Bắc Giang đảm bảo sản lượng và giá trị vải thiều xuất khẩu
VOV.VN - Hơn 112.000 tấn vải thiều trong tổng sản lượng dự kiến 160.000 tấn vải thiều của năm nay của tỉnh Bắc Giang đã được tiêu thụ.
Chạy đua với thời tiết nắng nóng để thu hoạch vải thiều đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu là công việc chú tâm hàng ngày của các nhà vườn trồng vải ở tỉnh Bắc Giang trong những ngày này.
Năm 2020 là năm đặc biệt đối với người trồng vải nơi đây không những bởi tác động của dịch Covid-19 đối với việc tiêu thụ vải thiều mà còn đáp ứng các đơn hàng của các đối tác trong nước và quốc tế, trong đó có thị trường Nhật Bản lần đầu tiên cho phép nhập khẩu quả vải tươi tại thị trường này.
Bắc Giang đảm bảo sản lượng và giá trị vải thiều xuất khẩu. |
Ông Lường Văn Cảnh, ở xóm Hóa, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn – Trưởng nhóm sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn Global Gap được gắn mã số vùng trồng xuất khẩu chia sẻ, với mức giá 30.000 đồng/kg, từ chính vụ vải thiều đến nay các hộ tham gia nhóm đã xuất khẩu được hơn 3 tấn vải sang thị trường Nhật Bản. Việc ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thu mua xuất khẩu không phải đem hàng ra chợ như mọi khi mà doanh nghiệp đến tận vườn để thu mua. Giá vải thiều ổn định khiến người trồng vải phấn khởi hơn mọi năm.
“Phun thuốc đúng định kỳ, tuân thủ đúng thời gian cách ly. Như vải xuất khẩu sau khi phun thuốc phải cách ly 20 ngày mới được bán. Năm nay đi Nhật Bản và Australia đã ký với 2 công ty. Giá được đảm bảo 30.000 đồng/kg. Nếu giá lên sẽ thu mua từ 35.000-40.000 đồng/kg. Còn giá thấp vẫn được công ty thu mua với mức giá 30.000 đồng/kg”, ông Cảnh nói.
Đến hẹn lại lên, mỗi năm chỉ họp 1 lần vào mùa vải chín rộ tuyến đường trục chính quốc lộ 31 đoạn thuộc địa phận huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, thương nhân từ khắp các nơi đổ về để mua bán vải thiều vô cùng nhộn nhịp.
Anh Đặng Văn Chuyền, thương lái tại điểm cân vải Kiều Mao ở xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn chia sẻ: “Giá năm nay đội lên rất nhiều, chi phí ảnh hưởng của dịch Covid-19 khi thông thương qua biên sang Trung Quốc chi phí thuê xe, lái xe tăng cao. Nếu không có dịch Covid-19 thì giá sẽ cao hơn và việc tiêu thụ thuận lợi hơn”.
Vải thiều được mùa, được giá khiến bà con hết sức phấn khởi. |
Không chỉ người trồng vải phấn khởi khi vải thiều được giá mà cả những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trong nước cũng tích cực đồng hành trong tiêu thụ vải thiều cho bà con nông dân.
Bà Ngô Tường Vi, Phó giám đốc của công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu chia sẻ: “Nhật Bản là thị trường khá ổn định cả về giá và sản lượng, doanh nghiệp xác định quả vải sẽ là sản phẩm được tập trung trong năm nay để thâm nhập vào thị trường này. Không chỉ tính về lợi nhuận mà quan trọng nhất là mang thương hiệu quả vải Việt Nam đến người tiêu dùng của Nhật Bản, tiếp nữa sẽ là người tiêu dùng của các thị trường khác để gia tăng giá trị của vải thiều”.
Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây khó khăn trong công tác tiêu thụ vải thiều, đặc biệt là xuất khẩu, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang đã chủ động xây dựng các kịch bản xúc tiến tiêu thụ vải thiều. Đồng thời có văn bản báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương liên quan cho phép các thương nhân, chuyên gia nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam đến Bắc Giang để khảo sát, thu mua vải thiều.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cho biết, sự chủ động và linh hoạt trong điều hành với phương châm “thị trường nào cũng được trân trọng” đã đem lại kết quả bước đầu trong chinh phục những thị trường có giá trị cao khi chỉ ít ngày vào chính vụ vải thiều, sản lượng và giá trị của vải thiều được cải thiện hơn so với các năm trước.
Hơn 112.000 tấn vải thiều trong tổng sản lượng dự kiến 160.000 tấn vải thiều của năm nay của tỉnh Bắc Giang đã được tiêu thụ. |
“Năm nay ngoài thị trường truyền thống Trung Quốc, vải thiều Bắc Giang đã tiêu thụ ở 30 nước trên thế giới và đặc biệt là thâm nhập vào những thị trường khó tính trong đó có thị trường Nhật Bản mới mở năm nay. Mặc dù là năm đầu tiên vải thiều Bắc Giang đến Nhật Bản nhưng khởi đầu rất thuận lợi. Đây là cơ sở để Bắc Giang tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư dây chuyền xử lý vải thiều xuất khẩu để tăng quy mô sản lượng và giá trị không chỉ sang thị trường Nhật Bản mà còn những thị trường khác”, ông Phương cho biết thêm.
Hơn 112.000 tấn vải thiều trong tổng sản lượng dự kiến 160.000 tấn vải thiều của năm nay của tỉnh Bắc Giang đã được tiêu thụ. Mặc dù chưa như kỳ vọng do tác động của dịch Covid-19 nhưng với mức giá và sản lượng tiêu thụ đã khẳng định sự chủ động trong xây dựng kế hoạch, linh hoạt trong điều hành của tỉnh Bắc Giang cũng như sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, và các Bộ, ngành liên quan.
Trong đó, phải kể đến sự đồng hành của các doanh nghiệp và tư duy canh tác vải thiều an toàn của người dân tiếp tục khẳng định uy tín, thương hiệu tại các thị trường xuất khẩu, hứa hẹn “1 mùa vải thành công trong mùa dịch Covid -19”./.