Australia kêu gọi G20 đưa các nền kinh tế vào chế độ “ngủ đông”
VOV.VN - Australia kêu gọi các thành viên G20 đưa nền kinh tế vào chế độ “ngủ đông” một cách kiểm soát để các DN không phải chịu thêm tổn thất do dịch Covid-19.
Bộ trưởng Tài chính Australia Josh Frydenberg tối 31/3 đã có cuộc họp trực tuyến với Bộ trưởng tài chính các nền kinh tế G20. Trong cuộc họp này, Bộ trưởng Tài chính Australia kêu gọi các thành viên G20 đưa nền kinh tế vào chế độ “ngủ đông” một cách kiểm soát để các doanh nghiệp không phải chịu thêm tổn thất do dịch Covid-19.
Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến với Bộ trưởng Tài chính các nước G20, Bộ trưởng Tài chính Australia Josh Frydenberg kêu gọi nền kinh tế toàn cầu nên được đưa vào chế độ “ngủ đông” có kiểm soát trong lúc các biện pháp kiểm dịch ngặt nghèo đang được triển khai tại các quốc gia. Australia đã chi gần 320 tỷ AUD, chiếm tới 16,4% GDP của nước này để ứng phó với các tác động do Covid-19 gây nên. Trong đó, có gói hỗ trợ kinh tế lên tới 130 tỷ AUD để giúp người lao động không bị mất việc làm và giảm gánh nặng về lương cho các doanh nghiệp.
Người dân Australia xếp hàng dài chờ được nhận trợ cấp của Chính phủ. (Nguồn: News Corp Australia.jpg) |
Bộ trưởng Frydenberg khẳng định, các biện pháp mà Chính phủ Australia đưa ra có mục tiêu là ứng phó với dịch bệnh mà vẫn giữ được sự ổn định về tài chính, hạn chế tình trạng mất việc làm của người lao động và giữ cho các doanh nghiệp vẫn hoạt động. Trong bối cảnh 1 số quốc gia vẫn còn chưa có nhiều biện pháp hữu hiệu, Australia kêu gọi các quốc gia thành viên G20 cần có những hành động mạnh mẽ hơn nữa để hạn chế tối đa tác động của dịch Covid-19 tới sức khỏe con người và nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Australia cũng cho rằng, các nền kinh tế thành viên G20 cũng cần phải dẫn đầu xu hướng phục hồi sau thời gian dịch bệnh hoành hành. Để đạt được điều này, các nước cần tính đến việc phối hợp trong việc dỡ bỏ các rào cản về du lịch, giao thông, các biện pháp kiểm soát hàng hóa đồng thời cam kết đưa ra các biện pháp tài chính để kích các doanh nghiệp hoạt động và mọi người quay trở lại nơi làm việc.
Bộ trưởng Tài chính Australia Josh Frydenberg cũng cho rằng, “G20 cần chỉ thị cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá về mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu. Nếu cần nhiều tài nguyên hơn thì chúng ta cần sớm được biết”.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Australia, nước này đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ kinh tế đối với người dân, người lao động, các doanh nghiệp, ngành hàng không, ngành y tế, ngành đánh bắt thủy hải sản và các chương trình thúc đẩy xuất khẩu.
Sáng 1/4, nước này tiếp tục công bố gói hỗ trợ 170 triệu AUD để mở lại các tuyến đường xuất khẩu hải sản, thịt bò, các sản phẩm từ sữa và một số loại hoa quả sang các thị trường chủ chốt ở Châu Á. Với chính sách này, dự kiến trong vòng 6 tháng tới, một lượng hàng hóa trị giá khoảng 500 triệu AUD sẽ được nước này xuất sang các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hong Kong, Singapore và Các Tiểu vương quốc A rập thống nhất. Trên các chuyến bay quay trở lại Australia, các máy bay này sẽ mang theo thiết bị y tế, thuốc men, các vật dụng khác để giúp chính phủ nước này đối phó với dịch Covid-19./.