Bà Rịa – Vũng Tàu dừng nhiều dự án để điều chỉnh ngân sách đầu tư công
VOV.VN - Do chậm giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ các công trình sử dụng ngân sách ở Bà Rịa - Vũng Tàu đang bị ảnh hưởng. Lãnh đạo tỉnh này nhấn mạnh, nếu các địa phương, chủ đầu tư không hoàn thành nhiệm vụ tiến độ đầu tư công sẽ không được bố trí vốn, không xét công trình mới trong năm 2023.
Chậm giải ngân đầu tư công
Đến hết tháng 6/2022, giá trị giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hơn 2.989 tỷ đồng, đạt hơn 23,76%, so với cùng kỳ, chiếm 29% tổng kế hoạch vốn năm 2022. Trong đó, vốn ngân sách của Trung ương cấp cho dự án đầu tư công trên địa bàn năm 2022 là 600 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 67 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 11,18%.
Cụ thể, tại huyện Đất Đỏ, vốn đầu tư công trên địa bàn đến nay được giải ngân hơn 44% kế hoạch, trong đó nguồn vốn tỉnh giao đạt 33%. Ở TP.Vũng Tàu, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của địa phương đến giữa tháng 7 cũng chỉ đạt 35,6%.
Ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho biết, thành phố có nhiều dự án đầu tư công đang phải tạm dừng vì khan hiếm vật liệu san lấp, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Hiện thành phố vẫn còn 41 dự án chưa hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng do vướng khâu đền bù, bố trí quỹ đất tái định cư.
Còn tại dự án đường 991B, kế hoạch giải ngân cho công trình trong 6 tháng đầu năm nay là 26% tổng vốn đầu tư, tuy nhiên đến nay chỉ đạt hơn 7% giá trị đăng ký. Ông Nguyễn Văn Trình, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường liên cảng Cái Mép (chủ đầu tư dự án đường 991B) cho biết, nguyên nhân chậm là do giải phóng mặt bằng dự án đang vướng các công trình ngầm.
Theo ông Trình, nếu giải quyết được vấn đề mặt bằng, trong tháng 5/2023, gói thầu 36 sẽ hoàn thành thi công theo đúng hợp đồng (5 km đường và cầu Mỏ Nhát) và đến tháng 5/2024 gói thầu 37 đi qua quốc lộ 51 cũng về đích đúng kế hoạch.
“Về tiến độ giải ngân đến nay là chậm, theo đăng ký của Ban quản lý Dự án Đường liên cảng Cái Mép với UBND tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư thì phần giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2022 là 25%, tuy nhiên, cho đến nay chỉ mới đạt 7,8%, so với kế hoạch là chậm”, ông Nguyễn Văn Trình cho biết.
Buộc phải dừng, lùi nhiều dự án đầu tư công
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, có nhiều nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, chủ yếu do các chủ đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2022 chỉ chú trọng thực hiện khối lượng công việc, dồn hết vào 6 tháng cuối năm mới làm thủ tục giải ngân.
Theo bà Trần Thị Cẩm Lệ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nhiều chủ đầu tư có tâm lý hoàn thành khối lượng công việc nhiều mới tiến hành thủ tục giải ngân. Ngoài ra, có 9 chủ đầu tư chưa được giải ngân vốn theo kế hoạch vì chưa quyết toán các công trình trước đó, hoặc điều chỉnh thủ tục dự án, vướng mắc đền bù giải phóng mặt bằng… Sắp tới, Sở sẽ điều chuyển vốn từ các dự án có tiến độ giải ngân thấp sang các dự án có nhu cầu bổ sung vốn.
“Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với tất cả các chủ đầu tư thực hiện rà soát, điều chuyển vốn nội bộ của các chủ đầu tư đối với các dự án có tiến độ giải ngân thấp sang các dự án có giải ngân cao, có nhu cầu bổ sung vốn, đảm bảo giải ngân vốn theo kế hoạch. Các chủ đầu tư cũng cần tập trung, đẩy nhanh hoàn thiện hồ sơ, làm thủ tục thanh toán ngay khi có khối lượng công việc, không nên để dồn vào cuối năm”, bà Trần Thị Cẩm Lệ thông tin.
HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, xuất phát từ tình hình thực tế, tháng 12/2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 113 về điều chỉnh các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với nguồn vốn 59.100 tỷ đồng, tập trung vào dự án hạ tầng giao thông.
Ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, để thực hiện các công trình trên, tỉnh phải sử dụng gần 90% quỹ dự phòng, đồng thời dừng hàng loạt dự án đầu tư công trung hạn để bổ sung cho các danh mục phát sinh.
“Để làm được việc này, ngoài khai thác nguồn thu mới, tăng thu, đấu giá đất công và tài sản công... thì buộc phải dừng 21 danh mục dự án đầu tư công trung hạn, và lùi, chuyển sang giai đoạn sau đầu tư 27 danh mục đầu tư công trung hạn khác. 5 nội dung này đã làm thay đổi đầu tư công trung hạn, buộc lần này HĐND tỉnh phải điều chỉnh lại”, ông Mai Ngọc Thuận cho biết thêm.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, từ nay đến cuối năm 2022, tỉnh sẽ điều chuyển vốn của những đơn vị, địa phương, chủ đầu tư không làm tốt cho đơn vị làm tốt hơn. Đặc biệt, nếu các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư trong năm 2022 không hoàn thành nhiệm vụ không được bố trí vốn trong năm 2023, thì sẽ không xét công trình mới, ngoại trừ các công trình trọng điểm, có giá trị lớn./.