Ảnh hưởng đại dịch Covid-19 đòi hỏi DN phải biến “nguy” thành “cơ”

VOV.VN - Đại dịch Covid-19 ngày càng diễn biến khó lường, ảnh hưởng đến sự phát triển của nhiều lĩnh vực, ngành nghề và hoạt động của doanh nghiệp cả nước.

Theo số liệu thống kê, trong Quý I/2020, có gần 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm  2019. Trung bình mỗi tháng có trên 11.600 doanh nghiệp không còn tham gia thị trường. Tuy nhiên, trong bức tranh chung đó, không ít doanh nghiệp đang tiếp tục trụ lại và phát triển nhờ đẩy mạnh tái cấu trúc, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng sản phẩm, chủ động và sáng tạo trong khai thác thị trường...

Tập đoàn Amaccao có 21 đơn vị thành viên với đa dạng các ngành nghề. Bên cạnh những ngành dịch vụ ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh thì một số mảng kinh doanh tại thời điểm này lại đang phát triển khá mạnh mẽ. Nguyên nhân là do dịch bệnh nên việc nhập khẩu một số mặt hàng bị hạn chế, các các sản phẩm của công ty như: thiết bị điện, van vòi, ống nước… có điều kiện phát triển, tăng trưởng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, là trên 2.000 tỷ đồng cho các hợp đồng xây lắp...

Chính phủ cũng cần phải có biện pháp mạnh tay như “bơm tiền” cho các doanh nghiệp lúc khủng hoảng. (Ảnh minh họa)

Ông Tô Văn Nhật, Tổng Giám đốc Tập đoàn Amaccao cho biết, để có được kết quả đó là do đơn vị đã thay đổi góc nhìn tìm ra hướng đi mới trong phát triển thị trường. Trước kia, khi đi giới thiệu về các sản phẩm của công ty, nhiều đơn vị, đối tác tỏ ra băn khoăn, thận trọng... thì đến nay khi nguồn cung đầu vào bị hạn chế đang là cơ hội để các sản phẩm của doanh nghiệp khẳng định được tên tuổi, cũng như chất lượng chiếm lĩnh thị trường nội địa với 96 triệu dân.

“Chúng tôi đầu tư máy móc thiết bị, và nhanh chóng chớp lấy cơ hội này. Dần dần người ta trở thành khách hàng và tin tưởng vào sản phẩm của mình. Khi đó thì các doanh nghiệp nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc sẽ không có cơ hội để chen chân vào. Trong bán hàng gọi là ngựa quen đường cũ. Lúc này để tạo được cái nếp, lối mòn giữa mình với các khách hàng, đây là cách mà chúng tôi nhìn ra cơ hội để khẳng định vị thế của mình...” - ông Tô Văn Nhật cho biết.

Bùng phát dịch, các đơn hàng và dòng tiền bị gãy đang khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn, thử thách. Theo đó, Gói hỗ trợ của Chính phủ là cần thiết và kịp thời, tuy nhiên cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng gói hỗ trợ này phải triển khai càng nhanh càng tốt để tạo sức bật cho doanh nhiệp vượt khó.

Song song với đó, phải cải tiến quy trình thủ tục để nhanh gọn hơn, thông tin minh bạch và đầy đủ về tiêu chí, quy trình thủ tục tiếp nhận… để nhận được các khoản hỗ trợ sớm đến được tay các doanh nghiệp. Thêm vào đó, phải xác định đúng đối tượng thụ hưởng với những tiêu chí xác đáng và cụ thể để tránh tình trạng hỗ trợ “sai địa chỉ”, cần giám sát chặt việc sử dụng nguồn hỗ trợ để bảo đảm hiệu quả chính sách.

Theo ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Hikari Việt Nam, khi thực hiện các gói hỗ trợ phải phân chia theo ngành, chỉ số đánh giá cũng theo đó mà tăng và giảm đi.

Ông Cường nêu ý kiến: "Những ngành khó khăn thì chỉ số đánh giá nên thấp xuống. Có những ngành mà chỉ số vẫn còn cao vì đâu đó họ vẫn có cơ hội. Đưa ra một gói cho tất cả các doanh nghiệp thì vẫn chưa phù hợp sát thực với hiện tại, mà phải chia theo mô hình doanh nghiệp nhỏ vừa, doanh nghiệp lớn và đưa ra các gói phù hợp với các ngành của doanh nghiệp đó...".

Bùng phát dịch, các đơn hàng và dòng tiền bị gãy đang khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn, thử thách. (Ảnh minh họa)

Các chuyên gia kinh tế nhận định, đây là thời điểm để các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cùng có biện pháp dài hạn trong tương lại. Trong bối cảnh này phải có sự năng động, sáng tạo trong việc thay đổi, chuyển đổi nguồn cung thị trường, chu trình sản xuất, cách thức sản xuất…

Theo đó, những trường hợp nào có thể làm việc được từ xa, sử dụng công nghệ… các doanh nghiệp phải đầu tư để tiếp cận và thay đổi, tiếp cận thị trường để đáp ứng. Cùng với đó, Chính phủ vẫn tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; triển khai mạnh mẽ nhóm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, ngành nghề chịu thiệt hại trực tiếp bởi dịch covid 19, giúp doanh nghiệp đủ sức chống chịu vượt qua thời kỳ khó khăn này. Từ đó, duy trì được đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, về dài hạn chúng ta cần phải nghĩ đến tái cấu trúc, đa dạng hóa thị trường. Đối với các gói hỗ trợ cần cụ thể để có thể đưa đến tận tay những doanh nghiệp khó tiếp cận với những gói tín dụng.

“Chính quyền các địa phương cần có sự đánh giá xem xét đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ. Để trên cơ sở đó có những biện pháp gì cụ thể. Ví dụ: như hỗ trợ cho những người làm công bị mất việc, những lao động bị mất thu nhập. Tạo điều kiện liên kết các doanh nghiệp để họ tìm ra thị trường mới ở trong nước cũng như nước ngoài để họ có thể tiếp tục sản xuất” - TS. Lê Đăng Doanh nêu ý kiến.

Nhiều chuyên gia khuyến nghị, để gỡ khó cho doanh nghiệp, Ngân hàng nhà nước trợ giúp trực tiếp về thanh khoản cho những ngân hàng có hỗ trợ thiết thực và cụ thể đối với doanh nghiệp gặp khó khăn, thông qua đó trợ giúp thanh khoản cho hệ thống doanh nghiệp.

Đồng thời, tăng cường các biện pháp ổn định tỉ giá hối đoái trong ngắn hạn. Các tổ chức tín dụng cần thống nhất và thông báo tới các doanh nghiệp “chuẩn chung” cho công cuộc “giải cứu” nếu không muốn bị lạm dụng và dòng vốn đi sai mục tiêu ban đầu.

Chính phủ cũng cần phải có biện pháp mạnh tay như “bơm tiền” cho các doanh nghiệp, để giúp họ vượt qua khủng hoảng và có tiền trả lương công nhân, trả nợ ngân hàng, mua nguyên vật liệu…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên