Áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) tiết kiệm 10% chi phí thi công
VOV.VN - “Mô hình thông tin công trình”, viết tắt là “BIM” không còn xa lạ trong ngành xây dựng. Áp dụng BIM sẽ tiết kiệm 10% chi phí và rút ngắn 10% thời gian thi công.
“Mô hình thông tin công trình”, viết tắt là “BIM” không còn xa lạ trong ngành xây dựng. Áp dụng BIM sẽ tiết kiệm 10% chi phí và rút ngắn 10% thời gian thi công. Nếu không làm chủ được BIM, chúng ta sẽ tụt hậu. BIM không phải là chuyện của kỹ sư mà là chuyện nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư và hệ thống quản lý nhà nước. Đây là vấn đề được nêu ra tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng BIM tại Đà Nẵng do Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Liên Hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật thành phố Đà Nẵng và Hội xây dựng thành phố Đà Nẵng tổ chức sáng nay (19/7) tại thành phố Đà Nẵng.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình nhằm tiết kiệm 10% chi phí và rút ngắn 10% thời gian thi công.

Việt Nam đã có những bước tiến ban đầu về áp dụng BIM đáng kể, thế nhưng trên thực tế, việc triển khai BIM hiện nay vẫn còn nhiều khoảng trống. Nhiều dự án áp dụng BIM nhưng chỉ dừng ở mức mô hình 3D trình diễn, chưa tích hợp tiến độ, chi phí, quản lý vận hành. Các cơ quan quản lý chưa có công cụ giám sát chất lượng mô hình. Doanh nghiệp ngần ngại đầu tư do chưa có chính sách khuyến khích hoặc cơ chế chia sẻ rủi ro; Thiếu kết nối dữ liệu giữa thiết kế, thi công và vận hành, đặc biệt là thiếu một thể chế dẫn dắt đồng bộ để biến BIM từ mô hình công nghệ thành công cụ quản lý đô thị, quản trị quốc gia.

Ông Võ Tấn Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng cho rằng: “Thế giới đang bước vào kỷ nguyên “Dữ liệu là tài nguyên/tài sản”. BIM chính là “bản đồ dữ liệu” của từng công trình, từng đô thị. Nếu làm chủ được BIM, chúng ta sẽ làm chủ được chất lượng đầu tư, vận hành đô thị và cả năng lực cạnh tranh trong tương lai. BIM không phải là một phong trào. BIM là một bước chuyển thể chế. Như vậy, cải cách thể chế, cơ chế, chính sách là chìa khóa để giải phóng tiềm năng BIM tại Việt Nam và tại TP. Đà Nẵng”.
Tại hội thảo, các chuyên gia khẳng định, BIM không còn là lựa chọn công nghệ đơn lẻ mà đã trở thành một yêu cầu cấp thiết, một nền tảng số cốt lõi trong quản lý xây dựng và phát triển đô thị hiện đại. BIM không chỉ giúp mô hình hóa thiết kế 3D mà còn tích hợp tiến độ (4D), chi phí (5D), vận hành (6D), bền vững môi trường (7D) và hướng đến kết nối với trí tuệ nhân tạo và đô thị số.

BIM là “hạ tầng mềm” không thể thiếu cho công cuộc chuyển đổi số ngành xây dựng- đô thị- hạ tầng. Ở Việt Nam và tại TP. Đà Nẵng, việc ứng dụng BIM đang từng bước được triển khai, đặc biệt trong các dự án đầu tư công trọng điểm. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều khoảng trống từ thể chế pháp lý, tiêu chuẩn kỹ thuật, mô hình tổ chức đến năng lực nhân lực và cơ chế tài chính hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Lê Tùng Lâm, Trưởng Ban đô thị, Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng cho rằng, dự báo đến năm 2035, cả nước cần khoảng 50 nghìn nhân lực BIM trong mọi cấp độ về tạo mô hình, điều phối, quản lý…Vì vậy, các trường đại học cần chủ động đào tạo nhân lực BIM, mới đáp ứng nhu cầu nhân lực BIM hiện nay và trong tương lai: “Việt Nam cần khẩn trương xây dựng và ban hành lộ trình áp dụng BIM cho Việt Nam đến năm 2035. Đà Nẵng cũng nên chủ động và khẩn trương thiết lập Đề án phát triển BIM cho Đà Nẵng đến năm 2035, trong đó cần nêu rõ các chỉ tiêu, mục tiêu trong từng giai đoạn, chỉ tiêu về nhân lực, hạ tầng số, dự liệu BIM, tài chính…”

Nhiều thách thức đang cản trở sự phát triển BIM, đặc biệt là hành lang pháp lý chưa đầy đủ và đồng bộ; thiếu cơ quan chuyên trách điều phối và kiểm định mô hình BIM; thiếu hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, khung phân loại và thư viện dữ liệu BIM dùng chung; chưa có cơ chế hỗ trợ tài chính, tín dụng, đào tạo cho doanh nghiệp và nguồn nhân lực BIM; chưa tích hợp BIM vào các chương trình mục tiêu quốc gia như đô thị thông minh, tăng năng suất, chuyển đổi số ngành xây dựng.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng kiến nghị thành phố Đà Nẵng sớm xây dựng Đề án phát triển BIM đến năm 2035, có lộ trình rõ ràng và danh mục dự án trọng điểm; cần thành lập Văn phòng điều phối BIM thành phố Đà Nẵng làm đầu mối hướng dẫn, kiểm soát, đào tạo và kết nối các bên. Thành phố cần lựa chọn một số dự án đầu tư công tiêu biểu để triển khai thí điểm cơ chế quản lý có kiểm soát BIM và kết nối chặt chẽ giữa nhà nước – doanh nghiệp – trường học, cơ sở đào tạo để phát triển đội ngũ chuyên gia BIM.
Ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam cho biết, Hội thảo là bước đầu quan trọng, mong muốn chuyển hóa thành hành động thực tiễn. Kết quả hội thảo sẽ tổng hợp báo cáo gửi đến Chính phủ, Bộ Xây dựng, UBND TP. Đà Nẵng, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật thành phố. Đây còn là bước khởi động quá trình xây dựng Đề án phát triển BIM thành phố Đà Nẵng, tích hợp với các chiến lược về đô thị thông minh, chuyển đổi số và đầu tư công hiệu quả; Hỗ trợ việc hình thành mạng lưới chuyên gia BIM địa phương, có năng lực kiểm định mô hình, đào tạo nhân lực.

Ông Đặng Việt Dũng cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu đang bước vào thời kỳ “dữ liệu là tài nguyên chiến lược”, BIM chính là cánh cổng để chúng ta bước vào quản trị công trình – dự án – đô thị bằng công nghệ số, bằng tư duy hệ thống và bằng năng lực dữ liệu. Nếu không làm chủ được BIM, chúng ta sẽ tụt hậu không chỉ về công nghệ, mà cả về năng suất, hiệu quả đầu tư và chất lượng phát triển đô thị. BIM không phải là chuyện của kỹ sư – đó là câu chuyện của lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư và toàn bộ hệ thống quản lý nhà nước – doanh nghiệp – xã hội.
"Cho đến nay, người ta đã dùng trợ lý ảo để kiểm soát hết mọi thứ rồi, không cần nhân lực nữa. Dùng AI để kiểm soát quá trình thiết kế, kiểm soát quá trình xây dựng và kiểm soát quy mô của dự án nữa, giúp cho chúng ta. AI đã thay thế con người mất rồi. Nếu một thời gian nữa chúng ta không đi theo kịp, chúng ta cũng làm nhanh, chúng ta cũng sẽ bị lạc hậu", ông Dũng nói.