An Giang tháo gỡ khó khăn, kết nối hỗ trợ nông dân tiêu thụ lúa

VOV.VN - Hiện tỉnh An Giang đang vào giai đoạn cao điểm thu hoạch các sản phẩm nông sản, chăn nuôi…, nhất là lúa Hè - Thu năm 2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên việc thu hoạch, tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn.

Vụ Hè Thu này, huyện Tịnh Biên sản xuất với diện tích gần 17.500 hecta lúa. Hiện đã có khoảng 70% diện tích lúa của địa phương đã được thu hoạch. Theo bà con nông dân, mặc dù địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, nhưng được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp huyện và Chính quyền địa phương, nên việc thu hoạch và vận chuyển lúa khá thuận lợi.

Ông Trần Văn Xuân, Tổ Trưởng Tổ hợp tác sản xuất xã Tân Lập, huyện Tịnh Biên cho biết, vụ lúa Hè Thu này, mặc dù gặp không ít khó khăn do dịch bệnh, tuy nhiên, với sự linh hoạt, tạo điều kiện của ngành Nông nghiệp huyện và Chính quyền xã nên việc sản xuất lúa của Tổ hợp tác có nhiều thuận lợi hơn. Tới thời điểm này, phần lớn diện tích lúa của Tổ hợp tác đã được thu hoạch và tiêu thụ, với năng suất khoảng 6,5 tấn/hecta, giá lúa tươi bán tại ruộng là 5.600 đồng/kg.

“Diễn biến của dịch thì khó khăn, nhưng nhờ Phòng nông nghiệp huyện, Đảng ủy, UBND xã Tân Lập hỗ trợ cho công ty, đơn vị đến thu mua; hỗ trợ giấy tờ cho nhân viên đến bốc vác… Ở đây, Tổ hợp tác chúng tôi cũng đã tạo chỗ ăn, chỗ ở tại chỗ cho nhân viên bốc vác và nhân viên của công ty, không phải đi về để mua lúa cho nông dân. Đến ngày hôm nay, thu mua đã thành công”, ông Trần Văn Xuân cho biết.

Cũng như các địa phương khác trong tỉnh An Giang, những ngày này, bà con nông dân huyện Phú Tân đang thu hoạch rộ lúa nếp của vụ Hè Thu này. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, bà con nông dân thu hoạch lúa luôn phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong suốt quá trình thu hoạch. Theo bà con nông dân, vụ Hè Thu này, mặc dù lúa năng suất tương đối cao, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá lúa hiện nay đã giảm, trong khi đó giá phân bón lại tăng cao ngay từ đầu vụ, nên vụ lúa này không được như kỳ vọng.

“Từ lúc dịch bệnh tới giờ, tính ra thì không có lời. Năng suất thì được 700kg đến 800kg/công (1.000m2), nhưng già thì quá thấp, có 4.100 đồng/kg. Nếu đất ruộng của nhà, thì lỗ khoảng hơn 200.000/công; còn nếu đất đi mướn thì lỗ khoảng hơn 1.000.000 đồng/công”, ông Hồ Văn Tâm, xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân nói.

Giá thu mua lúa hiện nay đang có xu hướng giảm, các giống lúa OM 9582, OM 5451, OM 18 giá giao động từ 4.200 – 5.000 đ/kg; IR 50404 có giá từ 3.800 – 4.200 đồng/kg; nếp có giá từ 4.000 – 4.600 đồng/kg. Một số nông dân cho rằng, giá lúa giảm là do thực hiện giãn cách xã hội, việc lưu thông khó khăn, bên cạnh đó lại bị thương lái ép giá...

Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng đến tiến độ cũng như đầu ra cho các mặt hàng nông sản của tỉnh, trong đó có lúa. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan đã kịp thời tháo gỡ, xử lý các tình huống khó khăn để hỗ trợ nông dân sản xuất và tiêu thụ nông sản được thuận lợi, đảm bảo thông suốt, an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19. 

“Các năm bình thường, giá lúa vụ Hè Thu mà vào chính vụ giá vẫn giảm. Hiện nay, An Giang đang mưa dầm, lúa giảm chất lượng nên giá xuống, mà hàng năm đều như vậy. Riêng năm nay do Covid-19, lại càng khó nữa, giá lúa càng giảm, do chi phí vận chuyển đi lại khó khăn. Có hiện tượng thế này, trước thương lái đặt cọc, nhưng mà tình hình khó nên người ta đề nghị đưa giá xuống, nhưng người dân không chịu bán, vẫn muốn bán giá cao như trước, thì theo nguyên tắc thương lái chấp nhận bỏ cọc. Cho nên, tỉnh An Giang cũng đang cố gắng kết nối với các doanh nghiệp để thu mua, hỗ trợ cho dân, để làm sao cho người dân bán được giá lúa tốt nhất”, ông Trương Kiến Thọ cho biết.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, vụ Hè Thu năm nay, tỉnh An Giang sản xuất gần 230.000 hecta lúa, nếp; trong đó, có hơn 27.600 hecta nếp. Tính đến ngày 3/8, toàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 120.300 hecta, đạt gần 53%; ước năng suất 5,8 tấn/hecta. Dự kiến đến hết tháng 8 này, địa phương sẽ thu hoạch dứt điểm số diện tích lúa, nếp còn lại. Ước tính sản lượng còn khoảng hơn 620.000 tấn lúa, nếp cần tiêu thụ, tập trung ở các huyện Thoại Sơn, Tri Tôn, Châu Phú, Phú Tân,...

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 12 doanh nghiệp, công ty thực hiện thu mua lúa với diện tích khoảng hơn 15.600 hecta, trong đó: Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời thực hiện liên kết gần 12.000 hecta, các doanh nghiệp đang tiếp tục thực hiện liên kết và thu mua lúa.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, trên địa bàn tỉnh cũng đã có nhiều ca nhiễm và tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nên có ảnh hưởng đến việc thu hoạch, tiêu thụ nông sản nói chung và tiêu thụ lúa nói riêng. UBND tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cho việc thu hoạch, thu mua, tiêu thụ nông sản, đặc biệt là lúa Hè Thu không bị ách tắc; tuy nhiên, các hoạt động này phải đảm bảo các quy định về phòng chống dịch.

 “Với tình hình phức tạp như hiện nay, khả năng dịch bệnh Covid-19 sẽ còn kéo dài trong thời gian sắp tới, do đó, UBND tỉnh sẽ tiếp tục duy trì, kiện toàn và nâng chất lượng “Tổ phản ứng nhanh”; có kế hoạch và phương án dự phòng để xử lý các tình huống khó khăn có thể xảy ra trong việc thu hoạch, thu thu mua, tiêu thụ nông sản. Phối hợp nhiều lực lượng trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ bà con thu hoạch lúa; liên kết với các doanh nghiệp lớn để thu mua, tích trữ lúa cho bà con; phát triển mạnh hơn nữa việc kết nối tiêu thụ qua nhiều hình thức, nhất là thương mại điện tử. Tỉnh giao cho Ban chỉ đạo phòng chống Covid của tỉnh, tiến hành rà soát, có kế hoạch tiêm vaccine phòng chống Covid-19 cho các đối tượng có liên quan trong các khâu thu hoạch, thu mua, vận chuyển nông sản”, ông Nguyễn Thanh Bình thông tin.

Hiện nay, tỉnh An Giang đang vào kỳ cao điểm của việc thu hoạch lúa Hè Thu, đây cũng là thời điểm địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Với sự chủ động, linh hoạt, ứng phó kịp thời của các đơn vị có liên quan và các địa phương, tin tưởng rằng việc thu hoạch, vận chuyển, nhất là tiêu thụ lúa của bà con nông dân sẽ diễn ra thuận lợi, giảm bớt khó khăn cho người nông dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đề xuất Chính phủ hỗ trợ mua tạm trữ lúa Hè Thu
Đề xuất Chính phủ hỗ trợ mua tạm trữ lúa Hè Thu

VOV.VN - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông kiến nghị Chính phủ thu mua tạm trữ lúa Hè Thu để nông dân yên tâm cũng như kích cầu sản xuất vụ Thu Đông.

Đề xuất Chính phủ hỗ trợ mua tạm trữ lúa Hè Thu

Đề xuất Chính phủ hỗ trợ mua tạm trữ lúa Hè Thu

VOV.VN - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông kiến nghị Chính phủ thu mua tạm trữ lúa Hè Thu để nông dân yên tâm cũng như kích cầu sản xuất vụ Thu Đông.

Cách làm hay của An Giang hỗ trợ nông dân thu hoạch, tiêu thụ lúa
Cách làm hay của An Giang hỗ trợ nông dân thu hoạch, tiêu thụ lúa

VOV.VN - Tỉnh An Giang đang vào kỳ cao điểm thu hoạch lúa Hè-Thu, cũng là thời điểm địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch. Địa phương đã và đang chủ động, tạo điều kiện thuận lợi nhất để vụ lúa thứ 2 trong năm đạt hiệu quả tích cực.

Cách làm hay của An Giang hỗ trợ nông dân thu hoạch, tiêu thụ lúa

Cách làm hay của An Giang hỗ trợ nông dân thu hoạch, tiêu thụ lúa

VOV.VN - Tỉnh An Giang đang vào kỳ cao điểm thu hoạch lúa Hè-Thu, cũng là thời điểm địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch. Địa phương đã và đang chủ động, tạo điều kiện thuận lợi nhất để vụ lúa thứ 2 trong năm đạt hiệu quả tích cực.

Nguồn cung lúa gạo vùng ĐBSCL vẫn dồi dào
Nguồn cung lúa gạo vùng ĐBSCL vẫn dồi dào

VOV.VN - Dù dịch bệnh chưa lắng dịu, nhưng nguồn lúa gạo vùng ĐBSCL vẫn đảm bảo cho nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Nguồn cung lúa gạo vùng ĐBSCL vẫn dồi dào

Nguồn cung lúa gạo vùng ĐBSCL vẫn dồi dào

VOV.VN - Dù dịch bệnh chưa lắng dịu, nhưng nguồn lúa gạo vùng ĐBSCL vẫn đảm bảo cho nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.