ASEAN – nơi doanh nghiệp Trùng Khánh (Trung Quốc) vươn ra thế giới

VOV.VN - Những năm gần đây, Trùng Khánh không ngừng đẩy mạnh quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư với các quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam, với mục tiêu vươn nhanh ra thế giới.

Trùng Khánh là một trong bốn thành phố trực thuộc trung ương của Trung Quốc, bên cạnh Bắc Kinh, Thượng Hải và Thiên Tân. Nằm ở khu vực Tây Nam tại vị trí gần như trung tâm của cả nước Trung Quốc, thành phố có hơn 31 triệu dân và đứng hàng thứ 4 về tổng lượng GDP chỉ sau Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến trong 3 quý đầu năm 2020 này được xác định là trung tâm kinh tế của khu vực thượng lưu sông Trường Giang, trung tâm của ngành chế tạo hiện đại quan trọng tầm cỡ quốc gia và đầu mối giao thông ở khu vực Tây Nam Trung Quốc.

Những năm gần đây, Trùng Khánh không ngừng đẩy mạnh quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư với các quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam, với mục tiêu vươn nhanh ra thế giới.

Nhiều doanh nghiệp Trùng Khánh hướng tới ASEAN

Công ty hậu cần quốc tế ASEAN (ASEAN International Logistics Co., Ltd) là một doanh nghiệp nhà nước vừa thành lập năm 2015, với mục tiêu tăng cường kết nối giữa Trùng Khánh với Khu mậu dịch tự do ASEAN, thúc đẩy sự phát triển của ngành hậu cần quốc tế tại đây. Công ty này hiện đang vận hành một Khu hậu cần quốc tế ASEAN (ASEAN International Logistics Park). Đây cũng là điểm khởi đầu của các tuyến xe đường bộ xuyên biên giới xuất phát từ Trùng Khánh.

Hiện các tuyến xe này đi theo hai hướng: ASEAN và Trung Á. Riêng hướng ASEAN có 5 tuyến, gồm tuyến phía Đông đi hoàn toàn bằng đường bộ từ Trùng Khánh qua Bằng Tường đến Hà Nội, tổng chiều dài 1400km, nếu vận chuyển một chiều mất khoảng 2 ngày, đồng thời có thể kéo dài sang Phnompenh (Campuchia) và đi hết khoảng 5 ngày; tuyến Đông kết hợp đường bộ và đường biển, trong đó từ Trùng Khánh tới cảng Khâm Châu của Quảng Tây (Trung Quốc) đi bằng đường bộ và đến Singapore qua đường biển trong khoảng 10 ngày; tuyến Giữa (Middle Line) từ Trùng Khánh tới Ma Ham (Mohan) của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) qua Vientiane (Lào) đến điểm cuối là Bangkok (Thái Lan), toàn bộ hành trình mất tầm 4 ngày; tuyến đường bộ Singapore đi từ Trùng Khánh, qua 4 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, Malaysia và đến Singapore, tổng chiều dài 4.500km, đi hết 7 ngày – đây là tuyến vận tải đường bộ dài nhất qua các quốc gia ASEAN; cuối cùng là tuyến Tây đi từ Trùng Khánh tới Thụy Lệ của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đến Yangon (Myanmar) với tổng thời gian tầm 3,5 ngày.

Số liệu thống kê cho thấy, bất chấp dịch bệnh, từ 1/1/2020 đến 1/12/2020, 5 tuyến xe này đã chạy tổng cộng 2505 lượt chuyến, tăng hơn cùng kỳ 128%, với tổng lượng hàng được chuyên chở là 43.900 tấn.

Không chỉ cung cấp dịch vụ vận tải đường bộ kết hợp với đường sắt và đường biển, một Khu mua bán tập trung hàng hóa ASEAN (ASEAN Commodity Centralized Purchasing City) cũng vừa đi vào hoạt động thử nghiệm trong khuôn viên Khu hậu cần quốc tế ASEAN hôm 28/6/2020 với tổng diện tích 14.000m2.

Ông Dịch Lăng Giang, Giám đốc phát triển doanh nghiệp của Công ty hậu cần quốc tế ASEAN Trùng Khánh, đơn vị phụ trách Khu mua bán cho biết: “Giai đoạn 1 chúng tôi mở cửa một khu vực có diện tích 2300m2, tạo mặt bằng để doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm miễn phí. Nếu khách hàng có nhu cầu mua bán, họ sẽ đặt hàng với chúng tôi và tiến hành giao dịch.

