đủ thông tin về quy hoạch, tính pháp lý các dự án công khai trên website của UBND quận, huyện hoặc trên các phương tiện truyền thông đại chúng, kể cả trên mạng xã hội... để người dân tiếp cận thông tin dễ hơn.
Đồng thời, về mặt pháp lý thì cũng cần có quy định rõ ràng về việc khi doanh nghiệp công bố bán sản phẩm thì đơn vị nào có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, phát hiện sai phạm, nếu có. Đặc biệt, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng nơi doanh nghiệp có pháp nhân hay tại địa phương có dự án mở bán phải chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát? Và quan trọng nhất là cần quy định chặt chẽ hơn việc tách thửa, nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp gom đất nông nghiệp để tách thửa, phân lô bán nền trái pháp luật.
Luật sư Trần Tấn Tài kiến nghị, cần phải quy trách nhiệm về quản lý đất đai, đô thị tại địa phương, phải định vào luật. Hiện nay, chúng ta có quy định này nhưng chưa nghiêm. “Trách nhiệm của địa phương về quản lý đất đai nếu có trường hợp sử dụng không đúng mục đích như đất nông nghiệp nhưng phân lô, xây dựng trái phép thì phải kiểm tra, ngăn chặn và xử lý. Vụ việc Alibaba xây dựng trái phép về đường nhưng bên quản lý đô thị lại không quản lý”, ông Tài lưu ý.
Để tránh tình trạng tương tự như Alibaba tiếp tục xảy ra trong thời gian tới, trước hết người mua nhà, đất cần tìm hiểu kỹ tính pháp lý của các dự án. Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý, kiểm tra chặt chẽ việc triển khai các dự án trên địa bàn, đặc biệt quy trách nhiệm những người liên quan. Bên cạnh đó, bộ, ngành chức năng cần quy định chặt chẽ hơn trong việc tách thửa, phân lô, bán nền đối với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp./.
Alibaba “tự vẽ” 43 dự án để chiếm đoạt hơn 2.500 tỷ đồng của khách hàng