Bà Rịa- Vũng Tàu: Nghịch lý “bến tàu du lịch” lại bị cấm “hoạt động du lịch”?

VOV.VN - Ngày 4/01/2021, "Bến thuyền du lịch Marina" của Công ty cổ phần Vũng Tàu Marina (viết tắt: Công ty Marina) đã chính thức đóng cửa.

Những tranh cãi xung quanh hoạt động của bến thuyền du lịch Marina (Bà Rịa – Vũng Tàu” đang lên đến đỉnh điểm khi bến thuyền này đã chính thức phải dừng hoạt động từ hôm nay (4/1). Việc đóng cửa bến thuyền cũng đồng nghĩa với việc cuộc sống, việc làm của hàng trăm lao động ở đây bị ảnh hưởng trong lúc đang phải gồng mình chống lại dịch Covid 19.

Lý do cơ quan quản lý yêu cầu dừng mọi hoạt động là vì trong Khu công nghiệp không được làm du lịch theo quyết định của Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (viết tắt: Biza) ban hành ngày 4/12/2020. Văn bản của Biza yêu cầu Công ty Marina tạm ngừng tất cả mọi hoạt động đang diễn ra tại dự án Bến thuyền du lịch.

Biza căn cứ vào quyết định phê duyệt Khu công nghiệp Đông Xuyên của Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại Quyết định số 567 BXD/KTQH ngày 31/10/1996. Theo đó, Khu công nghiệp Đông Xuyên là Khu công nghiệp tập trung dành để xây dựng các xí nghiệp thuộc ngành công nghiệp dịch vụ dầu khí, sửa chữa đóng mới tàu thuyền và các ngành công nghiệp sạch tổng hợp…

Phần diện tích thực hiện dự án bến thuyền du lịch của Công ty Marina nằm trong Khu công nghiệp Đông Xuyên được quy hoạch ngay từ đầu là đất công nghiệp, không phải đất dịch vụ. Biza cũng viện dẫn các quy định của pháp luật về đầu tư và du lịch để chỉ ra sự khác nhau giữa Khu công nghiệp và Khu du lịch.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Minh Tường cho rằng, theo biên bản làm việc giữa Ban quản lý các KCN với doanh nghiệp ngày 16/12/2020 có thể thấy cơ quan quản lý đã có sự hiểu nhầm và lo ngại không cần thiết. Việc cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động trong khu công nghiệp đón khách du lịch tới tham quan và trải nghiệm sản phẩm do mình làm ra không đồng nghĩa với việc làm chuyển hóa khu công nghiệp Đông Xuyên thành khu du lịch.

Trên thực tế có rất nhiều doanh nghiệp trong các KCN đều có hoạt động đón khách du lịch tới tham quan sản phẩm, tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm sản xuất như các nhà máy sữa, nhà máy bia, rượu… thông qua hoạt động tham quan du lịch doanh nghiệp sẽ quảng bá được sản phẩm và có thêm doanh thu. Trên thế giới việc đi du lịch để tham quan các cơ sở công nghiệp, nhà máy cũng đã có từ rất lâu.

Theo giấy chứng nhận đầu tư cơ quan quản lý cấp cho doanh nghiệp thì dự án Bến thuyền du lịch có hai mục tiêu chính: 1. Xây dựng bến thuyền du lịch và các công trình phụ trợ/ 2. Sản xuất cano tàu thuyền thân thiện môi trường.

“Như vậy rõ ràng dự án có mục tiêu là xây dựng Bến thuyền du lịch thì tại sao cơ quan quản lý lại không cho doanh nghiệp hoạt động đón khách du lịch tới tham quan, tìm hiểu sản phẩm. Một khi nhà đầu tư đã thực hiện đúng các mục tiêu của dự án đầu tư thì cơ quan quản lý phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện quyền tự do kinh doanh của mình" - Luật sư Nguyễn Minh Tường phân tích.

Lảm rõ hơn về quyền của của doanh nghiệp, Luật sư Nguyễn Minh Tường dẫn Điều 7 về Quyền của doanh nghiệp (Luật doanh nghiệp năm 2020) quy định: "1. Tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm” 

Như vậy nếu hoạt động du lịch đã được doanh nghiệp đăng ký và cấp phép thì cơ quan quản lý không được ra các quy định hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhìn vào thực tế thì doanh nghiệp này đang có hướng đi đúng là vừa làm ra sản phẩm để bán lại vừa đưa vào khai thác giới thiệu sản phẩm tạo thêm giá trị gia tăng và quảng bá được sản phẩm, các cơ quan quản lý cần ủng hộ mô hình này. Đây là một mô hình cộng sinh công nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh mà các nhà đầu tư khu công nghiệp đang hướng tới. Chính phủ đã ban hành Nghị định 82/2018/NĐ-CP qui định về quản lý Khu Công nghiệp và Khu Kinh tế trong đó có nhắc tới mô hình khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp đô thị dịch vụ. Nhiều năm qua, Bến thuyền du lịch Vũng Tàu Marina đã trở thành điểm check in và thu hút khách du lịch của Tỉnh BRVT.

“Trong bối cảnh đại dịch covid 19 doanh nghiệp và người lao động đang gặp rất nhiều khó khăn, việc dừng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ đẩy doanh nghiệp và người lao động vào đường cùng”, ông Vũ Duy Đức – giám đốc công ty chia sẻ.

Được biết doanh nghiệp cũng đã gửi đơn kêu cứu tới Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các hiệp hội ngành nghề để xin tháo gỡ khó khăn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bà Rịa-Vũng Tàu: Một văn bản “tréo ngoe” khiến doanh nghiệp ngắc ngoải
Bà Rịa-Vũng Tàu: Một văn bản “tréo ngoe” khiến doanh nghiệp ngắc ngoải

VOV.VN - Bến thuyền Marina được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp phép hoạt động từng ăn nên làm ra bỗng dưng nhận được văn bản đề nghị tạm dừng tất cả các hoạt động. Đang lúc khó khăn, DN như bị dìm thêm một lần nữa...

Bà Rịa-Vũng Tàu: Một văn bản “tréo ngoe” khiến doanh nghiệp ngắc ngoải

Bà Rịa-Vũng Tàu: Một văn bản “tréo ngoe” khiến doanh nghiệp ngắc ngoải

VOV.VN - Bến thuyền Marina được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp phép hoạt động từng ăn nên làm ra bỗng dưng nhận được văn bản đề nghị tạm dừng tất cả các hoạt động. Đang lúc khó khăn, DN như bị dìm thêm một lần nữa...