Do các chuyến xe của công ty chở hàng sang các quốc gia Đông Nam Á, chúng tôi có thể mang các mặt hàng của Trùng Khánh và các tỉnh, thành lân cận sang các quốc gia này, cũng có thể chở các mặt hàng chất lượng cao từ các quốc gia này quay trở lại Trung Quốc. Đây chỉ là bước đầu. Khẩu hiệu của chúng tôi là ‘mua của ASEAN, bán ra cả nước, mua của cả nước, bán ra thế giới".  

Cùng với việc tập trung đầu tư tại Trùng Khánh hướng tới thị trường ASEAN, không ít các doanh nghiệp ở đây đang không ngừng mở rộng địa bàn hoạt động sang các quốc gia ASEAN để đưa sản phẩm ra thế giới và tránh các hạn chế thương mại từ Mỹ và các nước phương Tây.

Tập đoàn Phán Hoa (PanHua), một doanh nghiệp tư nhân có trụ sở chính tại tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc, hiện đang có một chi nhánh tại Trùng Khánh là Công ty tấm kim loại Panhua. Năm ngoái, tập đoàn này đã đầu tư 3,5 tỷ USD trong giai đoạn 1 để xây dựng Nhà máy gang thép tổng hợp đầu tiên tại Philippines. Nhà máy này có quy mô lớn gấp vài chục lần công ty tại Trùng Khánh và dự kiến sẽ chính thức đi vào sản xuất từ 28/8/2021.

Ông Lý Hưng Hoa (Li Xinghua), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn PanHua cho biết: “Chúng tôi còn xây cả cảng biển và Khu công nghiệp Trùng Khánh tại Philippines. Chúng tôi muốn đưa doanh nghiệp Trung Quốc tới đây và thông qua việc sản xuất tại Philippines tiến ra các nơi trên thế giới".

Diện tích gấp 4 lần Trùng Khánh, tiềm năng phát triển to lớn do chưa có nền tảng công nghiệp, có thể xuất khẩu sản phẩm đi khắp thế giới là những nhân tố đầy hấp dẫn khiến PanHua quyết định đầu tư lớn tại Philippines.

Ông Lý Hưng Hoa bổ sung: “Hơn chục năm trước chúng tôi đã xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU), nhưng bị đánh thuế chống bán phá giá. Khi chúng tôi sản xuất tại Philippines sẽ không còn phải chịu mức thuế này. Va chạm thương mại Mỹ-Trung cũng có ảnh hưởng rất lớn đến việc làm ăn của chúng tôi. Nếu không Tập đoàn PanHua đã vô cùng lớn mạnh, do vậy chúng tôi phải đi ra bên ngoài".

Bên cạnh những yếu tố đã đề cập, việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cũng khiến các doanh nghiệp tại Trùng Khánh ngày càng đánh giá cao vai trò của các nước ASEAN trong chiến lược đầu tư của mình. Bởi mặc dù có thể phải cạnh tranh với Nhật Bản, Hàn Quốc, song sau khi hiệp định này chính thức có hiệu lực, họ sẽ được hưởng nhiều ưu đãi thuế quan tại ASEAN giống như ở Trung Quốc.

Trùng Khánh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh sang ASEAN sau khi RCEP được ký kết

Ông Phan Lăng, Trưởng phòng Á Phi thuộc Ủy ban Thương mại thành phố Trùng Khánh cho biết, địa phương này muốn nắm bắt cơ hội ký kết RCEP để làm sâu sắc hơn giao lưu kinh tế thương mại với ASEAN.

Theo đó, Trùng Khánh sẽ ưu hóa kết cấu nhập khẩu, thúc đẩy việc xây dựng địa phương này trở thành thành phố trung tâm về tiêu dùng quốc tế, tăng cường nhập khẩu các mặt hàng hoa quả, thủy hải sản từ ASEAN. Coi việc mở rộng thị trường ASEAN làm bước đột phá để thúc đẩy toàn diện quan hệ giữa Trùng Khánh với các nước trong khối, đẩy mạnh việc mở rộng đầu tư có trật tự tại thị trường ASEAN của các công ty địa phương.

Khuyến khích doanh nghiệp Trùng Khánh và ASEAN triển khai hợp tác thương mại và sản xuất, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chất lượng cao, như hoa quả, thủy hải sản, cà phê, cao su… sang Trung Quốc. Tích cực xây dựng nền tảng thương mại điện tử giữa hai bên.

