Ba Bộ phối hợp xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho nông sản Việt
VOV.VN - Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý hiệu quả sẽ mang lại giá trị gia tăng cho hàng hóa, sản phẩm sản xuất trong nước và xuất khẩu.
Ngày 8/8, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tổ chức lễ ký kết Quy chế phối hợp về xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý.
Quy chế phối hợp là cơ sở để các Bộ phối hợp, tập trung nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hỗ trợ các chỉ dẫn địa lý, phát huy tối đa hiệu quả, giá trị của sản phẩm được bảo hộ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm Việt trong bối cảnh hội nhập thị trường quốc tế.
Ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại lễ ký kết. |
Trong bối cảnh hiện nay, để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản hướng tới đáp ứng nhu cầu và yêu cầu của thị trường quốc tế, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản trở thành yêu cầu cấp bách được Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương xác định là giải pháp quan trọng.
Tại lễ ký kết, ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, thời gian qua, nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý đã được xây dựng và đưa vào triển khai trên thực tế, tuy nhiên, hiệu quả chưa đạt được như kỳ vọng.
Việc ký kết quy chế phối hợp góp phần tích cực trong quản lý nhà nước về chỉ dẫn địa lý, hiệu quả kinh tế - xã hội của bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhận thức của người sản xuất và tiêu dùng đối với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nâng cao hiệu quả hoạt động sử dụng chỉ dẫn địa lý của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động liên kết vùng để phát triển các sản phẩm chủ lực liên tỉnh, liên vùng để nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.
Đồng thời, góp phần triển khai hiệu quả các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các tuyên bố chung của Việt Nam với các nước liên quan đến chỉ dẫn địa lý.
Sự phối hợp giữa 3 Bộ sẽ phát huy được ưu thế về năng lực chuyên môn, nguồn lực con người và tài chính, giúp hoạt động về chỉ dẫn địa lý thực chất và hiệu quả cao. |
"Hiện nay, không chỉ thị trường thế giới mà ngay thị trường trong nước đều đặt vấn đề về "truy xuất nguồn gốc", do đó việc đảm bảo yêu cầu chất lượng hàng hóa sản phẩm nông nghiệp rất quan trọng. Thời gian tới, Bộ sẽ chuẩn hóa trên 2.000 sản phẩm nông nghiệp liên quan đến sở hữu trí tuệ", ông Trần Thanh Nam cho biết thêm.
Cũng tại lễ ký kết ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương nêu rõ, không chỉ ngành công thương mà các ngành khác nếu làm tốt việc xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý sẽ mang lại giá trị gia tăng cho giá trị hàng hóa, sản phẩm sản xuất trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới./. Chỉ dẫn địa lý cho nông sản: Làm đã khó, duy trì càng khó hơn
2 loại trái cây đặc sản của Bến Tre được chứng nhận chỉ dẫn địa lý