Riêng với Việt Nam, ông Phan Lăng đánh giá, xu thế hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai bên là rất tốt. “Doanh nghiệp Trùng Khánh rất tích cực trong việc đầu tư vào Việt Nam. Tính đến hết năm 2019, Trùng Khánh có 12 doanh nghiệp đang đầu tư tại Việt Nam. Hai bên có không gian hợp tác rộng lớn trong chuỗi ngành nghề và chuỗi cung ứng. Ngoài ra, Việt Nam cũng là một nước lớn về hàng nông sản. Trùng Khánh nhập khẩu một lượng lớn hoa quả và thủy hải sản từ Việt Nam. Hai bên có thể mở rộng hợp tác trong lĩnh vực này.” Ông chia sẻ.

Được biết, năm 2019 đã đánh dấu bước phát triển ngoạn mục về kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trùng Khánh với mức tăng trưởng từ một con số lên ba con số. Theo thống kê của Hải quan Trùng Khánh, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với Trùng Khánh đạt 32,84 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 4,83 tỷ USD), tăng 158,9%. Trong đó, xuất khẩu từ Trùng Khánh sang Việt Nam đạt 6,03 tỷ Nhân dân tệ (gần 887 triệu USD), tăng 31,7 %; nhập khẩu từ Việt Nam đạt 26,8 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 3,94 tỷ USD), tăng 230,7% so với cùng kỳ 2018.

Tính đến hết tháng 9/2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng kinh tế thương mại giữa hai bên vẫn tiếp tục giữ mức tăng trưởng đáng ngạc nhiên với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 37,64 tỷ Nhân dân tệ (gần 5,45 tỷ USD), tăng 79,4%. Trong đó xuất khẩu từ Trùng Khánh sang Việt Nam đạt 6,5 tỷ Nhân dân tệ (gần 956 triệu USD), tăng 53,4%; nhập khẩu từ Việt Nam đạt 31,13 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 4,5 tỷ USD), tăng 86,01%. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trùng Khánh trong khối ASEAN, chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa ASEAN với thành phố này. Trong khi đó, ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.

Phát biểu tại Hội chợ Trung Quốc – ASEAN lần thứ 17 (CAEXPO 2020) tổ chức ở Nam Ninh, Quảng Tây hồi cuối tháng 11 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tái khẳng định việc coi ASEAN là hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng của nước này. Với vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Trùng Khánh, giờ đây, ASEAN đã trở thành thị trường trọng điểm trong việc thúc đẩy nâng cấp đầu tư và thương mại ngành điện tử, chế tạo của Trùng Khánh, đồng thời là nơi địa phương này tập trung tăng cường hợp tác xuất nhập khẩu trong ngành công nghiệp ô tô, xe máy và sản xuất thiết bị trong tương lai./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Việt Nam – đối tác thương mại lớn nhất của Trùng Khánh (Trung Quốc) trong ASEAN
Việt Nam – đối tác thương mại lớn nhất của Trùng Khánh (Trung Quốc) trong ASEAN

VOV.VN - Trùng Khánh là một trong bốn thành phố trực thuộc Trung ương của Trung Quốc. Những năm qua, hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trùng Khánh đã có những bước phát triển vượt bậc.

Việt Nam – đối tác thương mại lớn nhất của Trùng Khánh (Trung Quốc) trong ASEAN

Việt Nam – đối tác thương mại lớn nhất của Trùng Khánh (Trung Quốc) trong ASEAN

VOV.VN - Trùng Khánh là một trong bốn thành phố trực thuộc Trung ương của Trung Quốc. Những năm qua, hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trùng Khánh đã có những bước phát triển vượt bậc.

Tăng cường hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với Trùng Khánh và Tứ Xuyên (Trung Quốc)
Tăng cường hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với Trùng Khánh và Tứ Xuyên (Trung Quốc)

VOV.VN - Trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Trùng Khánh và Tứ Xuyên, ngày 24/11, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai đã lần lượt hội kiến Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên Bành Thanh Hoa.

Tăng cường hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với Trùng Khánh và Tứ Xuyên (Trung Quốc)

Tăng cường hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với Trùng Khánh và Tứ Xuyên (Trung Quốc)

VOV.VN - Trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Trùng Khánh và Tứ Xuyên, ngày 24/11, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai đã lần lượt hội kiến Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ và Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên Bành Thanh Hoa.